Lùm xùm hướng đi của đường ven biển Vân Phong
Dự án đường ven biển Vân Phong vừa khởi công đã vấp phải những khiếu nại liên quan đến hướng tuyến
Dự án tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) đi thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa - gọi tắt là đường ven biển Vân Phong) do Ban Quản lý Khu Kinh tế (BQL KKT) Vân Phong làm chủ đầu tư. Dự án thuộc nhóm A có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách Trung ương 600 tỉ đồng; thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024-2027.
Cắm cọc xong lại nhổ
Dự án có chiều dài gần 20,5 km, gồm 12,7 km đi qua địa bàn các xã Vạn Lương, Vạn Hưng của huyện Vạn Ninh và khoảng 7,7 km thuộc địa bàn xã Ninh Thọ và phường Ninh Diêm của thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Dự án này vừa được khởi công vào ngày 20-12-2024, thì đến ngày 8-1-2025, Báo Người Lao Động đã tiếp nhận đơn kêu cứu, kiến nghị của 10 hộ dân ở thôn Xuân Tự 1, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, về việc chủ đầu tư điều chỉnh hướng đường ven biển không đúng theo đồng thuận ban đầu.
Theo đó, vào tháng 3-2024, khi BQL KKT Vân Phong lấy ý kiến cộng đồng cư dân về tuyến đường này, người dân đã có ý kiến phản đối việc tuyến đường đi sâu vào khu vực đông dân cư. Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nói rõ là kết hợp tuyến đường ven biển này với đê biển nhằm bảo vệ dân sinh. Chủ trương nghiên cứu quy hoạch tuyến đường này của UBND tỉnh Khánh Hòa cũng hướng tới việc ít ảnh hưởng đến đất nhà ở của các hộ dân, tạo sự đồng thuận của người dân.
Sau đó, BQL KKT Vân Phong đã nghiên cứu các nội dung kiến nghị nêu trên và đề xuất dịch chuyển tim đường tuyến đoạn từ Km3+120 đến Km4+100 ra phía biển trung bình 46 m, vị trí xa nhất 160 m. Hướng tuyến điều chỉnh mới này làm giảm ảnh hưởng thu hồi đất 41 hộ dân (trong đó có 14 căn nhà), bảo đảm hài hòa và êm thuận.
Phương án này đã được người dân đồng thuận vì không ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày, phù hợp nguyện vọng của bà con. Chính quyền địa phương và BQL KKT Vân Phong đã làm lễ bàn giao mốc giới và cắm cọc vào ngày 12-7-2024.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Đoan (người dân bị ảnh hưởng) cho biết sau khi cắm cọc giải phóng mặt bằng, chỉ khoảng 4 ngày thì bất ngờ người dân lại thấy có nhóm người không đi cùng chính quyền đến đây nhổ cọc. Người dân đã yêu cầu phải trả lại đúng vị trí. Nhưng nhóm người này chỉ dùng sơn để xịt...
"Khi chúng tôi tìm hiểu thì lại được BQL KKT Vân Phong đưa thêm phương án khác, khiến toàn bộ căn nhà của gia đình và nhiều hộ dân khác trong thôn bị ảnh hưởng. Gia đình tôi sẽ bị mất khoảng 1.400 m2 đất chưa kể đất ở, trong khi theo phương án đã đồng thuận chỉ bị ảnh hưởng khoảng 600 m2" - ông Đoan nói.
Thay đổi vì không phù hợp quy hoạch
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề thay đổi điều chỉnh dù trước đó đã cắm mốc mặt bằng, đại diện BQL KKT Vân Phong cho hay sau khi thống nhất phương án, thì Ban lại nhận được đơn của một nhóm người dân khác. Nhóm này kiến nghị giữ lại tim tuyến đường theo đúng với Quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 27-3-2023.
Qua rà soát, đối chiếu với quy hoạch chung KKT Vân Phong được phê duyệt tại Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 27-3-2023, thì phương án đã cắm mốc có một đoạn không phù hợp phạm vi ranh đất liền mà nằm hoàn toàn trong phạm vi quy hoạch mặt nước.
Theo Ban này, nếu làm theo phương án đã cắm mốc thì không phù hợp quy hoạch đã được Thủ tướng và HĐND tỉnh phê duyệt khi cách xa về phía biển (đoạn tuyến dài 300 m, với khoảng lấn biển xa nhất 40 m) sẽ dẫn đến phải thực hiện lấn biển làm thay đổi ranh giới, diện tích đất liền của khu kinh tế. Việc dịch chuyển hướng tuyến ra phía biển sẽ dẫn đến thay đổi lớn phương án xử lý nền, móng, kè biển với các giải pháp kỹ thuật phức tạp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn công trình, đồng thời làm tăng cao kinh phí đầu tư dự án…
Do đó, Ban Quản lý đề xuất giữ nguyên tim tuyến đoạn từ Km3+120 đến Km3+500 theo đúng hướng tuyến đã được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua và đồng thời nắn lại đoạn tuyến hướng biển để phù hợp hơn và trình Ủy ban MTTQ tỉnh Khánh Hòa tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư vào ngày 21-5-2024.
Đại diện BQL KKT Vân Phong cho rằng khu vực này trước đây từng điểm nóng với tình trạng mua bán đất đai, giá đất được đẩy cao nên mới vậy, còn BQL KKT làm việc khách quan, đúng quy định pháp luật.
Một người có tên ở 2 nhóm trái ngược (?!)
Ông Nguyễn Văn Minh (SN 1967, người đứng đơn gửi Báo Người Lao Động), khi trao đổi trực tiếp với phóng viên đã cho rằng ông rất bất ngờ vì mình lại có tên trong đơn kiến nghị của nhóm dân còn lại (?!). "Tôi đã thống nhất cao với việc điều chỉnh ban đầu không hề có ý kiến gì khác, không hiểu sao lại có tên ở nhóm kia vì theo phương án mới gia đình sẽ ảnh hưởng diện tích đất rất nhiều" - ông Minh cho hay.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lum-xum-huong-di-cua-duong-ven-bien-van-phong-196250115204100428.htm