Lúng túng hỗ trợ người nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả châu Phi
Đến thời điểm này, còn rất nhiều hộ dân có lợn bị tiêu hủy từ ngày 26/7 trở về sau chưa được hỗ trợ khiến người dân rất băn khoăn, trong khi lãnh đạo xã cũng đang chờ hướng dẫn của UBND các huyện.
Để kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho các hộ có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi, Sở Tài chính Bến Tre ban hành công văn số 2493/STC-TCHCSN về kinh phí phòng chống, bệnh dịch tả lợn châu Phi (gọi tắt công văn 2493). Trong số đó, đề nghị UBND huyện, thành phố chủ động sử dụng các nguồn ngân sách huyện, thành phố thực hiện.
Tuy nhiên, đến ngày 11/9, một số huyện vẫn còn lúng túng trong thực hiện, thậm chí có huyện còn chưa triển khai thực hiện. Trong khi đó, người dân thì trông mong tiền hỗ trợ từng ngày.
Đến thời điểm này, còn rất nhiều hộ dân có lợn bị tiêu hủy từ ngày 26/7 trở về sau chưa được hỗ trợ khiến người dân rất băn khoăn, trong khi lãnh đạo xã cũng đang chờ hướng dẫn của UBND các huyện.
Sau khi đàn lợn bị tiêu hủy hơn một tháng, bà Nguyễn Thị Tiên, ấp Thủ Sở, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Nếu trước đây nghề chăn nuôi lợn là nghề chính của gia đình thì nay gia đình bà Tiên chuyển sang nghề làm đáy, bán dừa để trang trải cuộc sống, tăng thêm thu nhập cho sinh hoạt gia đình và học hành của các con.
Theo bà Tiên, mặc dù, đàn lợn của gia đình chỉ có 6 con nái, nếu được nhận hỗ trợ thì số tiền không nhiều nhưng sẽ phần nào giúp bà trang trải trả nợ tiền thức ăn cho đàn lợn đã chết. Vì vậy, bà mong muốn, chính quyền địa phương và ban ngành tỉnh, huyện sớm có phương án để hỗ trợ kinh phí cho người dân xoay sở trong lúc chăn nuôi thiệt hại, nợ nần chồng chất.
Ấp Thủ Sở, xã Thạnh Ngãi là địa phương đầu tiên của huyện Mỏ Cày Bắc xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Tính đến ngày 11/9, huyện Mỏ Cày Bắc có 84 hộ có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả châu Phi nhưng mới chỉ có 7 hộ tại ấp Thủ Sở (có lợn bị tiêu hủy trước ngày 26/7) được nhận tiền hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 450 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Ngãi Phạm Văn Luận cho biết, huyện đã hướng dẫn xã làm các thủ tục để người dân nhận tiền hỗ trợ, nhưng đến nay vẫn còn nhiều hộ chưa được nhận. Xã cũng đã đề xuất huyện và rất mong huyện sớm giải quyết hỗ trợ cho người dân, tạo niềm tin cho người dân đối với chính quyền, để người dân an tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, phòng tài chính Kế hoạch huyện Mỏ Cày Bắc, trong văn bản của Sở Tài chính quy định, UBND huyện, thành phố chủ động sử dụng các nguồn ngân sách của huyện, thành phố thực hiện chi hỗ trợ.
Tuy nhiên, lại không giao cơ quan nào chủ trì thực hiện và phối hợp nên mặc dù có văn bản rồi nhưng phòng tài chính không biết làm thế nào để chi. Ba cơ quan liên quan phòng tài chính kế hoạch, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm thú y huyện bị động chưa bố trí thời gian trong công tác thực hiện chi hỗ trợ cho người dân.
Trong khi chờ ý kiến lãnh đạo cấp trên, chiều ngày 9/9, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng tài chính kế hoạch và trạm thú y huyện Mỏ Cày Bắc đã thống nhất cách thức hướng dẫn làm hồ sơ quyết toán kinh phí hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy. Theo đó, hồ sơ tiêu hủy đảm bảo 10 văn bản bản kê khai, biên bản xác minh của thú y, quyết định tiêu hủy, biên bản tiêu hủy, đơn xin hỗ trợ, bảng tổng hợp đề xuất hỗ trợ, bảng tổng hợp đề xuất hỗ trợ, tờ trình UBND xã.
Còn tại huyện Giồng Trôm – nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên của tỉnh Bến Tre, sáng 11/9, lãnh đạo huyện Giồng Trôm mới tổ chức họp với các ngành có liên quan và lãnh đạo hai xã Thạnh Phú Đông (nơi xảy ra ổ dịch đầu tiên vào ngày 2/7) và xã Tân Lợi Thạnh (nơi có đàn lợn lớn của huyện) để tìm cách giải quyết "thí điểm", sau đó sẽ đưa ra hướng thực hiện chung cho các xã còn lại.
Tính đến ngày 11/9, huyện Giồng Trôm còn 7 xã/22 xã chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi. Giồng Trôm là nơi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của tỉnh Bến Tre vào ngày 2/7/2019. Đến thời điểm này, Giồng Trôm là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi, số đàn lợn bị tiêu hủy của huyện chiếm gần 50% tổng số lợn bị tiêu hủy của cả tỉnh Bến Tre.
Tổng số hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy bắt buộc ở 131 hộ, tổng số lợn buộc tiêu hủy 4.797 con, nhưng mới chỉ có 7 hộ chăn nuôi ở 2 xã Thạnh Phú Đông và Tân Lợi Thạnh được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại; vẫn còn 124 hộ chưa được làm thủ tục quyết toán.
Theo Quyết định số 01/QĐ-BCĐ.PCDBĐV (quyết định số 01) ngày 30/5/2019 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh về việc ban hành kịch bản ứng phó đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, thì trình tự thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là do trạm chăn nuôi và thú y huyện chịu trách nhiệm.
Thực hiện theo quyết định số 01, toàn tỉnh có 19 hộ (có lợn bị tiêu hủy trước ngày 26/7) ở thành phố Bến Tre và các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc đã được nhận tiền hỗ trợ với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng.
Công văn 2493 cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động sử dụng các nguồn ngân sách của huyện, thành phố để thực hiện. Trường hợp dịch bệnh xảy ra ở phạm vi lớn mà ngân sách huyện, thành phố không đảm bảo nguồn để thực hiện thì các huyện, thành phố kịp thời dự toán kinh phí hỗ trợ thiệt hại gửi Sở Tài chính để phối hợp với các cơ quan thẩm định trình UBND tỉnh tạm ứng kinh phí để thực hiện.
Theo ông Trần Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bến Tre thì Sở đã ban hành tất cả các văn bản, công văn hướng dẫn các huyện, thành phố hướng dẫn cụ thể chi hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, người dân chưa được nhận là do các huyện chậm triển khai thực hiện. Sở Tài chính cũng chưa nhận được phản hồi nào của các huyện, thành phố (trừ huyện Giồng Trôm) thắc mắc trước các văn bản, công văn hướng dẫn chi hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Tính đến ngày 11/9, trên địa bàn tỉnh đã có 45 xã thuộc 8 huyện, thành phố xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi (riêng huyện Bình Đại chưa xuất hiện bệnh). Số lợn đã bị tiêu hủy gần 12.000 con lợn (kéo giảm đàn lợn của tỉnh xuống còn 480.000 con). Dự báo, dịch vẫn đang tiếp diễn và sẽ có những đợt lợn bệnh tăng cao, đặc biệt sau những đợt áp thấp nhiệt đới./.