Luôn tự hào là người cán bộ Đoàn
Với chị Lê Thị Đào Loan - Bí thư Huyện Đoàn Di Linh, Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022 do Trung ương Đoàn trao tặng không chỉ là phần thưởng xứng đáng cho những năm tháng khoác màu áo xanh đồng hành cùng công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi; mà còn là sự khẳng định cho quá trình trưởng thành và tuổi trẻ nhiệt thành, cống hiến của mình trên mảnh đất Nam Tây Nguyên này.
Sinh năm 1988, chị Lê Thị Đào Loan đã có hơn 10 năm gắn bó với công tác Đoàn. Chừng đó thời gian với vô vàn công trình, phần việc thanh niên được thực hiện, chị chia sẻ rằng, mình đã từng bước trưởng thành hơn rất nhiều, hiểu và cảm nhận được giá trị của sự sẻ chia, rằng “cho đi” là “nhận lại”.
Cũng từ môi trường công tác của Đoàn, chị Loan đặt cho mình mục tiêu phải luôn cố gắng hết mình để thích ứng với hoàn cảnh, “bởi công tác Đoàn hiện nay gặp không ít khó khăn, nên chúng tôi cũng cần phải đổi mới liên tục để phù hợp. Càng nhiều thử thách thì người cán bộ Đoàn lại càng phải giữ trong mình tinh thần nhiệt huyết, gần gũi để nắm bắt được nhu cầu của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN)” - chị nói.
Cùng với tinh thần đó, ở vai trò lần lượt là Phó Bí thư, Bí thư Huyện Đoàn Di Linh, chị Lê Thị Đào Loan đã cùng các cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện liên tục tìm tòi các mô hình mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu chính đáng của ĐVTN. Từ đó, thu hút những người trẻ tại địa phương cùng tham gia hoạt động Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi, đồng thời, phát huy vai trò của ĐVTN đối với cộng đồng, xã hội.
Chỉ riêng trong năm 2021, nhiều mô hình, giải pháp trong công tác Đoàn đã được nữ Bí thư cùng Huyện Đoàn Di Linh triển khai, áp dụng hiệu quả. Đơn cử như mô hình “Rau trong vườn, gà trong chuồng”. Xuất phát từ thực tiễn nhiều hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số còn bỏ hoang đất sản xuất ngay xung quanh nhà ở, không tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên trong chăn nuôi gia cầm, gia súc, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã vận động, hỗ trợ 11 hộ ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn của xã Sơn Điền và Gia Bắc một số giống rau và giống gà, vịt, cũng như hướng dẫn, trao đổi kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng nhằm cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho gia đình, vừa có thể bán kiếm thêm thu nhập. Mô hình hiện đã được Đoàn các xã tiếp tục nhân rộng, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ Đoàn, ĐVTN trong việc tham gia phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Với mô hình “Bồn hoa từ rác tái chế”, phát huy vai trò xung kích tình nguyện của thanh niên trong xây dựng nông thôn mới, chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đến nay, đã có 15 bồn hoa từ rác thải tái chế được ĐVTN thị trấn Di Linh thực hiện. Các bồn hoa này được đặt tại các điểm đen về rác thải, tại các hội trường thôn, đặt tại khuôn viên trường học,… làm đẹp cảnh quan trường học, nơi công cộng, làm thay đổi nhận thức trong bảo vệ môi trường.
Trước thực trạng nhân công thu hái cà phê của địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân công từ địa phương khác, dẫn đến giá nhân công cao, nguy cơ lây lan dịch bệnh, mô hình “Tổ đổi công hái cà phê” đã được Huyện Đoàn Di Linh triển khai. Tổ được thành lập tại các thôn, tổ dân phố, tổ chức Đoàn chủ trì kết nối các thành viên có nhu cầu tham gia tổ. Mục đích hoạt động của tổ là hỗ trợ gia đình các thành viên thu hái cà phê mà không phải thuê nhân công bên ngoài, sau hỗ trợ gia đình các thành viên thì kết nối để thu hái cho các hộ dân của địa phương.
Hoạt động này vừa tạo thu nhập cho cá nhân tham gia, vừa có thể gây quỹ cho chi đoàn, vừa giúp các hộ dân không mất thời gian tìm kiếm nhân công. Tổ còn hỗ trợ các gia đình thanh niên nhập ngũ, gia đình chính sách bằng cách trợ giá một phần khi thực hiện thu hái cà phê, nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hậu phương quân đội. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 41 tổ/ 12 xã, thị trấn với 592 thành viên, đã hỗ trợ 21 hộ gia đình thanh niên nhập ngũ và gia đình chính sách.
Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều chương trình học tập, vui chơi của thiếu nhi bị gián đoạn. Huyện Đoàn Di Linh cùng Câu lạc bộ Tiếng Anh Trường THPT Di Linh đã triển khai mô hình “Thiếu nhi vui cùng tiếng Anh”, tổ chức lớp học online qua Microsolf teams dành cho thiếu nhi. Lớp học được duy trì vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Ở đó, các em thiếu nhi được học tiếng Anh qua các trò chơi, giao tiếp với anh chị đoàn viên là thành viên của CLB Tiếng Anh Trường THPT Di Linh.
Đặc biệt, hoạt động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 là một trong những hoạt động của ĐVTN huyện Di Linh được ghi nhận và đánh giá cao. Di Linh là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong tỉnh Lâm Đồng thành lập Đội Phản ứng nhanh cấp huyện để hỗ trợ phương tiện và nhân lực vận chuyển con người, thiết bị hỗ trợ phòng, chống dịch. Đội Thanh niên tình nguyện huyện Di Linh và các xã, thị trấn đã tham gia vận động, vận chuyển nông sản cho 15 Chuyến xe yêu thương hướng về vùng dịch; làm hơn 3000 mũ chắn giọt bắn tặng lực lượng tuyến đầu; tham gia phân loại sách giáo khoa hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 20 điểm tiêm vắc xin; nhập liệu tiêm chủng cho hơn 243.875 người.
Được vinh dự là một trong hai cán bộ Đoàn của tỉnh Lâm Đồng nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022, với chị Loan, đó là động lực để chị càng thêm nỗ lực và cố gắng. “Với đặc thù địa bàn rộng, dân cư đông, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ không nhỏ, việc tập hợp được ĐVTN tham gia hoạt động Đoàn đã là niềm vui lớn nhất đối với người cán bộ Đoàn. Với phụ nữ có con nhỏ, khó khăn, vất vả càng tăng gấp bội. Nhưng với nhiệt huyết tuổi trẻ và máu Đoàn đã ngấm trong tim, tôi luôn chủ động sắp sếp thời gian, nỗ lực hết mình trong công việc. Bởi tôi luôn tự hào vì mình là cán bộ Đoàn” - chị Loan chia sẻ.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/bantre/202205/luon-tu-hao-la-nguoi-can-bo-doan-3114333/