Lương-chính sách và thực tiễn: Bài 1: 'Điệp khúc lương - giá'
LTS: Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm tới vấn đề cải cách tiền lương, nhằm nâng cao đời sống người lao động và tạo động lực để phát triển đất nước. Qua đó, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa khi luôn đặt người lao động ở vị trí trung tâm thụ hưởng thành quả lao động. Tuy nhiên, do Việt Nam mới thoát khỏi mức thu nhập thấp, đang ở mức thu nhập trung bình thấp nên đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn.
3 năm qua, đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, phải đối mặt với nguy cơ suy thoái nặng nề. Chính vì thế, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã chưa thể thực hiện. Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định tăng lương với mức 20,8% từ ngày 1-7-2023 cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Đối tượng hưởng lương hưu cũng được hưởng mức tăng tương ứng. Đây được coi là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế nước ta vẫn đang gặp vô vàn khó khăn.
Với mục tiêu phản ánh hiệu quả thực tiễn của lộ trình tăng lương đối với đối tượng hưởng lương từ ngân sách, những tác động của việc tăng lương với xã hội, cùng đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần xây dựng một chính sách tiền lương có hiệu quả cao, Báo Quân đội nhân dân Điện tử tổ chức thực hiện chuyên đề “Lương - chính sách và thực tiễn”.
Chuyên đề tập trung vào 3 vấn đề: Việc tăng lương tác động như thế nào đối với đời sống người lao động hưởng lương từ ngân sách; việc tăng lương cho người lao động hưởng lương từ ngân sách có tác động như thế nào đối với đời sống người nông dân-đối tượng có thể chịu tác động tiêu cực vì không được tăng lương, trong khi giá cả thị trường có thể tăng do hiệu ứng lương tăng? Từ đó đi tìm giải pháp cho vấn đề hài hòa trong chính sách tiền lương giữa người hưởng lương từ ngân sách và người nông dân; giải pháp giải quyết những vấn đề tồn tại của chính sách tiền lương, để chính sách này thực sự trở thành động lực phát triển.
Bài 1: “Điệp khúc lương - giá”
Tăng lương đồng nghĩa với tăng thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, trong quá khứ, việc tăng lương nhiều lần đã mang lại kết quả trái ngược. Khi lương chưa tăng, giá đã tăng vượt mức tăng của lương. Vì thế, “lương - giá” từng có những giai đoạn trở thành một điệp khúc “buồn” với những người hưởng lương từ ngân sách.
Những chặng đường cải cách
Tính từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được thành lập, đã có tổng cộng 4 lần cải cách tiền lương.
Lần cải cách tiền lương đầu tiên là giai đoạn 1960-1984. Ngày 5-7-1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 25/CP quy định chế độ lương thuộc khu vực hành chính sự nghiệp. Theo đó, chế độ lương của cán bộ, viên chức công tác ở các cơ quan hành chính sự nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc: Mức lương của cán bộ lãnh đạo cao hơn mức lương của cán bộ, nhân viên cấp dưới; mức lương có chức vụ yêu cầu cao về kỹ thuật, nghiệp vụ cao hơn mức lương của chức vụ có kỹ thuật, nghiệp vụ đơn giản hơn; mức lương của lao động trong điều kiện khó khăn, hại sức khỏe cao hơn mức lương của lao động trong điều kiện bình thường; cán bộ, viên chức đang làm chức vụ gì thì xếp lương theo chức vụ ấy, khi chức vụ thay đổi thì bậc lương cũng thay đổi theo. Mức lương tối thiểu theo Nghị định số 25/CP là 27,3 đồng. Bảng lương chức vụ được thiết kế theo quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa là 1 - 2,56 - 7,03. Cụ thể, nhân viên phục vụ bậc 1 có mức lương 27,3 đồng, kỹ sư công nghiệp nhẹ bậc 1 có mức lương 70 đồng, những người giữ chức vụ tương đương bộ trưởng có mức lương 192 đồng.
Lần cải cách tiền lương thứ hai được thực hiện ở giai đoạn 1985-1992. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8, khóa V (tháng 6-1985) và Nghị định số 235/HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang đã dẫn đến một cuộc cải cách lớn về giá - lương - tiền.
Nghị định số 235/HĐBT quy định thang, bảng lương đối với công nhân, nhân viên, cán bộ quản lý xí nghiệp, công ty và bảng lương chức vụ đối với cán bộ, viên chức trong các tổ chức sự nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Nguyên tắc hưởng lương là làm công việc gì, chức vụ gì thì hưởng lương theo công việc, chức vụ đó.
Tại Điều 2, Nghị định số 235/HĐBT quy định: Mức lương tối thiểu là 220 đồng một tháng. Mức lương này ứng với mức giá ở những vùng có giá sinh hoạt thấp nhất. Khi nào mức giá thay đổi hoặc ở những vùng có giá sinh hoạt cao hơn thì tiền lương được tính thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt. Bảng lương chức vụ được thiết kế theo quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa là 1 - 1,32 - 3,5. Theo đó, nhân viên phục vụ bậc 1 có mức lương là 220 đồng, kỹ sư bậc 1 có mức lương 290 đồng, những người giữ chức vụ tương đương bộ trưởng có mức lương là 770 đồng.
Giai đoạn 1993-2002 diễn ra lần cải cách tiền lương thứ ba. Mục tiêu của cải cách chính sách tiền lương của Việt Nam trong giai đoạn này là phải làm cho tiền lương trở thành thước đo giá trị sức lao động, áp dụng ở mọi thành phần kinh tế có quan hệ lao động theo thị trường. Nghị định số 25/CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu năm 1993 là 120.000 đồng/tháng. Ngày 21-1-1997, Chính phủ ra Nghị định số 06/CP, nâng mức lương tối thiểu lên 144.000 đồng/tháng. Tiếp đến, ngày 15-12-1999, Chính phủ ra Nghị định số 175/1999/NĐ-CP với mức lương tối thiểu là 180.000 đồng/tháng. Ngày 15-12-2000, Chính phủ ra Nghị định số 77/2000/NĐ-CP, nâng mức lương tối thiểu lên 210.000 đồng/tháng.
Lần cải cách tiền lương gần đây nhất diễn ra trong giai đoạn 2003-2020. Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 quy định: Việc trả lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và nguồn trả lương (từ ngân sách Nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu theo quy định của pháp luật dùng để trả lương) của cơ quan, đơn vị. Theo đó, tiền lương phải được thay đổi một cách toàn diện với tất cả các đối tượng lao động; với mức lương tối thiểu là 310.000 đồng/tháng. Tiếp đó, ngày 15-9-2005, Chính phủ ra Nghị định số 118/2005/NĐ-CP điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 350.000 đồng/tháng. Ngày 7-9-2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2006/NĐ-CP điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, nâng mức lương tối thiểu chung lên 450.000 đồng/tháng.
Từ năm 2013, tiền lương tối thiểu để tính lương cho người lao động ở khu vực công được đổi thành mức lương cơ sở. Ngày 9-11-2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó có nội dung tăng mức lương cơ sở tối thiểu trung bình 7%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Tính đến ngày 1-7-2018, mức lương cơ sở của người lao động trong khu vực công đạt 1.390.000 đồng/tháng.
Từ thực tiễn cải cách chính sách tiền lương, nhất là từ giai đoạn từ năm 1992 đến nay cho thấy những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm quan tâm và có nhiều cố gắng trong việc cải cách tiền lương cho người lao động, kể cả những giai đoạn đất nước có chiến tranh, bị bao vây cấm vận. Tuy nhiên, dù những kết quả đạt được trong cải cách tiền lương là rất đáng kể, nhưng so với nhu cầu của người lao động, yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, chính sách tiền lương vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế.
Lương “chạy” theo giá
Tăng lương đồng nghĩa với tăng thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, trong quá khứ, việc tăng lương nhiều lần đã mang lại kết quả trái ngược. Khi lương chưa tăng, giá đã tăng vượt mức tăng của lương. Hay nói cách khác, lương luôn “chạy” theo giá.
Trong 4 lần cải cách tiền lương, lần cải cách thứ hai (1985-1992) chứng kiến một thời kỳ siêu lạm phát. Năm 1986, mức lạm phát đã lên đến 774,7%, khiến nền kinh tế rối loạn. Riêng các mặt hàng nông sản, so sánh vật giá năm 1986 với năm 1976 thì tăng tới 2.000%. Năm 1987, lạm phát là 323,1%. Năm 1988, lạm phát lại vọt lên 393%. Đến năm 1989 mới xuống dưới 100% (34,7%).
Mức siêu lạm phát của giai đoạn cải cách tiền lương 1985-1992 khiến việc tăng lương không còn ý nghĩa. Thậm chí, còn trở thành nỗi ám ảnh đối với những người hưởng lương.
Một ví dụ điển hình khác về tình trạng lương “đuổi” theo giá là giai đoạn 2004-2012. 8 năm, tiền lương tối thiểu được điều chỉnh tổng cộng 7 lần, từ mức 210.000 đồng/tháng (năm 2004) lên mức 830.000 đồng (năm 2012), gấp gần 4 lần. Chia trung bình, mỗi năm tăng khoảng 15%. Tuy nhiên, trong 7 lần điều chỉnh lương tối thiểu, chỉ số lạm phát cũng tăng khoảng 2,5 đến 3 lần. Đặc biệt, trong khoảng thời gian, có hai năm lạm phát hai con số, cao hơn nhiều mức tăng lương tối thiểu. Năm 2008, lương tối thiểu được điều chỉnh từ 450.000 đồng lên 540.000 đồng, tức tăng 20% thì mức lạm phát lại lên tới 22,97%. Tương tự, ngày 1-5-2011, lương tối thiểu tăng thêm 100.000 đồng (13,7%) nhưng chỉ số lạm phát 9 tháng đầu năm 2011 đã lên mức 18,16%.
Xét ở bình diện chung, giai đoạn 2004-2012, tổng mức tăng của lương vẫn nhỉnh hơn mức lạm phát. Tuy nhiên, thực tế đời sống của người hưởng lương lại không được cải thiện đáng kể. Nguyên nhân là đời sống người hưởng lương chịu sự chi phối mạnh nhất bởi nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm. Trong khi đó, "rổ hàng hóa" để tính chỉ số tăng giá tiêu dùng thì mức tăng của nhóm lương thực, thực phẩm luôn cao nhất, còn những mặt hàng như điện tử, điện lạnh lại giảm mạnh, hàng may mặc có mức tăng trung bình. Đơn cử, năm 2003, 1kg gạo có giá khoảng 4.000-5.000 đồng, đến năm 2012, dao động mức 17.000-20.000 đồng, tức tăng khoảng 4 lần. Tính chung, giá lương thực, thực phẩm tăng 3-4 lần so với thời kỳ lương tối thiểu mức 210.000 đồng. Như vậy, mặc dù lương tăng gần 4 lần sau 7 đợt điều chỉnh nhưng về thực chất chỉ đủ bù trượt giá trong 8 năm. Riêng hai năm lạm phát cao hơn chỉ số tăng lương tối thiểu (năm 2008 và năm 2011) thì tăng lương không đủ bù đắp trượt giá.
Mức tăng 20,8% có ý nghĩa?
Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở đối với người hưởng lương từ ngân sách sẽ tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8%. Đây là một cố gắng rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói riêng, nền kinh tế thế giới nói chung còn đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí là suy thoái đang cận kề. Tuy nhiên, mức tăng này có thực sự mang ý nghĩa cải thiện đời sống người hưởng lương?
Trên thực tế, nếu loại trừ yếu tố tâm lý đầu cơ, tăng lương không phải là nguyên nhân chính làm tăng lạm phát. Nói cách khác, nếu Chính phủ tăng lương cho người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà không làm tăng cung tiền thì lạm phát sẽ không tăng lên. Theo Bộ Tài chính, nguồn lực để triển khai tăng lương cơ sở được lấy từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hằng năm. Như vậy, nguồn chi trả cho việc tăng lương không đến trực tiếp từ việc “in tiền”- tăng cung tiền, nên trên danh nghĩa, việc tăng lương sẽ không làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, việc tăng lương cơ sở là rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch Covid-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước, tăng lương cũng góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Năm 2023, với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cộng với những tác động không quá lớn của giá cả thế giới, lạm phát được dự báo sẽ không căng thẳng. Những tháng đầu năm 2023 nguồn cung các mặt hàng nông sản dồi dào, giá ổn định, không tăng giá đột biến. Thời điểm hiện nay, thời tiết đang thuận lợi, nhiều loại rau đang vào mùa nên các loại rau ăn lá, rau gia vị sản lượng dồi dào, mức giá bán buôn giảm từ 5% đến 10%, nên giá bán lẻ trực tiếp cũng nhanh chóng giảm theo. Bên cạnh đó, tình hình chăn nuôi ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát nên nguồn cung các mặt hàng nông sản dồi dào, giá ổn định, không tăng giá đột biến. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam năm nay được dự báo dao động trong khoảng 3,8-5%.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh, năm 2023 có nhiều yếu tố giúp kiểm soát lạm phát, như: Nền kinh tế Việt Nam đã thích ứng với tình hình mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ. Sản xuất, kinh doanh tăng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dồi dào khiến CPI khó có thể tăng mạnh. Bên cạnh đó, sau thời gian tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm cả lãi suất huy động lẫn cho vay. Lãi suất giảm, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, thì sẽ giảm được giá bán sản phẩm. Cùng đó, việc Bộ Tài chính quyết định tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí năm 2023 áp dụng như năm 2022, góp phần rất lớn làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Như vậy, so với mức tăng CPI năm 2023, mức tăng lương cơ sở cao hơn khá nhiều.
Những năm gần đây, với chính sách kiểm soát lạm phát linh hoạt và hiệu quả, việc tăng lương đã mang lại hiệu quả nhất định. Dù mức tăng còn thấp nhưng đã cao hơn tốc độ tăng của CPI. Từ đó, cải thiện phần nào đời sống của người lao động. Đặc biệt, trong lần tăng lương tới đây, mức tăng 20,8% sẽ ít nhiều có ý nghĩa đối với đời sống của người hưởng lương từ ngân sách.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: “Mức tăng 20,8% là tương đối lớn so với tốc độ tăng CPI 3 năm qua và cả dự tính năm 2023. Tuy nhiên, tăng 20,8% trên nền tảng mức lương thấp nên đời sống lao động khu vực công có được cải thiện song không nhiều. Lộ trình tăng lương cần đặt mục tiêu trong 5 năm tới đưa mặt bằng tiền lương thực tế của người lao động khu vực công bằng mức thu nhập trung bình cao ở khu vực đô thị. Lộ trình tăng lương cần gắn với cải cách hành chính, giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước”.
(Còn nữa)