Lưng còng, sức yếu, người già không lương hưu vất vả tự lực cánh sinh
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo, đến năm 2066 chúng ta sẽ có khoảng 20 triệu người không có lương hưu, phải tự trang trải cuộc sống hoặc dựa vào trợ cấp của con cháu.
LTS: Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1/3 số người cao tuổi có lương hưu và các khoản trợ cấp. Hầu hết lao động người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương – không có hợp đồng, lương thấp, không được đóng bảo hiểm…
Có một thực tế là, hơn một nửa người cao tuổi Việt Nam đang ở độ tuổi 60-69. Nhiều người trong số này còn khỏe mạnh, minh mẫn. Nhưng một phần do không tìm được công việc phù hợp, một phần vì tư tưởng cũ, họ chưa được tận dụng hết sức khỏe, trí tuệ của mình, gây lãng phí cho chính người cao tuổi và cả cho đất nước.
VietNamNet giới thiệu tuyến bài Già hóa dân số và việc làm cho người cao tuổi nhằm làm rõ hơn về vấn đề này.
Khi chúng tôi vào nhà, bà Phạm Thị Lư (79 tuổi, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đang ăn trưa với đứa cháu nội năm nay học lớp 10. Bà sống cùng chồng từ khi cho các con lập gia đình riêng. Cách đây 2 năm, ông mất đột ngột vì tai biến, bà sống một mình trong căn nhà ngói 2 gian.
Bà Lư có 6 người con gồm 4 gái, 2 trai. Cách đây 2-3 năm, 2 con trai bà lần lượt qua đời vì ung thư. Cuộc sống của bà ngày càng cô quạnh hơn. Con dâu bà sống gần đó, đã sắp xếp để 2 đứa nhỏ hàng ngày sang ăn cơm cùng bà. Còn chị thì đi làm công nhân, tối về sang ngủ cùng mẹ chồng đề phòng bà đau yếu đột xuất.
Con gái lớn của chị đang học cao đẳng ở Hà Nội. Trong hai đứa nhỏ thì cậu út mắc bệnh hiểm nghèo, quanh năm phải uống thuốc và đi bệnh viện. Bà Lư kể, hàng ngày bà vẫn sắc thuốc cho cháu uống. Thuốc này cũng là nhờ các mạnh thường quân tài trợ cho cháu bao nhiêu năm nay.
Hiện tại, gánh nặng kinh tế dồn hết lên vai chị Phạm Thị Hậu, 45 tuổi - con dâu bà. Với thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng và 6 sào ruộng, chị vừa nuôi 3 con ăn học, vừa phụng dưỡng mẹ già.
Bà Lư có đông con nhưng 2 con trai mất sớm, các con gái không khá giả gì vì đều làm ruộng. 79 tuổi, lưng đã còng, sức khỏe yếu, bà không làm được gì ngoài việc cố gắng nấu cho con cháu bữa cơm.
May mắn hơn bà Lư, bà Đặng Thị Sớm (64 tuổi, xã Hương Gián, tỉnh Bắc Giang) vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn. Nhưng hiện tại, kinh tế gia đình bà rất khó khăn.
Bà Sớm có 2 con trai thì người con út lấy vợ và định cư ở Long An. Anh cũng làm nông nên không giúp được gì đáng kể cho bố mẹ. Vợ chồng con trai lớn sống với bố mẹ nhưng gần 1 năm nay, anh chị đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, để 2 con nhỏ ở nhà cho ông bà chăm sóc.
Hàng ngày, bà Sớm bận đưa đón cháu đi học, nấu cơm và cấy 2 sào ruộng. Vì năm nay đồng Yen xuống thấp nên thu nhập của vợ chồng anh con trai không cao, vẫn chưa trả hết khoản vay 500 triệu đồng đi nước ngoài. Ông bà lại phải “tự lực cánh sinh”. Kinh tế của cả nhà bây giờ lại phụ thuộc vào ông với công việc bảo vệ siêu thị.
“Ông ấy bị tai nạn, phải phẫu thuật mất mấy chục triệu cách đây 2 tháng. Cơ thể còn yếu, chưa phục hồi đâu nhưng lại vừa quay trở lại đi làm. Giờ nếu không đi thì bí tiền quá” - bà Sớm kể.
Đồng lương bảo vệ của ông được tính theo giờ, chỉ vài triệu một tháng. Nhiều khi 2 con chưa kịp gửi tiền về, ông bà phải tự lo tiền học cho các cháu.
Bà Sớm kể, trước kia bà cũng làm công nhân, sau chuyển sang làm tạp vụ trong cơ quan nhà nước, nhưng sau đó bà về hưu hưởng chế độ một lần nên giờ không có lương hưu.
Đưa người cao tuổi vào thị trường lao động
Những người cao tuổi (NCT) không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn như bà Lư và bà Sớm hiện nay khá phổ biến ở nước ta. Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến tháng 5/2023, chỉ có gần 2,7 triệu NCT hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, chiếm 20,7% tổng số NCT.
Trên thực tế, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế năm 2016, trên 50% NCT trong độ tuổi từ 60-69 tuổi và gần 20% NCT trong độ tuổi từ 70-79 tuổi vẫn đang lao động, sản xuất.
Tuy nhiên, 81% trong số đó làm việc trong khu vực phi chính thức, 90% làm việc trong các ngành nông, lâm và thu nhập của NCT làm công hưởng lương chỉ bằng 38,5% mức lương bình quân trên thị trường.
Trước bối cảnh xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng (dự báo đến năm 2038, nhóm NCT sẽ chiếm 20% dân số), việc NCT không có thu nhập, thu nhập thấp hoặc không có lương hưu sẽ trở thành một gánh nặng cho người trẻ và cho nền kinh tế.
TS Nguyễn Thị Minh Hòa (Trường Đại học Lao động - Xã hội) cho rằng, có 2 cách để “hoãn” già hóa và ổn định dân số, đó là khuyến khích tỷ lệ sinh cao hơn hoặc tăng nhập cư. “Tuy nhiên, trì hoãn một dân số đang già hóa là cả một vấn đề và có khả năng sẽ làm cho nó tồi tệ hơn. Bởi việc bổ sung những người trẻ tuổi, sau này khi họ về già cũng sẽ làm tăng số người phụ thuộc. Người trẻ hôm nay sẽ trở thành người già trong tương lai, do đó lực lượng lao động của ngày hôm nay sẽ là người phụ thuộc của ngày mai”.
Việc khuyến khích người trong độ tuổi lao động nhập cư cũng sẽ vấp phải tình trạng tương tự trong tương lai khi người nhập cư cũng già đi, trừ khi họ bị bắt buộc phải rời khỏi đất nước trước khi đến tuổi nghỉ hưu. “Đây là chính sách nhập khẩu lao động mà một số quốc gia có dân số già chiếm tỷ lệ cao ở châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc đang áp dụng, mà Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lao động”.
TS. Hòa cho rằng giải pháp có tiềm năng hơn, đó là giải quyết vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm cho NCT, khuyến khích NCT có khả năng lao động tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế và tăng tuổi hưu trí phù hợp trong bối cảnh tuổi thọ tăng. “Giải pháp về vấn đề già hóa dân số cần linh hoạt và nhân đạo” - bà nói.
Bảo hiểm xã hội - giải pháp cho NCT không thu nhập
Trường hợp của bà Lư không còn khả năng lao động nhưng chưa đủ 80 tuổi để nhận trợ cấp xã hội (cho người từ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu). Bà cũng không thể được xếp vào danh sách người già neo đơn vì vẫn còn con cái.
Với những người già neo đơn, để được nhận trợ cấp xã hội cũng phải đủ tiêu chí thuộc diện hộ nghèo. Nhưng từ khi xã Minh Tân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, số hộ nghèo không được phép phát sinh nên những người già neo đơn cũng không thể được xếp vào diện hộ nghèo để được nhận trợ cấp.
Ông Phạm Ngọc Tửu - Phó chủ tịch xã cho hay, xã vẫn còn hơn 40 trường hợp người già neo đơn không được hưởng chế độ gì của Nhà nước. “Khi đã không còn sức lao động, không có con cái, chỉ trông vào vài sào ruộng thì cuộc sống của những NCT này vô cùng khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh nhưng đều nhận được câu trả lời là chưa có quy định để giải quyết”.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Viện trưởng Viện Khoa học BHXH nhận định, cần có những thay đổi về chính sách để đảm bảo nguồn thu nhập cơ bản cho NCT.
Theo dự báo, dân số nước ta sẽ đạt quy mô lớn nhất khoảng 117 triệu người vào năm 2065 và người trên 60 tuổi đạt khoảng 31,4 triệu người. Đến năm 2066 sẽ có khoảng 20 triệu người không có lương hưu và phải tự trang trải cuộc sống hoặc dựa vào nguồn trợ cấp khác nếu không có thay đổi về chính sách.
Theo ông Quang, để đạt được mục tiêu mà nghị quyết số 28 của Ban chấp hành Trung ương đã đề ra - đến năm 2025 có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, cần thực hiện đồng bộ 2 nhóm vấn đề. Một là sớm triển khai hưu trí xã hội với độ tuổi giảm dần. Hai là mở rộng diện bao phủ BHXH.
Bài 2: Ở tuổi 69, vợ vẫn nuôi 100 con gà, chồng túc tắc làm thợ xây