Lượng ô tô đăng kiểm tăng đột biến, các trung tâm phải làm thêm giờ
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới bố trí làm thêm giờ, tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện. Nếu lượng phương tiện tăng cao, đơn vị đăng kiểm sẽ bố trí thời gian làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ, để đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân.
Lý giải về vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, trong thời gian vừa qua, Cơ quan Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố và bắt tạm giam nhiều lãnh đạo, nhân viên một số trung tâm đăng kiểm tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, niêm phong nhiều đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; đúng vào thời điểm cuối năm, lượng xe đến kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm tăng cao dẫn đến hiện tượng ùn tắc phương tiện, một số đơn vị hạn chế nhận xe đến kiểm định.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, Cục Đăng kiểm yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới đảm bảo duy trì hoạt động ổn định để giải quyết nhu cầu kiểm định phương tiện tăng cao của người dân và phải đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
Nếu lượng phương tiện tăng cao, đơn vị đăng kiểm bố trí thời gian làm thêm giờ kể cả ngày nghỉ (thứ bảy và chủ nhật) để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân, đồng thời việc bố trí làm thêm giờ phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về lao động.
Trong trường hợp làm thêm giờ vào ngày nghỉ để giải quyết nhu cầu kiểm định của người dân tăng cao, đơn vị đăng kiểm làm văn bản báo cáo sở giao thông vận tải tại địa phương và báo cáo về Cục Đăng kiểm.
Đối với trường hợp phương tiện khi vào kiểm định không đạt tiêu chuẩn, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phân công cán bộ có trình độ giải thích rõ ràng, đầy đủ và hướng dẫn khách hàng sửa chữa, khắc phục đúng theo quy định để kiểm định lại tránh để khách hàng bức xúc.
Phía Cục Đăng kiểm cũng khuyến cáo đến các chủ xe, doanh nghiệp, để giảm thời gian, không phải kiểm định nhiều lần, người dân nên chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện trước khi đi kiểm định để đảm bảo phương tiện hoạt động luôn trong trạng thái tốt nhất và đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi đi kiểm định.
Trước đó, ngày 20/12, Công an TP HCM tiếp tục bắt giữ 10 đối tượng tại Trung tâm 50-10D, 50-07V để điều tra làm rõ về các hành vi sai phạm.
Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can để điều tra về các hành vi "Môi giới hối lộ", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác" trong công tác hoạt động đăng kiểm xe cơ giới.
Qua điều tra, nhóm bị can bước đầu thừa nhận dùng thủ đoạn lập danh sách đăng kiểm, nhưng không làm việc tại trung tâm, giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định cho các ô tô được cơi nới thùng xe. Các ô tô này được đăng kiểm không đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trong vụ án này, Công an TP HCM đã khám xét khẩn cấp tại 9 Trung tâm Đăng kiểm. Cụ thể gồm: 5 Trung tâm do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc (cụ thể: Trung tâm Đăng kiểm: 62-03D (tỉnh Long An); 71-02D (tỉnh Bến Tre); 83-02D (tỉnh Sóc Trăng); 66-02D (tỉnh Đồng Tháp); 63-02D (tỉnh Tiền Giang), Trung tâm Đăng kiểm 50-15D (TP Thủ Đức, TP HCM) do Nguyễn Trọng Vĩnh làm Giám đốc.
Trung tâm đăng kiểm 50-07V (quận Bình Tân) do Ngô Ngọc Sơn làm giám đốc, Trung tâm đăng kiểm 50-10D (huyện Củ Chi) do Nguyễn Thanh Tâm là giám đốc, Trung tâm đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè) do Hồ Hữu Tài làm Giám đốc; thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội.
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, để có tiền chia cho các nhân viên và làm "quỹ hoạt động", giám đốc các trung tâm đăng kiểm nêu trên đã chỉ đạo nhân viên trung tâm, bao gồm các phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng… trong quá trình kiểm định chất lượng, đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Thủ đoạn cụ thể: bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải…
Tất cả các phương tiện được bỏ qua lỗi vi phạm này đều do “cò mồi” đưa đến kiểm định, hối lộ tiền, từ đó các trung tâm thu lợi bất chính gần 10 tỉ đồng.
Ngày hôm qua (21/12), Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ra quyết định tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời hạn 3 tháng đối với 2 đơn vị đăng kiểm 50-17D (Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh) và 50-10D (Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh), do vi phạm quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Các quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày 21/12/2022 đến hết ngày 20/03/2023. Hết thời hạn tạm đình chỉ, đơn vị phải có văn bản đề nghị cho phép tiếp tục hoạt động kiểm định trở lại gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam./.
Những hành vi bị nghiêm cấm trong kiểm định
Tại Điều 4 Thông tư 16/2021 của Bộ GTVT (quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), quy định chi tiết về hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới.
Cụ thể, thông tư quy định không được kiểm định không đủ nội dung, không đúng quy trình, quy định, kiểm định ngoài dây chuyền, ngoài đơn vị sai quy định; làm sai lệch kết quả kiểm định. Kiểm định khi thiết bị kiểm tra bị hư hỏng, kiểm định khi thiết bị kiểm tra chưa được kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn.
“Không được kiểm định khi không đảm bảo việc nối mạng để truyền dữ liệu, kết quả kiểm định; kiểm định khi hệ thống camera giám sát và lưu trữ hình ảnh dạng video không đảm bảo quy định” - thông tư nêu rõ.
Đồng thời, Thông tư 16 cũng quy định nghiêm cấm: Bố trí người thực hiện công việc kiểm định trên dây chuyền kiểm định không đủ, không đúng với quy định; yêu cầu chủ xe đưa xe đi sửa chữa, bảo dưỡng tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng chỉ định…