Lượng mưa kỷ lục 60 năm qua

Tối qua, các chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã hội ý về đợt mưa lũ ở tỉnh Hà Giang cũng như miền núi phía Bắc, đưa ra đánh giá đây là đợt mưa kỷ lục trong gần 60 năm qua.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, đợt mưa lũ tại miền núi phía Bắc trong ngày 21-7 là kỷ lục trong lịch sử quan trắc mưa lũ từ năm 1961 đến nay.

Ô tô chìm trong lũ ở đường Trần Hưng Đạo, trung tâm TP Hà Giang ngày 21-7

Ô tô chìm trong lũ ở đường Trần Hưng Đạo, trung tâm TP Hà Giang ngày 21-7

Theo ghi nhận của cơ quan khí tượng Việt Nam, tại TP Hà Giang của tỉnh Hà Giang đã có “mưa đặc biệt to”. Cụ thể, lượng mưa diễn ra từ 19 giờ tối ngày 20-7 đến 19 giờ tối ngày 21-7 đã đạt tới 347mm. “Đây là lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay”, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết.

Người dân Hà Giang phải bơi trong biển nước ngày 21-7. Ảnh theo mạng Facebook

Người dân Hà Giang phải bơi trong biển nước ngày 21-7. Ảnh theo mạng Facebook

Nguyên nhân của đợt mưa lớn bất thường này là do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao gây ra mưa rào và dông cho nhiều địa phương ở vùng núi Bắc bộ.

Hiện tại, cơ quan dự báo khí tượng cho rằng, nguyên nhân gây mưa lũ ở miền Bắc không liên quan tới đợt mưa lũ ở Trung Quốc. Tuy nhiên trước đó, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, ông Mai Văn Khiêm cho biết, theo kinh nghiệm hàng năm thì sau các đợt mưa lũ lớn ở Trung Quốc thường xuất hiện các đợt mưa lũ ở miền núi phía Bắc của nước ta.

Theo nhiều chuyên gia, hiện tại mới đang là tháng 7 – đầu mùa mưa lũ ở miền Bắc. Hàng năm, mưa lũ khốc liệt thường xảy ra trong tháng 8 và kéo dài tới tận tháng 10.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cập nhật tới 6 giờ sáng nay 22-7, trận mưa lũ tại miền núi phía Bắc đã làm tổng cộng 8 người chết và bị thương (trong đó có 5 người chết ở tỉnh Hà Giang, 3 người bị thương ở tỉnh Hà Giang và Cao Bằng).

Sáng nay 22-7, một đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương dẫn đầu tới tỉnh Hà Giang để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Sáng nay, dư luận đang đặt ra câu hỏi, TP Hà Giang là một đô thị vùng cao, trước đây ít khi ngập lụt nhưng tại sao bây giờ mưa lại ngập? Thêm nữa, trước đây chủ yếu mưa bão mới xảy ra lũ ống lũ quét nhưng hiện nay tại sao chỉ mưa do rãnh áp thấp, vùng hội tụ gió trên cao cũng khiến hàng loạt mạng người bị "cướp đi", trong đó có những trẻ em tội nghiệp?

TP Hà Giang nằm ở trên cao, độ dốc lớn nhưng tại sao bây giờ mưa lại ngập lụt?

TP Hà Giang nằm ở trên cao, độ dốc lớn nhưng tại sao bây giờ mưa lại ngập lụt?

Còn ông Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm, tính đến chiều 21-7, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã ban hành 13 bản tin về mưa lớn và cảnh báo lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và 10 bản tin cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất cho các tỉnh Bắc bộ, trong đó có 8 bản tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại tỉnh Hà Giang.

Đất đá tràn vào nhà dân ở Hà Giang do mưa lớn gây ra ngày 21-7

Đất đá tràn vào nhà dân ở Hà Giang do mưa lớn gây ra ngày 21-7

Hôm nay 22-7, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia tiếp tục cảnh báo ở vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang có mưa to, có nơi mưa rất to. Từ ngày 23-7, mưa trên khu vực này giảm dần.

Tuy nhiên, mực nước thượng lưu sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m, riêng sông Lô từ 4-6m.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/luong-mua-ky-luc-60-nam-qua-674438.html