TP.HCM mở rộng địa giới: Đòn bẩy mới cho môi trường đầu tư quốc tế (Bài 1)

Không chỉ mở rộng quy mô địa giới, việc tái cấu trúc không gian phát triển liên kết vùng là nền tảng để TP.HCM cải thiện môi trường đầu tư, nâng sức cạnh tranh và trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI chất lượng cao trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng khốc liệt.

TP.HCM mở rộng: Từ không gian phát triển đến bản lĩnh dẫn dắt khu vực

Hơn cả một quyết định hành chính đơn thuần, việc mở rộng địa giới là khởi đầu cho quá trình tái cấu trúc toàn diện của TP.HCM, cả về không gian phát triển, mô hình quản trị lẫn cấu trúc kinh tế - xã hội. Ẩn sau bản đồ hành chính được điều chỉnh là bài toán lớn hơn: tái định hình vai trò, vị thế và động lực tăng trưởng của thành phố trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt.

Một TP.HCM mới không chỉ đòi hỏi sự sắp xếp lại địa lý, mà quan trọng hơn là tái lập tư duy quản trị hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả và tạo ra hệ sinh thái đủ sức hấp dẫn các nguồn lực chiến lược. Quy mô siêu đô thị mở rộng là cơ hội vàng, nhưng nếu thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu cơ chế điều phối linh hoạt, rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của quá tải hạ tầng, cát cứ chính sách và gián đoạn phát triển.

Trong bức tranh ấy, cộng đồng doanh nghiệp, giới trẻ, startup và đội ngũ kiều bào chính là những mắt xích không thể thiếu. Họ mang theo tri thức toàn cầu, nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị và khát vọng đổi mới - những yếu tố sẽ quyết định khả năng hiện thực hóa khát vọng đưa TP.HCM vươn lên thành siêu đô thị thông minh, trung tâm tài chính - công nghệ - sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á.

Tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư

Ngày 1/7/2025 được xem là cột mốc quan trọng khi TP.HCM chính thức hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành một siêu đô thị lớn nhất cả nước với diện tích hơn 7.000 km2 và dân số trên 15 triệu người. Mô hình “liên kết vùng” này được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM tăng tốc hội nhập, sánh ngang với các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới như Khu vực Đại Thượng Hải (Trung Quốc), Greater Bangkok (Thái Lan) hay vùng đô thị Tokyo (Nhật Bản), qua đó mở ra những cơ hội mới để thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế.

Sự hợp nhất này mở ra không gian kinh tế liên kết quy mô lớn, kết nối chặt chẽ TP.HCM - trung tâm tài chính, dịch vụ với Bình Dương - vùng công nghiệp trọng điểm và Bà Rịa - Vũng Tàu - cửa ngõ hàng hải chiến lược của khu vực nhờ cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu được quy hoạch hợp lý và vận hành hiệu quả, mô hình siêu đô thị này không chỉ trở thành động lực tăng trưởng mới cho khu vực phía Nam mà còn góp phần thúc đẩy sức bật kinh tế cho cả nước.

Với sự kết nối đồng bộ giữa trung tâm tài chính - dịch vụ, khu vực công nghiệp và hệ thống cảng biển quốc tế, khu vực hợp nhất này sẽ hình thành chuỗi giá trị sản xuất và logistics hoàn chỉnh. Đây chính là nền tảng thuận lợi để phát triển mạnh mẽ các ngành logistics, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao và dịch vụ tài chính - những lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Huỳnh Bửu Quang - Tổng giám đốc Deutsche Bank Việt Nam đánh giá, sự hợp nhất là cơ hội để hình thành cộng đồng doanh nghiệp (DN) lớn mạnh, tận dụng tối đa lợi thế của từng địa phương. Việc đồng bộ chính sách, tinh gọn bộ máy quản lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả vùng. Đặc biệt, khi các trung tâm tài chính, logistics và công nghệ cao được phát triển bài bản, chuỗi giá trị liên kết giữa các địa phương sẽ ngày càng hoàn thiện, bền vững.

Một trong những kỳ vọng lớn nhất từ cộng đồng DN FDI chính là việc tinh gọn bộ máy quản lý. Ông Huỳnh Bửu Quang nhấn mạnh, cải cách hành chính là yếu tố then chốt giúp giảm chi phí cho DN, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận các dịch vụ công một cách nhanh chóng và minh bạch. Theo ông, việc xóa bỏ tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan chức năng, đơn giản hóa thủ tục và đẩy mạnh số hóa quy trình sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư của TP.HCM.

Đồng quan điểm, ông Alexander Ziehe - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức (GBA) cho rằng, triển khai đồng bộ các biện pháp cải cách hành chính hiện đại, minh bạch sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho DN. "Khi các thủ tục được số hóa và vận hành thống nhất, DN tiết kiệm thời gian, chi phí và tập trung tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, việc xây dựng được một không gian đầu tư liên kết, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, chính sách ổn định và minh bạch là yếu tố then chốt để giữ chân và thu hút các tập đoàn đa quốc gia. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch và căng thẳng thương mại.

TP.HCM mới sẽ là cửa ngõ hàng hải chiến lược của khu vực

TP.HCM mới sẽ là cửa ngõ hàng hải chiến lược của khu vực

Đòn bẩy thu hút FDI

Một trong những rào cản lớn nhất khiến nhiều DN FDI e ngại khi đầu tư vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng chính là thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu minh bạch. Theo khảo sát của EuroCham, có tới 40% DN FDI tại TP.HCM gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến giấy phép lao động, đăng ký kinh doanh và thuế.

Ông Alexander Ziehe cho rằng, TP.HCM cần tận dụng cơ hội từ việc hợp nhất địa giới để đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy số hóa, đơn giản hóa thủ tục và loại bỏ sự chồng chéo giữa các cơ quan chức năng. Chỉ khi hệ thống thủ tục thực sự minh bạch, đồng bộ và thân thiện, TP.HCM mới đủ sức cạnh tranh với các trung tâm kinh tế trong khu vực như Bangkok hay Kuala Lumpur.

“Chúng tôi tin rằng, nếu quá trình tái cấu trúc được triển khai hiệu quả với tầm nhìn rõ ràng, đồng thời đảm bảo không làm gián đoạn dịch vụ công, TP.HCM sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu tại Việt Nam”, ông Alexander Ziehe nhấn mạnh.

Theo ông, việc điều chỉnh địa giới không chỉ mở ra cơ hội quy hoạch đô thị bài bản hơn, nâng cấp hạ tầng giao thông liên vùng, mà còn tạo điều kiện phân bổ nguồn lực công bằng và hợp lý hơn. TP.HCM cũng sở hữu lợi thế lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ hệ thống giáo dục đặc thù và sự hiện diện lâu dài của các DN FDI. Chính vì vậy, các nỗ lực hiện tại nhằm giảm thiểu gián đoạn thủ tục hành chính và đảm bảo sự nhất quán trong chính sách sẽ là yếu tố then chốt giúp duy trì niềm tin và sự gắn bó của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, TP.HCM cũng cần xây dựng các trung tâm dịch vụ hành chính tập trung và thúc đẩy chính phủ điện tử. Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng đảm bảo sự thống nhất chính sách giữa các khu vực sau hợp nhất để tránh tình trạng "mỗi nơi một chính sách" gây khó khăn cho nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, nếu thực hiện đồng bộ và quyết liệt, những cải cách này không chỉ góp phần tháo gỡ vướng mắc cho DN mà còn giúp TP.HCM cải thiện thứ hạng trên các bảng xếp hạng uy tín như Chỉ số thuận lợi kinh doanh (Doing Business) hay Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Song song với đó, hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quyết định sức hút đầu tư của thành phố. Theo ông Huỳnh Bửu Quang, đầu tư đồng bộ vào hạ tầng sẽ tăng khả năng kết nối giữa các khu vực trong TP.HCM, góp phần giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí cho DN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD do tình trạng kẹt xe, tương đương 1,5% GDP của thành phố. Đây một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là DN FDI, vẫn còn e ngại khi lựa chọn TP.HCM làm điểm đến.

Việc mở rộng địa giới chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu đi kèm với đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống giao thông liên vùng. Ngược lại, nếu thiếu quy hoạch và nguồn lực phù hợp sẽ khiến tình trạng ùn tắc, quá tải hạ tầng lan rộng, làm giảm sức hấp dẫn của TP.HCM trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Ở chiều tích cực, nếu TP.HCM tận dụng tốt cơ hội này để phát triển đồng bộ các tuyến cao tốc liên vùng, vành đai kết nối, metro, hệ thống logistics và cảng biển quốc tế, thành phố sẽ sở hữu lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút FDI, đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết vùng hiệu quả hơn.

Bài học từ các đô thị thành công trên thế giới như Khu vực Vịnh San Francisco (Mỹ) hay Đại London (Anh) cho thấy, hệ thống giao thông hiện đại là yếu tố then chốt kết nối các khu vực vệ tinh, thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn vùng. Bên cạnh đó, TP.HCM cần đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp - đô thị thông minh tích hợp, gắn kết với các trung tâm logistics để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, nhất là các DN FDI trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu.

TP.HCM mới cũng sẽ là vùng công nghiệp trọng điểm

TP.HCM mới cũng sẽ là vùng công nghiệp trọng điểm

Tận dụng cơ hội để bứt phá

Việc mở rộng địa giới không chỉ là bước đi hành chính mà còn là cơ hội vàng để TP.HCM tái cấu trúc toàn diện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế kinh tế. Theo tính toán của Bộ Tài Chính, nếu khai thác hiệu quả tiềm năng liên kết vùng sau hợp nhất, khu vực mở rộng này hoàn toàn có khả năng nâng tỷ trọng đóng góp GDP cả nước từ mức 23% hiện nay lên trên 30% trong vòng 5 - 7 năm tới.

Để đạt được mục tiêu đó, TP.HCM cần tập trung thu hút các dòng vốn FDI chất lượng cao, ưu tiên cho các lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn như công nghệ cao, tài chính, logistics và đổi mới sáng tạo. Đây là những lĩnh vực không chỉ tạo ra động lực tăng trưởng bền vững mà còn góp phần hình thành các chuỗi giá trị sản xuất hiện đại, tăng tính kết nối và sức cạnh tranh cho toàn vùng. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược rõ ràng nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, Ấn Độ sang Đông Nam Á, đưa TP.HCM trở thành điểm đến hàng đầu nhờ lợi thế quy mô, hạ tầng và chính sách cởi mở.

Theo ông Alexander Ziehe, TP.HCM cần triển khai các biện pháp cải cách hành chính quyết liệt hơn nữa, đồng thời đầu tư đồng bộ cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc liên vùng, vành đai kết nối, metro và tàu điện đô thị. Đây là giải pháp then chốt giúp giảm áp lực giao thông, nâng cao năng lực vận tải, từ đó tạo thuận lợi cho tăng trưởng.

Song song đó, thành phố cần ưu tiên quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đại tích hợp với các khu đô thị thông minh. Đây là nền tảng quan trọng giúp TP.HCM thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và hình thành các chuỗi giá trị sản xuất, dịch vụ liên kết chặt chẽ giữa các địa phương.

TP.HCM cũng cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho DN khởi nghiệp, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là lao động kỹ thuật, chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính. Đây là yếu tố nền tảng lâu dài để xây dựng môi trường đầu tư bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của thành phố với các trung tâm kinh tế lớn như Singapore hay Bangkok.

Giới chuyên gia nhận định, nếu TP.HCM triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trên, thành phố hoàn toàn có thể vươn lên thành điểm đến đầu tư hàng đầu Đông Nam Á, sánh ngang các trung tâm tài chính, công nghệ lớn trong khu vực. Tuy nhiên, đi kèm với đó là thách thức không nhỏ về điều phối chính sách, quản lý đô thị và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính. Bài học từ các đô thị thành công cho thấy, chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ Trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng DN, cùng quyết tâm cải cách mạnh mẽ, TP.HCM mới tận dụng hiệu quả các cơ hội từ việc mở rộng địa giới.

Do vậy, sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, sự quyết tâm của chính quyền TP.HCM cùng sự chung tay của cộng đồng DN trong và ngoài nước là yếu tố then chốt giúp thành phố hiện thực hóa mục tiêu, biến "cơ hội vàng" từ mở rộng địa giới thành động lực thúc đẩy thu hút đầu tư. Để làm được điều đó, TP.HCM cần duy trì sự ổn định chính sách, đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, đồng thời linh hoạt trong điều hành để biến thách thức thành cơ hội, phát huy tối đa lợi thế từ quá trình hợp nhất địa giới.

Với quyết tâm chính trị cao, tầm nhìn chiến lược và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, TP.HCM hoàn toàn có thể tận dụng tốt "cơ hội vàng" này để bứt phá, trở thành động lực phát triển mới của Việt Nam, trung tâm kinh tế - sáng tạo hàng đầu khu vực và hình mẫu cho mô hình liên kết vùng hiện đại, hiệu quả, bền vững.

Hồng Nga

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-mo-rong-dia-gioi-don-bay-moi-cho-moi-truong-dau-tu-quoc-te-bai-1-319826.html