Lúng túng tên ngành trên bằng tốt nghiệp

Các trường ĐH đang lúng túng trong việc ghi tên ngành trên bằng tốt nghiệp cho sinh viên ngành ghép. Nhiều sinh viên lo lắng vì bằng tốt nghiệp không đúng với ngành đã học.

Những ngày qua, sinh viên các ngành sư phạm sử-giáo dục quốc phòng, sư phạm giáo dục thể chất-giáo dục quốc phòng khóa 2007-2011 của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lo lắng trước thông tin bằng tốt nghiệp không được ghi đúng với tên ngành được học.

Lơ mơ ngành chính, ngành phụ

Theo phản ánh của sinh viên, nếu học ngành sư phạm sử-giáo dục quốc phòng thì chỉ được cấp bằng cử nhân sư phạm sử; ngành sư phạm giáo dục thể chất-giáo dục quốc phòng chỉ được cấp bằng cử nhân sư phạm giáo dục thể chất. Nghĩa là sinh viên chỉ được cấp bằng theo ngành thứ nhất (ngành chính), còn ngành thứ hai (ngành phụ) chỉ được ghi trong bảng điểm.

Hầu hết sinh viên đều cho rằng khi đăng ký dự thi và trúng tuyển, sinh viên không cần biết đó là ngành ghép (ngành chính, ngành phụ) mà chỉ biết đó là ngành được trường đào tạo có mã ngành rõ ràng. Do đó, sau khi tốt nghiệp phải được ghi đúng với tên ngành đã học. Vì nếu chỉ được cấp bằng theo chuyên ngành chính thì cơ hội việc làm sau khi ra trường không trọn vẹn. Thêm vào đó, nếu chỉ được cấp bằng cử nhân sư phạm sử trong khi học ngành sư phạm sử-giáo dục quốc phòng (mã ngành 610) thì tại sao lại có ngành sư phạm lịch sử (mã ngành 602)? Tương tự, sinh viên học ngành sư phạm giáo dục thể chất-giáo dục quốc phòng (mã ngành 905) mà chỉ được cấp bằng cử nhân sư phạm giáo dục thể chất trong khi đã có ngành sư phạm giáo dục thể chất (mã ngành 903)? Vậy ngành giáo dục quốc phòng được đào tạo chung có tác dụng gì?

Sinh viên cần được thông tin đầy đủ, rõ ràng về ngành học. Ảnh: QUỐC DŨNG

Sinh viên cần được thông tin đầy đủ, rõ ràng về ngành học. Ảnh: QUỐC DŨNG

Rối rắm ngành, chuyên ngành

Mới đây, sinh viên khoa Du lịch khóa 2006-2010 của Trường ĐH Văn Hiến cũng khốn đốn vì tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh du lịch-khách sạn, quản trị kinh doanh du lịch và dịch vụ lữ hành nhưng lại không nhận được bằng tốt nghiệp đúng với ngành đã học. Bằng tốt nghiệp của các em chỉ ghi ngành du lịch-khách sạn hoặc du lịch và dịch vụ lữ hành. Điều tréo ngoe là hai chuyên ngành này lại thuộc ngành văn hóa du lịch, trong khi Bộ GD&ĐT quy định trên bằng tốt nghiệp chỉ ghi tên ngành chứ không được ghi tên chuyên ngành. Sau đó, nhà trường quyết định thu hồi các văn bằng đã cấp để cấp lại bằng mới ghi ngành quản trị kinh doanh!

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM cũng thông tin, hơn 200 sinh viên khóa 23 ngành tiếng Anh thương mại của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đang lo lắng với tấm bằng tốt nghiệp sẽ ghi là cử nhân tiếng Anh chứ không phải là cử nhân tiếng Anh thương mại. Nhà trường cũng giải thích là văn bằng chỉ được phép ghi ngành chứ không ghi chuyên ngành. Điều này làm nhiều sinh viên hụt hẫng vì các thông tin mà trường công bố lúc tuyển sinh trong cẩm nang Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH và CĐ từ năm 2005 đến nay đều ghi rõ tiếng Anh thương mạilà một trong các ngành đào tạo của trường này.

Bằng tốt nghiệp luôn đi kèm bảng điểm

Trả lời vì sao ngành ghép chỉ ghi ngành chính mà không ghi đầy đủ, PGS-TS Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết: Hiện nay, danh mục của Bộ chỉ có ngành đơn. Chương trình đào tạo có thể có nhiều dạng khác nhau, trong đó có dạng ngành ghép gọi là ngành chính, ngành phụ. Ngành chính là ngành đơn, còn ngành phụ là ngành chưa được phép đào tạo nhưng vẫn được ghép chung để đào tạo như sư phạm lịch sử-giáo dục công dân, sư phạm toán-lý… Ngành phụ có khối lượng tín chỉ ít hơn nên chỉ thể hiện ở bảng điểm chứ không ghi lên bằng. Chỉ riêng trường hợp đào tạo song ngành (trường phải được phép đào tạo cả hai ngành đó, hiếm áp dụng) thì được ghi lên bằng tốt nghiệp cả hai ngành.

. Thưa bà, nếu ngành chính này cùng tên với một angành khác nhưng khác mã ngành thì làm sao phân biệt?

+ Bằng tốt nghiệp giống nhưng bảng điểm thì khác. Đơn vị tuyển dụng chỉ xét theo bằng tốt nghiệp là chưa đủ, vì bao giờ bằng tốt nghiệp cũng đi kèm bảng điểm.

. Còn việc ghi ngành, chuyên ngành trên bằng tốt nghiệp như thế nào?

+ Cũng tương tự như ngành ghép, quy định chỉ cho phép ghi ngành, không ghi chuyên ngành (chuyên ngành ghi trong bảng điểm).

. Có nên bắt buộc các trường ghi rõ ngành, chuyên ngành trong cẩm nang tuyển sinh để học sinh tìm hiểu không, thưa bà?

+ Việc này nhiều trường đã làm nhưng một số trường vẫn chưa ghi đủ. Tôi thấy rất cần thiết.

Theo quy định, văn bằng chỉ ghi ngành chính, còn ngành ghép được thể hiện trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên, theo phản ánh của sinh viên, cách ghi văn bằng như thế gây khó khăn cho các em khi đi xin việc. Vì vậy, trường đã kiến nghị với Bộ để bảo vệ quyền lợi sinh viên. Quan điểm chúng tôi là cứ ghi đúng ngành học trên văn bằng.

TS Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Sinh viên các ngành ghép như sư phạm toán-tin học, sư phạm vật lý-tin học, sư phạm vật lý-công nghệ, sư phạm sinh học-kỹ thuật nông nghiệp của trường đều được ghi đúng theo tên ngành đã học.

PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ

Bằng tốt nghiệp của sinh viên ngành giáo dục chính trị-giáo dục quốc phòng được ghi đúng như lúc tuyển sinh.

TS Trịnh Tuấn Anh,
Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

QUỐC DŨNG

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2010122712324215p0c1019/lung-tung-ten-nganh-tren-bang-tot-nghiep.htm