Luôn giữ 3 nguyên tắc: Miễn phí, an toàn và chu đáo trên những chuyến xe o đồng
Không quản mưa gió, ngày đêm, thời gian qua, nhiều chuyến xe 0 đồng của Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành đã chuyên chở người dân gặp khó khăn do COVID-19 trở về với quê hương, gia đình. Đằng sau mỗi chuyến xe là rất nhiều câu chuyện xúc động. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc chuyện trò với Đại đức THÍCH LIỄU BỔN, Giám đốc Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành về việc làm thiện nguyện này.
- Thưa Đại đức Thích Liễu Bổn! Đầu tiên, đề nghị ông chia sẻ với độc giả Báo Quảng Trị một số thông tin về Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành?
- Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành được thành lập từ năm 2019. Trung tâm trực thuộc Hội Đông y tỉnh. Tiền thân của trung tâm là một phòng khám nhỏ để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, già yếu, không có điều kiện đến bệnh viện. Buổi đầu, chúng tôi xác định chỉ nhận tối đa 20 bệnh nhân/ngày. Thế nhưng, ngoài dự tính, người dân đến với chúng tôi ngày một đông. Để đáp ứng yêu cầu của bà con, chúng tôi quyết định mở rộng phòng khám, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung nhân lực… Đây chính là lý do Trung tâm Thừa Kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành ra đời.
Cũng như các cơ sở khám chữa bệnh khác, Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành có nhiệm vụ khám bệnh, bốc thuốc. Điểm khác biệt của chúng tôi là bệnh nhân không phải trả tiền để được chăm sóc, điều trị. Vào các dịp đặc biệt, bệnh nhân còn được tham gia những bữa cơm đầm ấm tại trung tâm, được nhận quà, lễ Phật hay được lựa chọn cho mình nhiều bộ trang phục tại tủ quần áo tự quản. Từ đầu năm 2021, chúng tôi bắt đầu tổ chức những chuyến xe 0 đồng để giúp đỡ người dân nhiều hơn.
- Mô hình “Chuyến xe 0 đồng” ra đời trong hoàn cảnh như thế nào, thưa ông?
- Gần 2 năm qua, COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, Quảng Trị nói riêng. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hoàn cảnh khó khăn là những người dễ bị tổn thương, chịu ảnh hưởng lớn nhất. Gắn đạo với đời, chúng tôi rất trăn trở khi thấy nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không thuê nổi một chuyến xe đến bệnh viện; thiếu tiền để đưa người thân qua đời trở về nhà; vất vả trên con đường hồi hương từ các tỉnh, thành miền Nam…
Ước mơ về một chuyến xe trở về quê hương, gia đình tưởng chừng bé nhỏ lại xa vời tầm tay của nhiều người nghèo. Những câu chuyện từng nghe, nhìn thấy đã thôi thúc Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành xây dựng mô hình chuyến xe 0 đồng. Mong muốn lớn nhất và duy nhất của chúng tôi là tiếp sức để giúp bà con vơi đi phần nào khó khăn, vất vả.
- Để có những chuyến xe 0 đồng giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành đã nỗ lực ra sao?
- Nhiều người cho rằng, không khó để những chuyến xe 0 đồng lăn bánh. Tuy nhiên, thực tế lại khác. Chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để vận hành những chuyến xe tình nghĩa này, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp. Những chuyến xe 0 đồng phải lên đường thường xuyên. Vì vậy, riêng chi phí xăng dầu đã khá lớn. Không những thế, chúng tôi luôn phải quan tâm đến việc kiểm tra, bảo dưỡng xe thường xuyên để đảm bảo an toàn cho mọi người. Các tài xế được quán triệt tinh thần sẵn sàng nhận cuộc gọi nhờ giúp đỡ và lên đường bất cứ lúc nào. Vì đặc thù công việc nên các tài xế đều phải được tiêm vắc xin phòng COVID-19; được xét nghiệm và có kết quả khẳng định âm tính với SARS-CoV-2; được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ…
- Ông có thể cho biết đến nay, trung tâm đã tiếp sức cho bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn trở về với quê hương, gia đình?
- Đến giờ, chúng tôi không thể nhớ hết số chuyến xe 0 đồng của trung tâm tiếp sức cho các hoàn cảnh khó khăn về với quê hương, gia đình. Có những ngày, chuyến xe 0 đồng 3 lần xuất bến. Ngoài chở bà con về quê, người đau ốm, hoạn nạn, nhiều chuyến chúng tôi chở cả những người không may vừa qua đời do bệnh tật, tai nạn giao thông... Trong những chuyến xe của mình, chúng tôi luôn giữ 3 nguyên tắc: Miễn phí, an toàn và chu đáo. Chúng tôi xem việc đưa người dân có hoàn cảnh khó khăn về với quê hương, gia đình là nhiệm vụ quan trọng của mình.
Phải nói thêm rằng, trong giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu được hỗ trợ về quê hương, gia đình của người dân nghèo tăng lên rất cao. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chúng tôi không thể đưa về vì trung tâm phải tuân thủ mọi quy định về phòng, chống COVID-19 và phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng.
- Xin ông chia sẻ những câu chuyện xoay quanh chuyến xe 0 đồng?
- Đối với những người điều hành và trực tiếp điều khiển chuyến xe 0 đồng, niềm vui lớn nhất là đưa những người dân có hoàn cảnh khó khăn về với quê hương, gia đình. Thực tế, có nhiều bà con trở về quê với khoản tiền rất nhỏ trong túi, không đủ để thuê một chuyến xe. Vì thế, họ rất vui mừng, xúc động khi nhận được sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, xoay quanh chuyến xe 0 đồng, cũng có những câu chuyện khiến chúng tôi áy náy trong lòng. Mới đây nhất, tôi cầm lái chở một sản phụ sinh non trở về quê. Trước đó, tôi nhận cuộc gọi từ Khoa Công tác xã hội của Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, cháu bé khả năng sẽ không qua khỏi. Dẫu biết trước tình hình nhưng tôi vẫn đau lòng khi trên đường về nhà ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, cháu bé đã qua đời.
Có hôm, tôi nhận cuộc gọi khi đồng hồ điểm 0 giờ sáng. Cách đó vài tiếng, một người thợ hồ ở huyện Hải Lăng đã không may gặp tai nạn giao thông và tử vong tại chỗ. Không có thời gian điều động tài xế nên tôi lại cầm lái đến hiện trường vụ tai nạn và đưa người đã mất về nhà. Trở về khi trời hửng sáng, tôi cố chợp mắt nhưng không thể. Người bị nạn là lao động chính trong nhà. Anh ra đi để lại vợ và con thơ, gia cảnh rất khó khăn.
- Được biết, ngoài những chuyến xe 0 đồng, thời gian qua, Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành còn có nhiều hoạt động khác để giúp đỡ người dân gặp khó khăn do COVID-19. Đề nghị ông chia sẻ rõ hơn về những hoạt động này?
- Cũng nhiều tổ chức, cá nhân khác, Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành luôn mong muốn được chung tay, góp sức giúp người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Ngoài chuyến xe 0 đồng, trong gần 2 năm qua, chúng tôi đã có nhiều hoạt động giúp đỡ bà con.
Gần đây nhất, chúng tôi đã thành lập điểm tiếp sức cho người dân trở về từ các tỉnh, thành miền Nam tại xã Hải Phú, huyện Hải Lăng để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con. Nhiều trường hợp người lao động bị gián đoạn hoặc mất việc làm đã được trung tâm hỗ trợ kịp thời. Trung tâm cũng đã giúp đỡ bà con ở khu phong tỏa tạm thời bằng nhiều cách. Mới đây, chúng tôi lên tận xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Đakrông để giúp bà con người Vân Kiều, Pa Kô ở khu vực phong tỏa.
- Thời gian tới, trung tâm sẽ có những hoạt động gì để lan tỏa yêu thương và giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
- Chúng tôi biết rằng, “cuộc chiến” với COVID-19 vẫn còn kéo dài và rất cam go, phức tạp. Vì thế, Trung tâm Thừa kế và Ứng dụng y học cổ truyền Thiện Lành tiếp tục tổ chức, triển khai các hoạt động để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên địa bàn. Những chuyến xe 0 đồng sẽ tiếp tục khởi hành để giúp bà con trở về với quê hương, gia đình.
- Xin cảm ơn ông!
Tây Long (thực hiện)