Lương hưu người cao tuổi Trung Quốc chỉ đủ mua... dầu và muối
Việc thiếu hỗ trợ cho người cao tuổi ở nông thôn đã trở thành một vấn đề kinh tế xã hội tồi tệ đối với Trung Quốc trong bối cảnh đô thị hóa đang thúc đẩy nhanh chóng. Nhiều thập kỷ áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình tích cực có nghĩa là cứ bốn người dân ở nông thôn sẽ có một người già hơn 60 tuổi vào năm 2025.
Chen Yunfeng, trưởng làng Yancang, tỉnh Hà Nam, đã trở nên thất vọng trước những bất lợi mà nông dân nông thôn già phải đối mặt trong xã hội Trung Quốc. Ông chia sẻ: “Chúng tôi trồng ngũ cốc, nhưng ngũ cốc rất rẻ. Và chúng tôi đang già đi, nhưng phúc lợi còn lại rất ít."
Theo Chen, người đã ngoài 50 tuổi, một nông dân trong làng có thể nhận lương hưu hàng tháng chỉ 112 nhân dân tệ (16 USD) sau khi về hưu ở tuổi 60 - một số tiền nhỏ thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình hàng ngày ở các thành phố Trung Quốc và có thể không đủ để hỗ trợ ngay cả một lối sống nông thôn thanh đạm. Nó cũng thấp hơn nhiều so với mức chi trả lương hưu trung bình trên toàn quốc là 2.000 nhân dân tệ (tương đương 290 USD) mỗi tháng cho những người nghỉ hưu từ các công việc thành thị.
Việc thiếu lương hưu cho cư dân nông thôn của Trung Quốc không phải là một vấn đề mới. Lương hưu an toàn vẫn là đặc quyền chỉ dành riêng cho cư dân thành thị trên khắp đất nước cho đến năm 2009, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo khi đó bắt đầu xây dựng hệ thống lương hưu quốc gia cho cư dân nông thôn.
Hệ thống hưu trí nông thôn đã được hợp nhất thành một chương trình toàn quốc bao gồm cư dân nông thôn và cư dân thành thị đang làm việc tự do hoặc thất nghiệp. Mức lương hưu khác nhau ở các vùng khác nhau nhưng nhìn chung thấp hơn nhiều so với mức lương hưu của người dân thành thị. Ví dụ, ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, lương hưu trung bình cho những người tham gia chương trình lương hưu cho cư dân thành thị và nông thôn chỉ là 243 nhân dân tệ mỗi tháng vào năm 2019, hay chưa đến 1/10 so với 2.928 nhân dân tệ cho những người ở thành thị.
Ở hầu hết các vùng nông thôn Trung Quốc, người cao tuổi phải tiếp tục dựa vào sức lao động của chính họ, con cái hoặc tiền tiết kiệm của họ trong những năm tuổi xế chiều. Việc thiếu hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác cho nông dân cao tuổi của đất nước đã trở thành một vấn đề kinh tế xã hội ngày càng nghiêm trọng trong bối cảnh quá trình đô thị hóa nhanh chóng và sự già hóa nhanh chóng của dân số nói chung.
Một vụ việc kinh hoàng đã làm nổi bật vấn đề vào tháng 5, khi một người đàn ông ở tỉnh Thiểm Tây cố gắng chôn sống người mẹ nằm liệt giường của mình vì bà trở nên mất kiểm soát và là gánh nặng phải chăm sóc. Người phụ nữ 79 tuổi cuối cùng đã được cứu, còn người đàn ông bị bắt, nhưng vụ án đã gây ra một cuộc tranh luận trên toàn quốc về việc ai sẽ chăm sóc số lượng người già ngày càng tăng ở các vùng nông thôn của Trung Quốc.
Sự di cư ồ ạt của những người trẻ tuổi từ các ngôi làng nông thôn đến thành phố để tìm kiếm cơ hội tốt hơn - như đã xảy ra ở làng Yancang - nghĩa là thế hệ trẻ thường không ở bên cạnh để chăm sóc thế hệ cũ. Tình hình cũng trở nên trầm trọng hơn do kế hoạch hóa gia đình tàn nhẫn trong nhiều thập kỷ - số người già ở nông thôn nhiều hơn người trẻ, và khoảng cách ngày càng gia tăng khi chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chương trình tăng cường đô thị hóa.
Trên phạm vi cả nước, một báo cáo gần đây của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán rằng cứ bốn người ở nông thôn thì có một người già hơn 60 tuổi vào năm 2025, tổng cộng khoảng 124 triệu người - xấp xỉ dân số Nhật Bản.
Tình hình cũng phủ bóng đen lên chiến lược kinh tế mới của Bắc Kinh là “lưu thông kép”, một nỗ lực biến 1,4 tỷ dân của đất nước này thành một cường quốc tiêu dùng để duy trì tăng trưởng trong nước trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng thù địch và không chắc chắn, đặc biệt là do Trung Quốc leo thang kình địch với Hoa Kỳ.
Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao của Công ty Tư vấn Kinh doanh Nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, cho biết việc thiếu lương hưu thích hợp cho nông dân Trung Quốc đang hạn chế nghiêm trọng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo ra một thị trường tiêu dùng thống nhất, phần lớn là do hơn 40% hộ gia đình của nước này buộc phải tiết kiệm đủ để tài trợ cho tuổi già của họ.
Ma cho biết: “Một khoản tiền mặt 100 nhân dân tệ hàng tháng chắc chắn không đủ, có nghĩa là nông dân phải tiếp tục canh tác những mảnh đất nhỏ để tồn tại ngay cả khi họ đã thực sự già”. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến năng suất nông nghiệp ở Trung Quốc.
Với việc Bắc Kinh chuẩn bị tuyên bố chiến thắng trong việc xây dựng một “xã hội khá giả toàn diện” vào cuối năm nay đồng thời vạch ra các kế hoạch mới cho tương lai của đất nước, cải cách lương hưu ở nông thôn đã trở thành một trong những chủ đề được công chúng quan tâm nhất, theo Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhân dân nhật báo khi chính phủ xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của đất nước.
Một người dân ở Hồ Nam đã nói: “Nhà nước chỉ cho nông dân 1.000 nhân dân tệ mỗi năm như một khoản lương hưu, số tiền này chỉ đủ chi trả cho dầu và muối. Nông dân cũng đã có nhiều đóng góp cho đất nước, nhưng cách đối xử với họ rất khác so với các quan chức nhà nước và công nhân thành thị đã nghỉ hưu”.
Việc tăng chi trả lương hưu ở nông thôn sẽ đòi hỏi một nguồn lực tài chính đáng kể, nhưng tình hình tài chính ở nhiều vùng của Trung Quốc đang bị căng thẳng nghiêm trọng do đại dịch covid-19 và suy thoái kinh tế trên diện rộng.
Theo một bài báo học thuật được xuất bản tháng trước bởi các nhà nghiên cứu do Xu Qing dẫn đầu, giáo sư Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, cho thấy một rủi ro đối với lương hưu nông thôn của Trung Quốc là hệ thống tuân thủ quá mức các khoản trợ cấp tài chính, khiến cho mức trợ cấp hiện tại thậm chí còn thấp đến mức “không bền vững ”.
“Kỳ vọng của mọi người về việc tăng trợ cấp tài chính trái ngược với sự suy giảm doanh thu tài khóa” – trích từ bài báo học thuật.