Lượng khách mua giảm, người trồng đào ở Ninh Bình lo lắng
Tết Nguyên đán 2022 đang cận kề, mọi năm vào thời điểm này, các vùng trồng đào truyền thống của tỉnh Ninh Bình như Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn đã rất nhộn nhịp vào vụ Tết. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thương lái dè dặt nhập hàng, lượng khách mua giảm khiến người trồng đào Ninh Bình lo lắng.
Tại xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, vài năm trở lại đây, người dân đã chịu khó học hỏi đưa cây đào về trồng tại xã và có nguồn thu nhập cao. Nhiều hộ dân đã có kinh nghiệm thâm canh, chăm bón cây đào để cây ra hoa đúng dịp Tết đến xuân về.
Nhiều nhà vườn đã đầu tư hệ thống tưới tự động, thực hiện kỹ thuật ghép, cắt tỉa, tạo dáng, thế nên chất lượng đào cảnh ngày một nâng lên. Đặc biệt, năm nay, đào được đánh giá đẹp hơn mọi năm, nhiều hoa và sẽ nở vào chính Tết. Tuy vậy, Tết đã cận kề, mà vẫn vắng bóng thương lái khiến các chủ đào không khỏi thấp thỏm, lo âu.
Chị Quách Thị Thúy, xóm 5, xã Gia Lâm chia sẻ, mọi năm, thời điểm này, xe bốc cây nườm nượp, chật đường, có vườn đã bán hết rồi nhưng năm nay chẳng thấy bóng thương lái nào. Vườn nhà chị 300 gốc đào vẫn nằm im lìm.
Xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng với nghề truyền thống trồng đào phai. Trong nhiều năm trở lại đây, người dân Đông Sơn đã nhạy bén với thị trường Tết, phát triển diện tích trồng đào và đưa cây đào phai trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Cũng như mọi năm, người trồng đào phai Đông Sơn đã thực hiện tuốt lá từ tháng 10 và chăm bón để cây đào ra hoa đúng dịp Tết đến.
Theo nhiều người trồng đào lâu năm tại xã Đông Sơn, năm nay, mặc dù thời tiết thất thường tuy nhiên nhờ vào kinh nghiệm trồng đào lâu năm nên người dân vẫn biết cách để chăm bón, tuốt lá cho cây đào để ra hoa đúng dịp tết đến. Mọi năm, thời điểm nay, nhiều nhà vườn đã xuất bán đào cho thương lái ở trong và ngoài tỉnh nhưng năm nay do tâm lý sợ diễn biến của dịch căng thẳng nên nhiều thương lái dè dặt chưa quyết định nhập hàng.
Ông Phạm Xuân Chỉ, xã Đông Sơn cho biết, gia đình có trên 5.000m2 với trên 1.000 gốc đào. So với những năm trước, thời điểm này gia đình đã bán rất nhiều cho các thương lái và người mua đến tận vườn chọn. Doanh thu bình quân khoảng gần 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, năm nay, thời điểm này, gia đình mới chỉ bán được một vài cành đào.
Theo ông Chỉ, nghề trồng đào rất vất vả, từ khâu chăm sóc, tuốt lá làm sao để cây đào ra hoa đúng dịp. Mỗi cây đào chăm sóc khoảng 3 năm mới có thể thu hoạch. Vì vậy, ông cùng hàng trăm hộ dân trong xã không khỏi lo lắng vì thị trường năm nay ảm đạm.
Cùng tâm trạng trên, bà Tạ Thị Tính, xã Đông Sơn cho biết, gia đình có truyền thống trồng đào lâu năm. Năm nay, gia đình bà có khoảng 100 gốc đào có thể thu hoạch được. Tùy thuộc vào kiểu dáng, tuổi cây gia đình tôi bán có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/cành.
Trước tình hình khó khăn chung về kinh tế bởi tác động của dịch COVID-19, năm nay gia đình bà đã chủ động giảm giá xuống khoảng 20% so với mọi năm. Dẫu vậy, số lượng khách mua còn cầm chừng, thương lái ngoại tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa cũng chưa thấy về.
Theo ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, toàn xã có 10 làng nghề trồng đào phai. Hiện toàn xã có khoảng 150ha đào phai; các hộ sản xuất chuyên nghiệp thường có diện tích đào phai từ 3 đến 10 sào, thậm chí có nhiều hộ trồng hàng hecta đào phai.
Từ nhiều năm nay, cây đào phai đã trở thành cây trồng chủ lực của xã Đông Sơn, nhờ cây đào phai nhiều hộ dân đã có cuộc sống khấm khá hơn, thậm chí nhiều nhà giàu lên nhờ trồng cây đào phai. Năm 2021, doanh thu từ cây đào phai đạt 25 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, đến nay, cây đào phai Đông Sơn không chỉ phục vụ nhu cầu chơi Tết của nhân dân trong tỉnh mà còn đưa đi nhiều tỉnh, thành phố khác như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội... Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc phân phối đi các tỉnh gặp nhiều khó khăn do vậy dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến lượng đào tiêu thụ so với những năm trước đây.
Tuy nhiên, cây đào là cây trồng càng để lâu năm càng có giá trị cao vì vậy, UBND xã đã tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc cây đào cho bà con và hướng dẫn, tuyên truyền đến bà con bán hàng online, đưa cây đào lên sàn thương mại. Do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp UBND xã đã tuyên truyền đến người dân và khách đến mua đào phải chấp hành các quy định về phòng chống dịch.
Với người trồng đào, dịp Tết Nguyên đán được xem là vụ thu hoạch chính. Bởi vậy, các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình luôn nỗ lực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhân dân để giúp người dân yên tâm khai thác, kinh doanh và buôn bán đào, có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.
Trước tâm lý lo ngại của các hộ dân trồng đào, năm nay, việc các chợ hoa Xuân trên địa bàn vẫn được hoạt động, hy vọng bà con sẽ bán được đào để bù lại chi phí vật tư phân bón, công sức chăm sóc, cũng như có tiền mua sắm, chăm lo cho một cái Tết đủ đầy.