'Luồng gió mới' trên đất ngoại thành

Liên kết sản xuất là yêu cầu tất yếu để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, từng bước tạo thành chuỗi giá trị hàng hóa và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sau 10 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới (NTM), việc liên kết sản xuất đang tạo 'luồng gió mới' giúp người dân thành phố Hà Giang nâng cao thu nhập.

Gói bánh chưng tại HTX sản xuất và phân phối bánh chưng gù bà Dung, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường. Ảnh: TRẦN KẾ

Gói bánh chưng tại HTX sản xuất và phân phối bánh chưng gù bà Dung, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường. Ảnh: TRẦN KẾ

3 xã ngoại thành của thành phố Hà Giang triển khai xây dựng NTM là: Phương Thiện, Phương Độ và Ngọc Đường. Các xã đều có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai rộng, người dân có kinh nghiệm làm nông nghiệp, là lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp với đa dạng các sản phẩm. Thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu Nông nghiệp, Đảng bộ thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển vành đai thực phẩm hàng hóa an toàn, chất lượng; tổ chức sản xuất cho nông dân; triển khai các Nghị quyết 209, 86, 29 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh... Qua đó hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất với nhiều cách làm mới, mô hình hay.

Hiện, trên địa bàn 3 xã có 10 HTX đang hoạt động hiệu quả với doanh thu cao, ổn định, thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo phát triển bền vững. Năm 2019, HTX sản xuất và phân phối bánh chưng gù bà Dung, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 50 - 70 lao động; HTX tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao; thường xuyên liên kết với HTX sản xuất NLN và Dịch vụ tổng hợp thôn Tà Vải (Ngọc Đường) thu mua, tiêu thụ nguyên liệu nấu bánh chưng, đồng thời liên kết với 50 hộ dân trên địa bàn xã thu mua lá dong, riềng, gạo nếp, thịt lợn. Tổng giá trị liên kết năm 2019 đạt trên 300 triệu đồng.

HTX Hòa An (Phương Độ) đạt doanh thu 2,5 tỷ đồng, thu nhập người lao động đạt 5,5 triệu đồng/tháng; liên kết với 164 hộ dân các thôn Khuổi Vài, Khuổi My, Nà Thác thu mua chè búp tươi; năm 2019 HTX đã thu mua gần 46 tấn chè, giá trị liên kết đạt trên 910 triệu đồng. HTX Du lịch và trải nghiệm Phương Thiện đạt doanh thu trên 582 triệu đồng. Công ty ANRADA (Phương Thiện) đầu tư sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGAP trên diện tích 4,2 ha, sản lượng rau, quả đảm bảo chất lượng sản lượng các loại đạt trên 22 tấn, doanh thu đạt trên 550 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động với thu nhập bình quân 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trên địa bàn các xã đang triển khai nhiều mô hình liên kết hiệu quả như: Phát triển các nhóm sở thích liên kết nuôi dê, trồng nấm; nuôi lợn nái luân chuyển. Tổ hợp tác chăn nuôi lợn thôn Sơn Hà quy mô 1.500 con/lứa, sản lượng đạt 150 tấn/lứa. Ngoài ra, tận dụng lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng các cơ chế chính sách hỗ trợ linh hoạt của thành phố, các xã đã phát triển được nhiều mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản điển hình, hiệu quả gắn với phát triển du lịch sinh thái, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tiêu biểu: Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại thôn Tà Vải, Sơn Hà, Thái Hà (Ngọc Đường) với năng suất bình quân đạt 142,5 tạ/ha; sản lượng đạt 75,5 tấn, doanh thu đạt trên 140 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng nấm hộ Nguyễn Văn Lịch thôn Bản Tùy (Ngọc Đường) quy mô 5.000 bịch/lứa, sản lượng bình quân 20 tấn/lứa, doanh thu bình quân đạt trên 700 triệu đồng; mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm thương phẩm của bà Lưu Thị Uyên, thôn Thái Hà (Ngọc Đường) quy mô 250 con lợn thịt, 2.500 con gà/lứa; doanh thu bình quân trên 1,6 tỷ đồng. Mô hình chăn nuôi vịt bầu cổ ngắn thương phẩm thôn Tân Tiến (Phương Độ) quy mô 2.000 con/lứa/20 hộ, doanh thu bình quân 440 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho các hộ gia đình; mô hình nuôi cá rô đồng tại các thôn Lúp, Chang, Hạ Thành (Phương Độ) quy mô 10.000 con/10 hộ, sản lượng 3,84 tấn, doanh thu bình quân trên 260 triệu đồng. Mô hình trồng và thu mua, chế biến dược liệu tại thôn Cao Bành, Gia Vài (Phương Thiện) với sản lượng bình quân trên 180 tấn/năm, doanh thu đạt trên 4,2 tỷ đồng.

Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ ở các xã ngoại thành giúp cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông nghiệp từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2019 đạt 333,7 tỷ đồng, tăng 4,2 lần so năm 2010; giá trị sản phẩm/ha đất trồng hằng năm đạt trên 100 triệu đồng/ha, tăng 33,3 triệu đồng/ha so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn 3 xã đều tăng cao. Năm 2019, xã Phương Thiện đạt 37,88 triệu đồng/người/năm, xã Phương Độ đạt 35,99 triệu đồng/người/năm; xã Ngọc Đường đạt 33,87 triệu đồng/người/năm.

AN GIANG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202006/luong-gio-moi-tren-dat-ngoai-thanh-762039/