Lương giáo viên: 'Góc khuất' phía sau trang giáo án
Những tưởng đây là câu chuyện cũ, năm nào cũng bàn nhưng có những thực tế lại chưa từng tỏ. Hiện nay, rất nhiều giáo viên Hà Nội và các tỉnh lẻ đang sống với mức lương 3 -4 triệu/ tháng. Hàng ngày họ phải bươn chải bằng nhiều việc làm thêm khác nhau thì mới có thể bám trụ với nghề giáo viên.
Bấp bênh giáo viên hợp đồng với đủ nghề làm thêm
Mới đây, ngay trước thềm năm học mới, một giáo viên trường tiểu học Hoằng Thái, thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa đã gửi đơn UBND huyện Hoằng Hóa, Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cùng Ban Giám hiệu trường đơn xin thôi việc với lí do kinh tế gia đình gặp khó khăn, nên cô không thể tiếp tục công việc.
Đơn xin nghỉ việc của cô giáo Bùi Thị Nhàn ở Thanh Hóa
Được biết, giáo viên viết đơn xin thôi việc là cô giáo Bùi Thanh Nhàn - là giáo viên đã công tác 12 năm trong ngành giáo dục. Trong đơn cô nêu rõ: "Thời gian qua, với nhiệm vụ được phân công là giáo viên chủ nhiệm tôi đã cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thời gian gần đây kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn nên tôi phải đi tìm việc làm thêm bên ngoài để trang trải cuộc sống. Đến nay công việc đó đã giúp kinh tế gia đình tôi ổn định và phát triển tốt. Công việc mới này lại chiếm khá nhiều thời gian và cùng lúc tôi không thể làm tốt cả hai công việc. Vì vậy tôi viết đơn này mong UBND huyện Hoằng Hóa, Phòng Giáo dục xem xét và tạo điều kiện cho tôi được nghỉ việc để toàn tâm với công việc mới”.
Trong chia sẻ với báo chí, cô giáo Thanh Nhàn cho biết, cô hưởng lương theo bậc, ngạch ở mức 3,33. Mỗi tháng cô Nhàn được hưởng hơn 6 triệu đồng.
Trên thực tế đây là mức lương hàng nghìn giáo viên hợp đồng trên cả nước đang đang mong chờ khi được ký biên chế. Chia sẻ với phóng viên Nhà báo và Công Luận, cô giáo Thanh Thúy, dạy hợp đồng tại một trường tiểu học huyện Kinh Môn, Hải Dương cho biết: "Tùy vào mức sống của mỗi người. Tuy nhiên, theo tôi với mức lương 6 triệu đồng/ tháng tại các tỉnh đó là mức thu nhập tạm ổn cho một công nhân viên chức. Đó là mức lương tôi đang mong ước từng ngày. Bởi hiện tại, tôi đang sống với mức lương hợp đồng 3,3 triệu đồng/ tháng gần chục năm nay. Với mức lương này, tôi phải lên kế hoạch chi tiêu rất tỉ mỉ cho 1 tháng với 4 miệng ăn là hai vợ chồng và hai đứa con. Còn các khoản lớn trong gia đình, học hành của con, chồng tôi phải cáng đáng hết".
Chị Thúy cũng chia sẻ, chị đã có 9 năm công tác trong nghề. Dù biết, mức lương hợp đồng hạn chế. Nhưng chị và nhiều giáo viên hợp đồng khác vẫn phải cố gắng để chờ đợi những cơ hội có thể thi biên chế.
Trong thời gian chờ đợi, chị và nhiều giáo viên hợp đồng khác tự tìm kiếm công việc làm ngoài giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình và có thể bám nghề.
Nếu là giáo viên dạy vẽ, thường họ đi vẽ thuê cho các công trình, trạm y tế của xã, hay cho các đám cưới, công trình công cộng... Các giáo viên khác có thể tăng gia bằng việc làm may ở nhà, bán tạp hóa... Một số khác bán hàng online để duy trì cuộc sống.
Ngoài ra, có không ít giáo viên, cũng có thời gian bám nghề gần chục năm với mức lương hợp đồng 3 triệu đồng/ tháng vì sức ép của gia đình phải xin nghỉ để đi làm công nhân. Bởi lương công nhân may tại địa phương dao động từ 5 - 7 triệu đồng/ tháng, chưa kể làm tăng ca, chị Thúy cho biết.
Lương làm thêm cao hơn lương giáo viên...
Nguyễn Anh Tuấn, một giáo viên dạy võ công tác tại trường thanh thiếu nhi quận Hoàng Mai hơn 6 năm chia sẻ: "Đã hơn 6 năm công tác nhưng mức lương của tôi vẫn đang dừng ở mức hơn 3 triệu đồng. Với mức lương này, tôi thực sự không thể đảm bảo chất lượng cuộc sống cá nhân khi đang sống ở thủ đô với nhiều chi phí đắt đỏ. Theo đó, rất nhiều mối quan hệ của tôi bị hạn chế"
Hợp đồng lao động của anh Nguyễn Anh Tuấn (Tên đã được thay đổi) với mức lương 2,34 x mức lương tối thiểu (1.490) = 3,486,600 VNĐ. Ảnh nhân vật cung cấp.
Hiện anh đang làm thêm công việc dạy đá bóng với các câu lạc bộ để có thêm tiền sinh hoạt. Anh cho biết, công việc dạy đá bóng hỗ trợ anh rất nhiều trong cuộc sống với mức thu nhập là 200 nghìn đồng/ buổi tối.
Tuy nhiên, công việc này cũng khá "bập bõm", phải nhờ vào các mối quan hệ thì anh mới xin được. Nhiều khi hết hợp đồng, anh cũng phải kiếm nhiều việc làm thêm khác để sinh sống. Hiện tại, mặc dù đã ngoài 30 tuổi, nhưng anh vẫn chưa có ý định xây dựng gia đình, phần nhiều vì vấn đề kinh tế. Anh đang loay hoay với việc theo đuổi nghề giáo viên hay chuyển sang một nghề khác để đảm bảo vấn đề kinh tế trước khi lập gia đình.
Tiếp tục đề cập vấn đề trên với anh Võ Huy Toàn - giáo viên dạy giáo dục thể chất trường THCS quận Từ Liêm. Hiện tại, mặc dù đã công tác được 9 năm nhưng anh vẫn dừng ở mức lương hợp đồng, bao gồm tiền hoạt động ngoài giờ và phụ cấp là 4 triệu đồng.
Anh Huy Toàn bùi ngùi: "Với mức lương như hiện tại, thực sự tôi đang rất áp lực về cuộc sống. Mức lương của tôi không bằng 1 người thợ phụ hồ với 200 nghìn đồng/ ngày công. Còn mức lương giáo viên của tôi, nếu chia ra chỉ có 130 nghìn đồng/ ngày. Trong khi đó, bao nhiêu gánh nặng phía sau là gia đình nội ngoại, con cái, chưa kể ốm đau, ma chay cưới hỏi. Tôi biết so sánh như thế là khập khiễng, tuy nhiên với mức lương đó thực tế tôi không thể lo được cuộc sống cho gia đình để yên tâm công tác. Đó đang là thực trạng không chỉ của riêng tôi mà là thực trạng rất nhiều giáo viên hợp đồng khác tại Hà Nội. Tôi phải đi làm thêm rất nhiều nghề khác nhau để lo cho gia đình. Thậm chí là chạy xe grap, và trông giữ xe cho các quán ăn vào các buổi tối".
Tâm sự về lựa chọn nghề giáo, anh cho biết, nghề giáo là đam mê của anh. Anh chắc chắn sẽ không từ bỏ nghề, bởi gần chục năm nay anh đã luôn cố gắng làm thêm để nuôi dưỡng niềm đam mê đó. Dù lương làm thêm hiện tại của anh có cao hơn lương giáo viên, vợ anh có khuyên anh từ bỏ nghề,... nhưng anh vẫn quyết tâm theo nghề. Tuy nhiên, anh vẫn ước: "Giá tôi được trả mức lương 10 triệu/ tháng chắc chắn buổi tối ngoài việc soạn giáo án, thì tôi sẽ nghiên cứu các phương pháp truyền đạt tốt nhất cho học sinh, nuôi dưỡng tâm hồn cho các em. Chứ không phải như bây giờ, mỗi tối tôi phải lo đi làm thêm. Hiện nay học sinh đang là cái thiếu về văn hóa ứng xử và nuôi dưỡng tâm hồn. Các em đang bị động tiếp xúc quá nhiều văn hóa hỗn tạp từ phương tiện giải trí từ điện thoại thông minh, Internet đưa lại".
Theo đó, anh Toàn cho biết, trong việc lựa chọn giáo viên hiện nay hình thức thi tuyển hay xét tuyển không quan trọng. Quan trọng hơn là chọn được người có đức có tài thực sự. Và muốn tuyển được giáo viên vừa có tài và tâm huyết với nghề thì cần thiết có chính sách đãi ngộ tốt với họ. Điều này, ở các trường dân lập đang làm khá tốt. Vì thế có hiện tượng tại nhiều trường dân lập có tiếng đều tập trung nhiều giáo viên giỏi và họ tự chủ được tài chính.
Tiếp xúc với trường hợp khác là anh Mai Đức Anh, giáo viên dạy môn ngữ văn đã biên chế 15 năm trường THCS Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng. Công tác được 18 năm. Tuy nhiên, mức lương hiện tại của anh chỉ dừng ở mức hơn 7 triệu bao gồm cả phụ cấp và công tác phí.
Anh cho biết, với mức lương và trách nhiệm công tác ở trường, anh không còn thời gian chăm lo cho gia đình. Theo đó, ứng với các khoản chi tiêu hàng tháng như: 3 triệu tiền thuê nhà, 1,5 triệu tiền điện nước. Số còn lại anh không đủ thêm cho vợ sinh hoạt hàng ngày cho gia đình.
Vợ anh phải lo kiếm tiền để chi phí ăn học cho hai con và các khoản phát sinh khác. Theo đó, mặc dù đã ngót gần 20 năm sinh sống tại thủ đô, hai vợ chồng anh vẫn phải thuê nhà ở, chưa dám mơ ước mua nhà vì áp lực kinh tế lo cho các con học hành quá lớn.
Hàng ngày, anh vẫn tranh thủ từng chút thời gian rảnh để bán thực phẩm rau, củ quả qua facebook từ Điện Biên gửi xuống. Các buổi tối, anh nhận làm thêm quản lý quán café ở gần nhà. Trong thời gian làm quản lý quán cafe, anh tranh thủ soạn giáo án. Anh cho biết: "Tuy mỗi nghề có một nỗi vất vả riêng nhưng tôi vẫn cảm thấy yêu nghề, muốn phục vụ lâu dài với nghề giáo. Tôi chỉ muốn Nhà nước sẽ có cơ chế quan tâm hơn đến đời sống của giáo viên. Bởi ngoài thời gian giảng dạy ở trên lớp, về nhà giáo viên còn chấm bài soát bài cho học sinh, cộng với việc sổ chủ nhiệm, kế hoạch giảng dạy, sổ điểm đối với giáo viên chủ nhiệm, hay cả thêm sáng kiến kinh nghiệm. Do vậy, nếu không có mức lương xứng đáng, thì nhiều giáo viên phải tự vật lộn với cuộc sống mưu sinh ngoài kia và đôi khi sẽ làm họ phân tán với nghề vì quỹ thời gian có hạn".
Đề cập vấn đề trên với cô Nguyễn Hải Yến, hiệu trưởng trường THCS Thịnh Quang, Đống Đa cho biết: "Không riêng lương giáo viên mà lương của công chức nói chung đều thấp. Quan điểm của tôi là nên trả lương theo vị trí làm việc, không nên theo kiểu "sống lâu lên lão làng". Đánh giá giáo viên theo đầu ra, và có sự khảo sát chính xác đầu vào. Nếu có thể, cho người học được quyền lựa chọn thầy dạy. Theo đó, sẽ đánh giá được nhiều khía cạnh. Với tinh thần đề cao tính tự chủ ở các trường như hiện nay thì khi chất lượng giáo dục đi lên thì lương giáo viên sẽ được cải thiện".
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luong-giao-vien-goc-khuat-phia-sau-trang-giao-an-post68245.html