Lùm xùm mua sắm tại các bệnh viện: Khi lương y quên... 'từ mẫu'
Thời gian qua, liên tiếp các vụ trục lợi từ mua sắm thiết bị y tế ở các bệnh viện lớn, nhỏ trên cả nước bị Cơ quan CSĐT phanh phui. Vì lòng tham, một số bác sĩ, người đứng đầu cơ sở y tế quên mất lời dạy của Bác Hồ: 'Lương y phải như từ mẫu'.
Liên tục các vụ án nâng khống thiết bị y tế ở các viện lớn, nhỏ
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành xác minh một số vụ việc liên quan đến các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, đề án xã hội hóa tại Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn.
Đây là hai bệnh viện lớn thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2015 đến nay đã thực hiện nhiều dự án mua sắm trang thiết bị y tế theo các chương trình liên doanh, liên kết với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Hiện cơ quan công an đang trong giai đoạn xác minh, lấy tài liệu liên quan và chưa có kết luận gì liên quan hai bệnh viện trên. Tuy nhiên, thời gian qua, cơ quan Cảnh sát điều tra đã liên tục triệt phá các vụ án mua sắm thiết bị y tế, nâng khống giá để trục lợi tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Mắt TP HCM… bắt nhiều cựu lãnh đạo, lãnh đạo, cán bộ, khiến dư luận bàng hoàng về y đức bác sĩ.
Bởi ở nước ta, thu nhập của các bác sĩ được xếp loại khá tốt. Tuy nhiên, vì lòng tham, nhiều bác sĩ quên mất vai trò chính của mình là cứu người, quên mất lời dạy của Bác Hồ: "Lương y như từ mẫu" để bị chi phối, trục lợi trên nỗi đau người bệnh.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt và cần tiếp tục được duy trì một cách liên tục, lâu dài trên tất cả các lĩnh vực.
“Ở đâu có việc đầu tư công, mua sắm công, dịch vụ công phục vụ lợi ích của nhân dân, lợi ích của xã hội có dính đến vấn đề chi tiêu tiền túi của nhân dân thì rất dễ xảy ra vấn đề trục lợi và tham nhũng. Một trong những lĩnh vực hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chính là y tế” - Đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu ý kiến.
Ông Sinh cho biết, trong những chỉ đạo mới đây nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trước đây chúng ta đang tập trung vào một số lĩnh vực như kinh tế, kết cấu hạ tầng. Trong nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục làm mạnh và sâu hơn ở hai lĩnh vực y tế và giáo dục.
“Thông thường từ xưa đến nay, người ta ít quan tâm đến lĩnh vực này. Tuy nhiên trên thực tế, xã hội thời gian qua cũng rất bức xúc về hai lĩnh vực này. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo những năm tới đây sẽ phải làm tốt hai lĩnh vực này. Bởi vì, đây cũng là lĩnh vực chống tham nhũng. Hơn nữa, hai lĩnh vực này ăn rất sâu vào lòng dân về vấn đề đạo đức xã hội. Ngành y tế ngoài việc phục vụ tốt nhân dân, bác sĩ cần phải có y đức” - Đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, người làm trong lĩnh vực y tế mà lại cố tình làm những việc trục lợi như vậy là không thể chấp nhận được.
“Chỉ đạo như vậy rất đúng và trúng. Tôi đồng tình làm quyết liệt trong lĩnh vực y tế trong thời gian tới. Một mặt chống tham nhũng đồng thời cũng cảnh tỉnh đối với các y bác sĩ” - Đại biểu Sinh nói và cho rằng, ngành y tế là lĩnh vực đặc thù rất quan trọng mà trên hết cần y đức của các bác sĩ.
“Đối với người dân đi khám bệnh, không bao giờ mặc cả được dịch vụ y tế cũng như giá thuốc. Bởi vì đây là ngành đặc thù. Ví như đối với các bệnh viện chuyên sâu, rõ ràng chỉ định khi chuyển bệnh nhân lên đấy là chỉ được khám chữa bệnh ở đó. Người dân không kiểm soát được chất lượng dịch vụ và không mặc cả được đối với việc các cơ sở khám chữa bệnh đưa ra những giá như vậy.
Vấn đề thuốc chữa bệnh cũng như vậy. Không bệnh nhân nào có thể mặc cả về giá thuốc. Do đó, cần phải làm tốt việc này để chống tham nhũng và chống việc các bác sĩ làm những việc thiếu y đức, trục lợi, ăn chặn như đã xảy ra thời gian qua” - Đại biểu Sinh nói.
"Quên mất lời thề y đức"
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong vài năm trở lại đây, tình hình vi phạm đạo đức, lối sống của cán bộ công chức, viên chức, vi phạm đạo đức ngành y đã diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở khám chữa bệnh.
“Sau khi mua những trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh đều thường hay có tiêu cực, đặc biệt tình trạng nâng trần giá thuốc, nâng khống giá thiết bị y tế. Đây là những hành vi vi phạm y đức rất trắng trợn, cần phải có sự xử lý nghiêm minh” - Đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Ông Hòa cho rằng, các trường đại học y, các cơ sở đào tạo ngành y lúc nào cũng đưa ra khẩu hiệu “lương y như từ mẫu”, thấm nhuần lời nói của Bác Hồ từ xưa cho tới nay. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, không ít người trong ngành y đã diễn biến, có những suy nghĩ, tư tưởng hết sức lệch lạc trong y đức của mình.
“Học ngành y để có nghề chính cho bản thân và là một nghề để chữa bệnh cho người thân, cho gia đình và xã hội, nhân dân. Đó là việc cần phải trau dồi đạo đức, y đức. Tuy nhiên, sau khi ra trường, một số người dường như đã quên mất y đức, ra trường để thu vén, trục lợi để bù đắp cho sự tốn kém trong quá trình học tập. Không ít người có suy nghĩ tiêu cực đó dẫn đến tình trạng không ít đội ngũ y bác sĩ vi phạm nghiêm trọng về mặt y đức” - Đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa dẫn chứng một số vụ án liên quan thiết bị y tế hiện nay cơ quan công an đã và đang làm tại một số cơ sở y tế. Đồng thời cho biết, hiện nay không ít những người “lương y như từ mẫu” đang ở trong "khám tù".
“Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng cần phải xem xét, xử lý và giáo dục y đức của ngành y ngay khi còn trên ghế nhà trường và trong quá trình công tác. Đồng thời, giáo dục đạo đức, tính gương mẫu, liêm khiết của những người đứng đầu ngành y, đứng đầu các bệnh viện” - ông Hòa nói và cho rằng, đối với những người sai phạm cần xử lý nghiêm khắc.
“Đối với những đối tượng thuộc ngành nghề khác có thể áp dụng các tình tiết giảm nhẹ từ thành tích trong công tác nhưng riêng ngành y mà nâng khống giá thiết bị y tế, vi phạm đạo đức trắng trợn thì cần phải xử lý nghiêm minh” - Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Mời độc giả xem thêm video Bắt tạm giam nguyên Giám đốc và nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai