Luôn tỏa sáng bản lĩnh, phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ'

Giản dị, dễ gần, năng động và nhiệt huyết, đó là cảm nhận của chúng tôi khi trò chuyện với Nghệ nhân Trương Minh Ngọc, chủ cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Minh Ngọc, cựu chiến binh (CCB) thôn Trung Châu (xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân), một hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào 'Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2022', vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2023.

Với những thành tích được các cấp, ngành ghi nhận, khen thưởng đã khẳng định sự nỗ lực, đóng góp của ông trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương nhiều năm qua. Đồng thời một lần nữa khẳng định, những người nông dân mặc áo lính như ông, dù trong thời chiến hay thời bình, bản lĩnh, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” luôn được phát huy và tỏa sáng - đó cũng chính là nội dung cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo Hà Nam với Nghệ nhân Trương Minh Ngọc trong chuyên mục Gặp gỡ cuối tháng.

PV: Năm 2000, Xuân Khê được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; năm 2007 tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; tháng 6/2020, là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.. Những thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của những nông dân mặc áo lính như ông?

Nghệ nhân, CCB Trương Minh Ngọc (người thứ 2 bên phải) - chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Minh Ngọc, thôn Trung Châu, xã Xuân Khê (Lý Nhân).

Nghệ nhân, CCB Trương Minh Ngọc (người thứ 2 bên phải) - chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Minh Ngọc, thôn Trung Châu, xã Xuân Khê (Lý Nhân).

Nghệ nhân Trương Minh Ngọc: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” tôi nghĩ, trước tiên phải là sự quyết tâm, đoàn kết, thống nhất từ ý chí đến hành động của Đảng bộ và nhân dân Xuân Khê. Bản thân tôi cũng như những người dân trong xã luôn tự hào được sinh ra và lớn lên ở một địa phương có bề dày truyền thống cách mạng; đồng thời là một trong những địa phương luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước của huyện, của tỉnh. Vì vậy, mỗi người dân Xuân Khê chúng tôi đều ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với sự phát triển của quê hương. Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, người dân đồng thuận “Người góp công, người góp của”, người người, nhà nhà cùng nhau chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

PV: Là người không thích nói nhiều về bản thân, nhưng những thành quả cũng như đóng góp được các cấp, ngành ghi nhận, đây thực sự là một niềm vinh dự, tự hào không chỉ của riêng ông?

Nghệ nhân Trương Minh Ngọc: Như bạn biết đấy, muốn có những đóng góp tích cực cho xã hội, trước tiên bản thân mình phải làm tốt nghĩa vụ của một công dân, phải sống có ích và làm những công việc có ích cho xã hội. Bản thân tôi, vốn xuất thân từ nông dân, lớn lên vào quân ngũ, được rèn luyện trong môi trường quân đội, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, xuất ngũ trở về địa phương, ý chí quyết tâm chiến thắng đói nghèo luôn thôi thúc tôi phải làm gì đó cho bản thân, cho gia đình và sau đó là cống hiến cho xã hội.

Năm 1991, tôi chính thức “bén duyên” với nghề mộc, nhưng thời điểm đó, không có vốn, vừa học vừa làm nên mức thu nhập thấp, kinh tế gia đình rất khó khăn. Với ý chí của một người lính, tôi đã bỏ thời gian và công sức đi học hỏi, tìm hiểu các làng nghề mộc nổi tiếng ở Thạch Thất và Phú Xuyên (Hà Tây cũ nay là Hà Nội).

Vừa học nghề, vừa học cách đổi mới tư duy làm nghề, năm 1996, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là Hội Nông dân các cấp đã tạo điều kiện cho vay vốn cùng với số vốn của gia đình, tôi đã mạnh dạn mở xưởng gỗ nhỏ diện tích 250m2 với 5 lao động. Ban đầu chủ yếu là chế tác các sản phẩm nhỏ, đơn giản, sau một thời gian vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm tôi đã mở rộng sản xuất, đa dạng hóa các loại sản phẩm, vừa sản xuất gia công cho các doanh nghiệp lớn, vừa hướng tới các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ và gia dụng cho các công trình lớn, kết hợp dựng nhà gỗ theo lối cổ cho các khách hàng ở nhiều địa phương trong cả nước.

Hiện nay, diện tích xưởng đã được mở rộng lên 2.000m2 với 87 lao động thường xuyên với mức thu nhập 9,7 triệu/người/tháng và 35 lao động thời vụ với mức thu nhập 6 triệu/người/tháng. Bình quân thu nhập hằng năm sau khi trừ chi phí đạt gần 10 tỷ đồng. Sản phẩm của cơ sở không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn được xuất đi một số nước châu Âu...

Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, bản thân tôi, với vai trò "người đứng mũi chịu sào” đã phải mất bao năm "đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Có thời điểm thất bại liên tiếp, sản phẩm sản xuất ra 2-3 lần đều không đạt, có lúc nản muốn bỏ nghề nhưng là một người lính, tôi không cho phép mình đầu hàng dễ dàng như vậy và tôi lại bắt tay làm lại từ đầu. Đối với tôi, mỗi sản phẩm làm ra không chỉ là mồ hôi công sức mà đó là cả một câu chuyện văn hóa, là hồn cốt của quê hương gửi gắm vào đó.

PV: Nghề mộc vốn được coi là một nghề nặng nhọc, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Vốn đầu tư lớn, kỹ thuật yêu cầu cao, khách hàng khó tính, thị trường khắt khe, áp lực cạnh tranh cao... Vậy tại sao ông lại lựa chọn con đường khó để đi? Đối với một cơ sở sản xuất nhỏ ở địa phương thì việc lựa chọn sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp bằng nguyên liệu nhập khẩu, đồng nghĩa với việc phải đối diện với những thách thức không nhỏ?

Nghệ nhân Trương Minh Ngọc: Nói về cực nhọc của nghề, từ xưa các cụ đã từng đúc rút "Nhất thổ nhì mộc”. Nhưng đã trót yêu, gắn bó và quyết tâm "sống chết” với nghề thì mọi khó khăn, cực nhọc không làm khó được mình. Hơn nữa, đó lại là nghề “cha truyền con nối” bao đời nay. Là một người con của làng, không muốn nghề bị mai một thì phải giữ, phải phát triển nghề, để nghề thực sự nuôi được người. Nhưng khi “nghề nuôi được người” rồi thì lại muốn làm giàu từ nghề. Đó là lý do tôi lựa chọn hướng sản phẩm vào thị trường cao cấp hơn, đó là sản xuất sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ.

Mỗi một sản phẩm đạt chất lượng phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ, mỹ thuật cao. Như tôi đã nói ở trên, mỗi sản phẩm của tôi là một câu chuyện văn hóa. Các tích truyện dân gian, dưới bàn tay điêu khắc tài hoa của những người thợ lành nghề đã thổi hồn vào mỗi tác phẩm mỹ nghệ. Đó cũng chính là cách tôi làm mới sản phẩm của mình, để tạo ra những sản phẩm có giá trị độc đáo và có tính cạnh tranh cao. Có những bộ sản phẩm tôi phải mất từ 10-15 năm để sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến khâu chế tác. Vì vậy, nó không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có giá trị trường tồn với thời gian.

Bạn hỏi, vì sao tôi lại lựa chọn con đường khó để đi? Đơn giản vì tôi là người lính. Đã là người lính thì dù ở mặt trận nào cũng phải tỏa sáng về phẩm chất, bản lĩnh và ý chí.

PV: Vâng! Nhìn vào những đóng góp đối với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương cũng như những hoạt động thiện nguyện mà ông đã tham gia trong nhiều năm qua, đủ thấy “chất lính” trong ông luôn tỏa sáng?

Nghệ nhân Trương Minh Ngọc: Thực ra, mọi hành động, việc làm của tôi đều xuất phát từ cái tâm, không to tát như bạn nói. Tôi vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở nông thôn. Từng nếm trải cái đói, cái khổ nên rất hiểu ý nghĩa câu nói ”Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Vì vậy, hằng năm, không chỉ dạy nghề miễn phí cho khoảng 30 lao động tại địa phương, vào dịp Tết Nguyên đán năm 2022, 2023, gia đình tôi đã tặng 355 xuất quà với tổng số tiền 177,5 triệu đồng cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng nông thôn mới và trùng tu lại các công trình văn hóa của làng; tạo việc làm thường xuyên cho cho gần 100 lao động địa phương; trong đó có nhiều lao động là CCB trong xã...

Ngoài ra, với tư cách là thành viên của Câu lạc bộ Hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Lý Nhân, bản thân tôi không chỉ tham gia tích cực vào các hoạt động và phong trào của địa phương, của câu lạc bộ, mà tôi còn tích cực ủng hộ các hoạt động phong trào do Hội Nông dân tỉnh, huyện tổ chức; điển hình là phong trào xây nhà tình nghĩa cho hội viên nông dân nghèo tại xã Chính Lý, huyện Lý Nhân.

PV: Với rất nhiều danh hiệu, phần thưởng đã được trao, đặc biệt, năm 2023, ông đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Phải chăng, đó chính là nguồn động lực quan trọng để ông tiếp tục có những đóng góp và cống hiến cho xã hội; tiếp tục lan tỏa những giá trị cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ".

Nghệ nhân Trương Minh Ngọc: Có thể những đóng góp của tôi trong thời gian qua không có giá trị nhiều về vật chất nhưng có ý nghĩa về mặt tinh thần. Những ghi nhận của Đảng, Nhà nước thực sự là nguồn động viên vô cùng lớn lao đối với bản thân tôi và gia đình. Thời gian tới, tôi sẽ không ngừng đổi mới và nâng cao giá trị sản xuất; tiếp tục có nhiều đóng góp hơn, thiết thực hơn đối với địa phương và cộng đồng. Tuy nhiên, để tiếp tục lan tỏa những giá trị cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" trong phát triển kinh tế nói riêng, trong các phong trào thi đua yêu nước nói chung, ngoài bản lĩnh, ý chí của một người lính, thì tư duy linh hoạt và tinh thần tự học, tự rèn luyện chính là những yếu tố quan trọng không thể thiếu .

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Thu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/luon-toa-sang-ban-linh-pham-chat-bo-doi-cu-ho-130241.html