Lung Tang chuyển mình

Nằm cách trung tâm xã Hồng Ngài chừng 20 km, nhiều năm trước, Lung Tang gần như tách biệt với các bản khác trong xã và là bản khó khăn nhất của xã Hồng Ngài. Nhưng hôm nay, chúng tôi về Lung Tang, nhận thấy có nhiều sự đổi thay, đời sống người dân nơi đây đang khởi sắc.

Tuyến đường Trung tâm xã Hồng Ngài đến bản Lung Tang được sửa chữa, nâng cấp.

Tuyến đường Trung tâm xã Hồng Ngài đến bản Lung Tang được sửa chữa, nâng cấp.

Do đã được thông tin trước là đường về Lung Tang rất khó đi, nên khi mặt trời vừa ló rạng, anh Mùa A Sáy, Phó Bí thư Đoàn xã Hồng Ngài đã làm “hoa tiêu” đưa tôi đến Lung Tang. Đường về Lung Tang phải đi qua các bản Suối Háo, Suối Chạn và Suối Tếnh, đều là đường đất, hoặc đá hộc lổn nhổn trên mặt đường, thường ngày đã khó đi, nhưng sau một đêm trời mưa, mặt đường trơn trượt hơn rất nhiều, chỉ cần sơ ý, mất tập trung thì rất dễ bị ngã xe, đổ xe hoặc lao xuống sườn núi. Vậy mà bao năm qua, người dân nơi đây vẫn gắn bó với con đường này, quả là gian nan.

Qua bản Suối Háo khoảng 7 km, đi trên những con đường đèo quanh co, từ trên đỉnh đèo phóng tầm mắt về phía lòng hồ sông Đà, trước mắt chúng tôi là bản Mong, xã Song Pe. Lần trước đến bản Lung Tang, từ đây, chúng tôi phải đi bằng đường sông, rồi men theo con đường đi làm nương của người dân, lần này chúng tôi đi bằng tuyến đường đất chạy ngang các sườn núi. Trên đường đi, những câu chuyện về bản Lung Tang càng khiến chúng tôi thêm háo hức về bản để được chứng kiến những đổi thay bước đầu nơi đây.

Bản Lung Tang có hai dòng họ thuộc đồng bào dân tộc Mông cùng sinh sống, đó là dòng họ Lầu và dòng họ Sồng. Theo người dân kể lại, vào những năm 1980 của thế kỷ trước, người Mông các xã Tà Xùa, Hồng Ngài và một số xã vùng cao khác thuộc huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) di cư tự do. Nhớ lại chuyến công tác đầu năm đến bản vùng biên Pha Luông, thuộc xã Chiềng Sơn (Mộc Châu), chúng tôi được Trưởng bản Sồng A Tủa cho biết, tuyến đường du canh du cư của người Mông Bắc Yên, đối chiếu lại đường đi cũng như vị trí địa lý của các địa danh người dân bản Mông Pha Luông từng đi qua, có thể thấy bản Lung Tang là một điểm nằm trên tuyến đường du canh du cư năm đó. Tuy nhiên, hầu hết người dân Lung Tang đã không di cư tự do, nghe theo lời cán bộ của huyện, của xã xây dựng cuộc sống tại nơi này.

Từ một bản “ba không” (không điện, không đường, không trường), quanh năm bà con chỉ quanh quẩn trên đỉnh núi với những nương ngô, cây rừng, một tuần chỉ xuống núi 1 hoặc 2 lần nếu có công việc hoặc chở nông sản đi bán. Trải qua nhiều năm, đất đai ngày càng cằn cỗi, nên trồng cây gì cũng khó, cái nghèo cứ đeo đẳng từ năm này sang năm khác. Vậy mà giờ đây, trên đỉnh núi này đã có điện, có lớp học cắm bản, có sóng điện thoại. Đặc biệt là, màu xanh của một số loại cây trồng mới cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn đã phủ lên các sườn đồi mà trước đây trồng ngô, trồng sắn.

Trong nhà văn hóa bản được dựng bằng gỗ theo kiểu nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, Bí thư chi bộ bản Lầu A Mang phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về việc bà con đã và đang thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp: Mời phóng viên ở lại với chúng tôi nhé, có thời gian để đi thăm các nương đồi đang được trồng cây ăn quả. So với lần trước phóng viên đến, cuộc sống của người dân đã có sự thay đổi rồi.

Trong bữa cơm tại gia đình Bí thư Chi bộ bản có những món ăn truyền thống của đồng bào người Mông vùng cao, được chủ nhà thết đãi măng ớt, rau rừng, bánh dày, mèn mén và cả rượu ngô. Câu chuyện về chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm của người dân vùng cao Lung Tang được đồng chí Bí thư chi bộ tâm sự: Mấy năm gần đây, xã Hồng Ngài đã cử nhiều đoàn cán bộ lên bản Lung Tang cùng ăn, cùng ở, cùng làm nương với bà con, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế theo cách “cầm tay chỉ việc”, từng bước đưa cây ăn quả như nhãn, xoài, mận hậu… từng bước thay thế nương ngô, sắn kém hiệu quả. Điều vui mừng là, hiện bản Lung Tang đã có trên 70 ha cây ăn quả.

Sáng sớm ngày hôm sau, khi mặt trời còn chưa ló qua ngọn núi, chúng tôi đã nghe thấy tiếng bà con gọi nhau lên nương, những công cụ lao động quen thuộc như cuốc, kéo tỉa cành cùng lù cở đựng đồ ăn thức uống được buộc trên yên xe máy. Theo chân mọi người lên nương, đến một khu vườn đồi được phủ màu xanh của cây ăn quả, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây. Khoát tay chỉ lên phía đỉnh đồi, ông Lầu A Mang tâm sự: Chúng tôi đã thay đổi vị trí cho từng loại cây trồng: Cây ăn quả được trồng ở diện tích đất phía trên, còn ngô, sắn được trồng phía dưới chân nương. Để nâng cao năng suất cây trồng, Chi bộ và Ban Quản lý bản đã đề nghị xã cử cán bộ khuyến nông về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, cách trồng cây theo hướng chuyên canh, nhưng chưa tổ chức được nhiều, vì vậy người dân vẫn còn khá lúng túng. Chúng tôi rất mong xã, huyện tổ chức nhiều đợt tập huấn hơn nữa, giúp chúng tôi nắm bắt tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào thực tế sản xuất.

Màu xanh của cây ăn quả trên nương đồi Lung Tang đánh dấu bước tiến mới của việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân nơi đây. Song, trong thời gian tới, bà con rất mong được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật để phát triển sản xuất. Tạm biệt Lung Tang, chúng tôi ấn tượng mãi về sự chịu thương, chịu khó và dám đổi mới với mong muốn đẩy lùi đói nghèo, từng bước xây dựng cuộc sống no ấm của người dân vùng cao này.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/lung-tang-chuyen-minh-24683