Lượng khách giảm mạnh, doanh nghiệp vận tải gặp khó

Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định với khoảng 380 xe; 7 DN kinh doanh vận tải xe buýt trên 11 tuyến với 158 xe; 33 DN kinh doanh vận tải taxi với gần 2.000 xe; gần 500 DN vận tải khách hợp đồng với 750 xe và gần 1.600 DN vận tải hàng hóa với trên 3.200 xe. Những ngày qua, nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các đơn vị vận tải hành khách.

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải xe buýt của Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan giảm 55% so với cùng kỳ.

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải xe buýt của Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan giảm 55% so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hà Lan là một đơn vị kinh doanh vận tải hành khách lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Công ty đang kinh doanh các dịch vụ xe taxi, xe buýt, xe hợp đồng và xe hợp đồng du lịch. Tổng số cán bộ công nhân viên, người lao động của đơn vị hiện có trên 560 người. Thời gian qua do dịch COVID-19 người dân hạn chế đi lại đã làm doanh thu xe buýt giảm 55%, xe hợp đồng giảm 45%, xe hợp đồng du lịch giảm 100% (không có hợp đồng du lịch nào).

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hà Lan cho biết: Trước thực trạng này Công ty đã phải giảm hoạt động 30% tổng số phương tiện, cho giãn, giảm hoạt động của nhiều tuyến xe buýt, xe hợp đồng. Công ty cũng phải sắp xếp lại nhân sự, xây dựng phương án để người lao động nghỉ luân phiên... tất cả nhằm mục tiêu giảm bớt tối đa chi phí trong giai đoạn khó khăn này.

Cũng giống như Công ty Hà Lan, Công ty cổ phần Vận tải hành khách Thái Nguyên - đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn do lượng khách sụt giảm. Công ty hiện có 50 xe khách, chạy trên 34 tuyến. Theo thống kê từ sau Tết Nguyên đán đến nay, doanh thu hoạt động của xe khách cũng giảm trung bình trên 50%. Thậm chí có tuyến hoạt động nhưng tiền vé hàng ngày thu về không đủ chi phí nhiên liệu. Đến nay đã có 3 tuyến phải thực hiện cho nghỉ luân phiên các xe vì lượng khách quá ít.

Tại Bến xe khách trung tâm T.P Thái Nguyên, lượng khách qua bến hiện nay đã sụt giảm đáng kể. Trước khi có dịch COVID-19, mỗi ngày bến có trên 420 lượt xe xuất bến phục vụ khoảng 5,5 đến 6 nghìn lượt khách, nhưng từ khi có dịch đến nay, trung bình mỗi ngày Bến xe khách trung tâm T.P Thái Nguyên chỉ còn khoảng hơn 390 lượt xe xuất bến, giảm hơn 20 lượt xe mỗi ngày. Cá biệt có ngày gần 50 lượt xe xin nghỉ do không có khách. Các tuyến lượng khách giảm mạnh nhất là Thái Nguyên đi Móng Cái, Sa Pa, Tân Thanh. Đặc biệt là những tuyến xe khách đến những tỉnh có biên giới với Trung Quốc, qua các địa bàn có dịch, và các tuyến đến những vùng du lịch. Tại các tuyến này số lượt xe khách chạy mỗi ngày đã giảm 1/3. Theo các lái xe lượng khách đi xe hiện nay giảm xuống chỉ còn khoảng 50% so với ngày thường.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, lái xe tuyến Thái Nguyên - Lạng Sơn cho biết: Lượng khách giảm đi một nửa, thu nhập ít đi ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu của nhà xe, với chi phí này chúng tôi không đủ để tiếp tục duy trì hoạt động vận chuyển. Cùng chung cảnh vắng vẻ với tuyến Thái Nguyên - Lạng Sơn, từ sau khi tỉnh Vĩnh Phúc công bố dịch thì hành khách đi xe tuyến Thái Nguyên - Việt Trì (Phú Thọ) cũng giảm xuống đáng kể. Hiện, việc sử dụng xe khách để di chuyển của người dân giảm xuống rất thấp. Anh Hoàng Văn Bính, lái xe tuyến Thái Nguyên - Phú Thọ chia sẻ: Bình thường chạy 1 chuyến cũng được tầm 20 người nhưng bây giờ cả đi và về không được đến chục người, tình hình này rất khó khăn với chúng tôi.

Trước thực trạng nhu cầu đi lại giảm mạnh, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã phải triển khai nhiều biện pháp nhằm cắt giảm chi phí để tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp trước mắt, nếu khó khăn kéo dài thì việc tiếp tục duy trì ổn định hoạt động vận tải hành khách là việc rất khó. Chính vì vậy để duy trì hoạt động vận tải hành khách, rất cần có cơ chế hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải giúp giảm bớt áp lực về tài chính để vượt qua thời điểm khó khăn này. Ông Nguyễn Tiến Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh cho biết: Đây là tiền lệ chưa bao giờ xảy ra đối với ngành Vận tải. Trước những khó khăn của các đơn vị, Hiệp hội đã đề xuất với UBND tỉnh cũng như các ngành liên quan hỗ trợ lãi vay ngân hàng cho các DN đã đầu tư phương tiện trong thời gian qua; đồng thời thực hiện giãn nợ, hoãn thuế giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay…

Minh Phương

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/luong-khach-giam-manh-doanh-nghiep-van-tai-gap-kho-269498-108.html