Lương phải đủ sống để công chức không còn 'chân trong, chân ngoài' sau sáp nhập
Đất nước đã bước sang giai đoạn phát triển mới, không thể chấp nhận kiểu 'công chức hai chân', mà 'chân ngoài' thì thường dài hơn 'chân trong'. Vì vậy, lương công chức phải đủ sống và đủ liêm.
Đất nước vẫn trăm triệu dân. Giang sơn cõi bờ vẫn thế. Chỉ yêu cầu, mục tiêu phát triển của quốc gia là thay đổi. Từ 63 tỉnh, thành phố, nay cả nước chỉ còn 34 tỉnh, thành. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính không đơn thuần là phép cộng của 2-3 hay 4 đơn vị để cho ra đời 1 đơn vị hành chính mới to hơn mà là phép nhân của ý tưởng, tư duy đổi mới và trình độ quản trị đất nước.
Khi quy mô, không gian, dư địa phát triển đã mang một dáng vóc mới, dĩ nhiên bộ máy quản trị phải thay đổi. Mỗi cán bộ, công chức trong cơ quan công quyền phải biết tự nâng mình để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Công việc nhiều hơn, cách xử lý của cán bộ công quyền cũng phải có tầm hơn.

Mức lương cán bộ, công chức, viên chức nhận được không chỉ đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống mà còn phải đảm bảo sự liêm chính, công bằng. Ảnh: Thạch Thảo
Điều đó có thể chưa được thể hiện ngay bây giờ, khi công tác sắp xếp, tinh gọn mới ở những bước đầu tiên. Việc giảm số lượng cán bộ, công chức sau sáp nhập vẫn còn mang nhiều tính cơ học, mà chưa phải là sự “đào thải” đúng nghĩa để những người ở lại trong bộ máy công quyền thực sự là những người “tinh” nhất, làm việc tốt nhất.
Nhưng về lâu dài, hiệu quả công vụ sẽ được chứng minh, được đo bằng sự hài lòng của dân và sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Vẫn còn những sở, ngành có đến cả chục cán bộ cấp phó, nhưng nếu bình tâm nghĩ lại, đó là những con số “mang tính quá độ” mà bất cứ sự thay đổi nào cũng phải chấp nhận. Những “con số khó chịu” ấy sẽ được sàng lọc dần trong 5 năm tới để đảm bảo yêu cầu “gọn mà tinh” đặt ra cho bộ máy sau sáp nhập.
Cần tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức
Tiền lương luôn là vấn đề nan giải nhất trong các chính sách liên quan đến người lao động, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… hưởng lương từ ngân sách. Có một thực tế là mỗi lần tăng lương lại một lần gây ra những tác động lớn đến xã hội. Lương lên chậm hơn giá vốn là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Bộ máy quá cồng kềnh và hoạt động kém hiệu quả, số người hưởng lương từ ngân sách quá nhiều đã trở thành gánh nặng làm trì trệ đất nước. Câu hỏi làm gì để cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) sống được bằng lương đặt ra đã lâu nhưng vẫn chưa có câu trả lời.
Nay bộ máy tinh gọn, chi phí thường xuyên cho hoạt động của bộ máy đã bắt đầu giảm và sẽ giảm mạnh trong vòng 5 năm tới. Điều đó cho phép thực hiện việc tăng lương cho đội ngũ cán bộ, CCVC ở lại trong bộ máy. Việc ấy phải được đặt ở vị trí ưu tiên, khẩn thiết, để đội ngũ cán bộ, CCVC đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống, tận tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày làm việc đầu tiên sau khi sáp nhập.
Tinh gọn bộ máy không phải là giảm bớt khối lượng công việc, mà thậm chí công việc còn nhiều hơn, đòi hỏi chất lượng, hiệu quả phải cao hơn nhiều lần. Nhất là khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, công chức xã phải đảm nhận thêm 85% nhiệm vụ của cấp huyện trước đây.
Cho nên thật khó đòi hỏi nhiều hơn khi lương, thu nhập của họ không được cải thiện. Đất nước đã bước sang giai đoạn phát triển mới, không thể chấp nhận kiểu “công chức hai chân”, mà “chân ngoài” thì thường dài hơn “chân trong”.
Lương đủ sống để công chức đủ liêm
Thực tế cho thấy, hệ thống lương theo ngạch bậc truyền thống đã không còn phù hợp. Với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng như hiện nay, công chức là chuyên gia cao cấp có mức lương cao nhất là 23,4 triệu đồng/tháng. Còn công chức loại C nhóm 3 (trình độ sơ cấp) có mức lương thấp nhất là 3,159 triệu đồng/tháng.
Tất nhiên, không ai sống với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, cán bộ, CCVC còn có thêm một số khoản phụ cấp. Tuy nhiên, phần đông CCVC hiện nay sống với mức lương trên dưới 10 triệu đồng. Đó là mức thu nhập quá khiêm tốn so với nhu cầu của cuộc sống người lao động, nhất là những người còn phải nuôi con ăn học, phải thuê nhà.
Để giữ chân và tạo động lực cho đội ngũ CCVC yên tâm công tác, tận tâm tận lực với công việc, cần có ngay chính sách cụ thể và việc tăng lương là thiết thực nhất. Riêng với đội ngũ cán bộ, CCVC ở những tỉnh sáp nhập thì việc tăng lương để hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng chi phí đang dồn lên họ, giúp họ có thêm động lực để gắn bó với công việc ở địa bàn mới là rất cần thiết. Chí ít cũng tăng từ 30% - nhiều chuyên gia nhận định.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính; về báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết số 18 từ tháng 11/2024 đến tháng 7/2025 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã yêu cầu, tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tổ chức mới có qui mô và yêu cầu hiệu quả công việc cao hơn.
Trong khi chưa trả lương theo vị trí việc làm và năng lực cống hiến như đề án của Bộ Nội vụ đề xuất, trước mắt, cần thay đổi tư duy từ “lương tối thiểu” sang “lương đủ sống tối thiểu”. Chúng ta đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay và tăng trưởng 2 con số liên tục trong nhiều năm tới. Nhưng tăng trưởng kinh tế cần đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt là bền vững về con người.
Lương không đủ sống, người trẻ sẽ ngại sinh con. Tỉ suất 1,91 con/phụ nữ trong năm 2024 được xem là mức thấp nhất trong lịch sử và cũng là năm thứ ba liên tiếp mức sinh tại Việt Nam giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Sẽ là sai lầm nếu trong giai đoạn tới, chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng lại thất bại ở việc duy trì mức sinh thay thế.
Muốn đất nước phát triển bền vững, chúng ta cần một bộ máy quản lý, điều hành hiện đại, gồm những con người dám nghĩ dám làm, dám đổi mới và dám chịu trách nhiệm. Muốn vậy, nhà nước phải có chế độ tiền lương phù hợp để khuyến khích họ.
Lương phải đủ sống và đủ liêm. Mức lương cán bộ, công chức, viên chức nhận được không chỉ đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống mà còn phải đảm bảo sự liêm chính, công bằng và không vi phạm đạo đức, bao gồm cả đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần, cũng như sự tôn trọng đối với bản thân cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy.