Lương cơ sở tăng, Bộ Y tế dự kiến tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh
Theo đề xuất của Bộ Y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh thực hiện tăng theo sự thay đổi mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, ước tăng trung bình 5% nếu áp dụng.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh có thể tăng 9%
Theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 11.7, lương cán bộ y tế là một trong những yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh. Nếu tính chi phí do điều chỉnh lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng 5%. Dự kiến, phương án tăng có thể được áp dụng ngay trong tháng 7.2023.
Bên cạnh đó, tính thêm chi phí quản lý, giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 4%. Khoản tăng này dự kiến được áp dụng sau 1 năm nữa.Như vậy, tính cả chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở mới và chi phí quản lý, giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng 9%.
Bộ Y tế cho biết, sẽ đánh giá chi phí khấu hao theo từng hạng bệnh viện, chuyên khoa, đề xuất lộ trình từng bước tính khoản này vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Việc tính toán sẽ đảm bảo khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế, khả năng chi trả của người bệnh, tình hình kinh tế xã hội.
Về khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho hay nếu tính cả chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở mới và chi phí quản lý, giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng 9%. Năm 2021, Quỹ Bảo hiểm y tế dư 14.368 tỉ đồng, lũy kế kết dư 50.300 tỉ đồng, có khả năng cân đối. Dự kiến, Quỹ Bảo hiểm y tế tăng 2.700 tỉ đồng mỗi năm, nằm trong khả năng cân đối.
Về đánh giá tác động với người tham gia bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho rằng người nghèo, đồng bào dân tộc thiếu số và các đối tượng chính sách vẫn được bảo hiểm y tế thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng. Về phần đồng chi trả 20% của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, báo cáo của Bộ Y tế cho rằng với tỉ lệ tăng bình quân giá khám, chữa bệnh khi điều chỉnh mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng là 5%, tính thêm chi phí quản lý là 4% thì phần đồng chi trả tăng thêm 9% (của 20% tổng giá dịch vụ) không nhiều, bên cạnh việc thu nhập của nhiều nhóm cư dân cũng tăng theo lương cơ sở.
Tại cuộc họp về tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh ngày 11.7 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói việc tính đúng, đủ cùng lộ trình tăng giá khám chữa bệnh nhằm tạo điều kiện cho bệnh viện công lập nâng cao chất lượng. Cán bộ y tế được đảm bảo chế độ để "giữ chân" người có trình độ chuyên môn cao; có thêm nguồn vốn tập trung đầu tư cho các bệnh viện vùng xa, khó khăn.Ông Hà yêu cầu Bộ Y tế tính toán tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là nhóm chính sách, bảo trợ xã hội, hoàn cảnh khó khăn. Lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh cần đặt trong mối quan hệ với chính sách xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện, phát triển bảo hiểm y tế.
Hơn 10.000 dịch vụ y tế sẽ tăng giá
Hiện nay các bệnh viện đang cùng Bộ Y tế xây dựng khung giá hơn 10.000 dịch vụ, kỹ thuật y tế theo lộ trình tăng viện phí sắp tới. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết định mức trên sẽ được hoàn thiện trong quý ba để trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Trước mắt, tập trung hoàn thiện các dịch vụ kỹ thuật thiết yếu, sau đó từng bước bổ sung, cập nhật. Giá mới dự kiến áp dụng tại các cơ sở y tế công lập, khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.1.2024.
Kết cấu của giá khám bệnh chữa bệnh gồm 4 yếu tố: chi phí trực tiếp (như thuốc, sinh phẩm); tiền lương, tiền công; chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị. Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế hiện hành mới kết cấu được hai yếu tố là tiền lương và chi phí trực tiếp. Giá nhiều dịch vụ kỹ thuật ban hành từ gần 20 năm trước, cần phải cập nhật, điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: "Với khoảng 40% chi phí khám chữa bệnh là từ tiền túi người sử dụng dịch vụ y tế, chúng tôi hy vọng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi tiền túi của người dân. Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế."
Trước đó, tiến sỹ Vương Ánh Dương - Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết Danh mục dịch vụ của Bộ Y tế đang có hơn 18.000 kỹ thuật, nhưng thực tế, nhiều dịch vụ bị trùng. Do đó, Bộ Y tế sẽ phải “thu” lại còn hơn 9.000 kỹ thuật. Việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật là căn cứ để tính giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, đã có ý kiến của bảo hiểm y tế cho rằng giá dịch vụ hiện tại chưa chính xác và trên thực tế, giá nhiều dịch vụ kỹ thuật ban hành từ gần 20 năm trước và định mức để làm giá cũng chưa có nên cần phải cập nhật.
Ghi nhận của phóng viên tại một số bệnh viện, nhiều bệnh nhân đã lựa chọn bác sĩ để điều trị, khám chữa bệnh cho bản thân theo giá dịch vụ. Sau khi Thông tư 13 được ban hành, Bộ Y tế cho phép giá khám chữa bệnh tại các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối đa lên tới 500 nghìn đồng/lần khám. Với quy định giá trần này nhiều bệnh viện đã áp dụng để phục vụ cụ thể từng bệnh nhân một cách tốt hơn.