Lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh, sản xuất vẫn khó
Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 5/2023 bởi nhu cầu yếu, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn và doanh nghiệp giảm việc làm.
Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 5/2023 khi nhu cầu vẫn yếu, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn khi các doanh nghiệp giảm việc làm và hoạt động mua hàng tương ứng.
Đây là nội dung được nêu trong Báo cáo chỉ số Nhà quản trị mua hàng - PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global.
Theo báo cáo này, ngành sản xuất đã giảm xuống 45,3 trong tháng 5, trong khi con số này của tháng 4 là 46,7, báo hiệu lần suy giảm tháng thứ ba liên tiếp về các điều kiện kinh doanh.
Đáng nói, mức giảm lần này của "sức khỏe" ngành sản xuất là đáng kể nhất kể từ tháng 9/2021.
Thực tế, nhu cầu khách hàng yếu kém trong kỳ khảo sát mới nhất, thể hiện qua số lượng đơn đặt hàng mới khi chỉ số này đã giảm
nhanh, thành mức giảm lớn nhất trong 20 tháng.
"Những khó khăn trong việc duy trì doanh thu cũng được ghi nhận ở các thị trường xuất khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm tháng thứ ba liên tiếp", Báo cáo nêu.
Dữ liệu mà Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng đầu năm giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Đà giảm của sản xuất là do đơn hàng giảm trong bối cảnh kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 suy giảm, lạm phát cao, nhiều thị trường giảm sức mua.
Cụ thể, sản xuất xe có động cơ giảm 10,1%; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 8,5%; sản xuất trang phục giảm 8,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 5,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,8%; phương tiện vận tải khác giảm 5,6%; sản xuất kim loại giảm 5,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,1%.
Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2023 giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm trước
Sản lượng đã giảm ở cả ba lĩnh vực sản xuất, với mức giảm mạnh nhất là ở lĩnh vực sản xuất hàng hóa trung gian. Sự yếu kém của nhu cầu tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh khi chỉ số này đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trở thành mức yếu nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho hay: “Số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 5 cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không phải chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời. Các doanh nghiệp đã có động thái đối phó tương ứng bằng cách giảm cả sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng.
Ngoài ra, nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm đã giảm những áp lực còn lại với chuỗi cung ứng, nhờ đó thời gian giao hàng đã rút ngắn và chi phí đầu vào giảm.
Các doanh nghiệp hy vọng, quá trình hồi phục của ngành sản xuất sẽ diễn ra trong những tháng tới.
Một số doanh nghiệp giảm số lượng nhân viên do khối lượng công việc giảm, cộng với một số trường hợp nghỉ việc tự nguyện, đã khiến việc làm tiếp tục giảm trong tháng 5.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/luong-don-dat-hang-moi-giam-manh-san-xuat-van-kho-d191112.html