Lùm xùm bản quyền 'Giấc mơ trưa': Bên vi phạm có thể bị xử hình sự?

Với việc xác nhận bản quyền bản ghi Giấc mơ trưa 'chính chủ' của nhạc sĩ Giáng Son trên YouTube, BH Media đã cản trở việc thực thi quyền tác giả. 'Chưa đến mức vi phạm quyền này' là nhận định của luật sư. Vấn đề đặt ra tiền BH thu được từ các bản ghi có thể không thuộc sở hữu của họ đi về đâu, và vi phạm đến mức nào thì đơn vị này sẽ bị xử lý hình sự?

Giáng Son cùng Khánh Linh trình diễn Giấc mơ trưa trong một chương trình truyền hình

"Quyền liên quan của nhà sản xuất chỉ là quyền sao chép bản ghi âm”, luật sư Trần Anh Dũng nhận định. “Nhưng bản ghi âm của Giấc mơ trưa do tác giả đưa lên kênh YouTube của mình so với bản độc tấu của Dương Thùy Anh khác hẳn nhau. Do vậy có khả năng BH đang nhận thức sai hoặc xác nhận bản quyền cả những thứ cấu thành, gồm giai điệu ca khúc và bản phối. Những yếu tố này thuộc quyền tác giả chứ không phải quyền liên quan”, luật sư phân tích.

Ông Dũng cho rằng hành vi của BH đối với bản ghi Giấc mơ trưa vẫn chưa hình thành vi phạm quyền tác giả mà mới chỉ cản trở quyền tác giả. Và Việt Nam chưa có chế tài cho sai phạm này. Nhưng luật sư cũng cho rằng có khả năng BH trong trường hợp này đã “nhận vơ” cả quyền tác giả chứ không chỉ quyền liên quan. Trong khi BH được cho là không có bất cứ quyền gì kể cả quyền liên quan đối với bản ghi Giấc mơ trưa của Giáng Son. Vì Hồ Gươm Audio không phải đơn vị sản xuất mà chỉ đứng ra phát hành.

Nhạc sĩ Giáng Son đang chờ lời xin lỗi từ BH Media ảnh: Mạnh Hà

Nhạc sĩ Giáng Son đang chờ lời xin lỗi từ BH Media ảnh: Mạnh Hà

BH đang bị nghi ngờ có thể còn thu cả tiền tác quyền trên YouTube. Và theo luật sư Trần Anh Dũng nếu không có quyền tác giả nhưng lại thu tác quyền thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự. Theo luật sư Phạm Duy Khương, luật hình sự chỉ xem xét các hành vi xâm phạm quyền công bố và quyền sao chép. Ông đưa ra ví dụ: thành viên hội đồng duyệt một bộ phim chưa phát hành nhưng lại tiết lộ tình tiết chính của bộ phim trên báo thì có dấu hiệu vi phạm quyền công bố. Hoặc những người làm đĩa lậu sao lại album của ca sĩ bán thu lợi có nghĩa là đã vi phạm quyền sao chép. Còn tải nội dung đó lên mạng thì lại thuộc quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng.

BH Media không thu phí Tiến Quân ca

BH Media tuyên bố sẵn sàng trao thưởng 1 tỷ đồng cho những ai chứng minh được họ khai thác lợi nhuận trên các video có chứa bản ghi âm Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất và phát hành.

Thông cáo gửi tới báo chí của công ty này có đoạn: “BH Media xin khẳng định, chúng tôi chỉ là đơn vị được ủy quyền cho quản lý và phát hành bản ghi Tiến quân ca trên YouTube. Bản ghi này không bật nút kiếm tiền và để cho người dùng sử dụng miễn phí. Đối với bản ghi âm Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất và phát hành, chính sách trên hệ thống Content ID mà BH Media đang áp dụng là theo dõi (track) chứ không phải kiếm tiền.

Nhưng BH Media vẫn luôn phải đảm bảo quét bản quyền để tránh những người dùng sử dụng bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm vào những mục đích xấu”.

BH ra thông báo này sau khi bị VTV phát hiện Tiến quân ca tức Quốc ca đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho đất nước nhưng lại bị BH Media “xác nhận sở hữu bản quyền”. BH cũng cho hay đang phối hợp với một học viện âm nhạc và dàn nhạc giao hưởng lớn để sản xuất một bản ghi Tiến quân ca mới cho người Việt sử dụng miễn phí.

Ngay nhà sản xuất cũng chỉ có quyền sao chép với bản ghi do mình sản xuất. Tức là họ hoàn toàn không có quyền với bản ghi mới cũng của bài hát đó. Trong khi Hồ Gươm ở đây còn không phải là nhà sản xuất bản ghi Giấc mơ trưa của Giáng Son. Theo nhận định của luật sư Trần Anh Dũng thì bản ghi của Giáng Son và bản ghi của Dương Thùy Anh không giống nhau để có thể nói là bản xuất hiện sau sao chép bản trước đó.

“Bản phối là quyền tác giả chứ không phải quyền liên quan. Anh chỉ có quyền nếu sở hữu nó thôi. Nếu anh chỉ có quyền liên quan thì phải giới hạn cơ chế lọc, lọc đến đâu, nội dung gì… chứ không thể lọc quyền tác giả nếu không được ủy quyền”, ông Dũng nói. “Tôi nghi ngờ có thể BH cài đặt nội dung quét theo kiểu họ sở hữu quyền tác giả nên mới dẫn đến xung đột với bản ghi của Giáng Son. Nếu thu tiền của nhạc sĩ mà không có ủy quyền thì là chiếm đoạt tài sản rồi. Cái này thuộc tội hình sự. Nên cần phải kêu gọi nạn nhân - tức là những tác giả không ủy quyền nhưng vẫn bị BH thu quyền tác giả - lên tiếng”.

Luật sư Phạm Duy Khương cho rằng trong vụ này cần xem xét quan hệ của BH với các hãng băng đĩa mà họ được ủy quyền sản phẩm thu âm để kinh doanh trên mạng và các hãng này được các tác giả trao những quyền gì, có bao gồm phân phối hay truyền đạt tác phẩm đến công chúng hay không. Hai quyền này khác nhau và dễ bị chồng chéo.

Ông Khương cho hay: “Các nhạc sĩ cho các bên sản xuất những quyền gì thì họ được sử dụng quyền tương ứng, nhưng thông thường họ hay sử dụng vượt quyền đó vì nghĩ mọi người không phân biệt được các quyền. Tải tác phẩm lên mạng thuộc quyền truyền đạt đến công chúng và nó khác hoàn toàn với quyền phân phối, bán sản phẩm vật lý".

Nhà sản xuất chỉ có quyền phân phối mà không có quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng, tức là sử dụng phương tiện truyền thông thiết bị đầu nghe như mạng internet, đài phát thanh, truyền hình.

“Nếu BH dựa trên quyền phân phối của nhà sản xuất mà lại phát hành các bản ghi lên mạng thì tức là đã vượt qua quyền của họ. Giả sử nhà sản xuất cố tình ký hợp đồng bán quyền đó hoặc không biết mà ủy quyền cho BH thì hành vi đó vẫn là không được phép. Trong lĩnh vực bản quyền, lỗi cố ý hay vô ý đều được coi là hành vi xâm phạm chế tài xử phạt có thể giảm nhẹ hay tăng nặng chứ không loại trừ trách nhiệm”, ông Khương khẳng định.

Nếu BH Media hay Hồ Gươm Audio không chứng minh được họ có quyền truyền đạt sản phẩm đến công chúng thì theo ông Khương các tác giả có quyền kiện họ giống như một vụ xâm phạm bản quyền thông thường. Nhưng ông lại cho rằng vi phạm này không phải đối tượng xử lý về hình sự mà thuộc về hành chính. Tức là bên có lỗi chỉ cần khắc phục hậu quả, gỡ bỏ bản ghi và chịu phạt hành chính và các tác giả có quyền đòi đền bù thiệt hại trên cơ sở lợi nhuận doanh thu BH thu được.

Về quyền liên quan với các tác phẩm thuộc sở hữu toàn dân như Quốc ca hay dân ca, luật sư Phạm Duy Khương cho hay: “Nhà sản xuất hay nghệ sĩ đầu tư dàn dựng lại vẫn có quyền liên quan và ai sử dụng hình ảnh, âm thanh của tiết mục, buổi biểu diễn đó thì phải xin phép người biểu diễn đó. Nếu BH chứng minh được mình đại diện cho nhà sản xuất, nghệ sĩ thì vẫn thu được tiền, nếu không họ lại vượt qua quyền của mình”.

N.M.Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lum-xum-ban-quyen-giac-mo-trua-ben-vi-pham-co-the-bi-xu-hinh-su-post1390794.tpo