Lượng sách mới nhiều gây tồn đọng, hỗn loạn kho sách ở Pháp
490 tiểu thuyết mới! Sự phong phú của các ấn phẩm văn học mới cũng hứa hẹn tình trạng tồn kho của nhiều tác phẩm. Các nhà xuất bản đang tìm cách hạn chế mớ lộn xộn này.
“Mùa văn học” là cách người Pháp gọi thời gian các nhà xuất bản sản xuất sách văn học ồ ạt, thường diễn ra vào cuối tháng 8. Năm nay, tính đến tháng 10, nước Pháp đón nhận tới 490 tác phẩm văn học.
Thị trấn Lagny-sur-Marne (Seine-et-Marne), nhà kho khổng lồ của Sodis - nhà phân phối lớn thứ ba nước Pháp - đang rơi vào tình trạng hỗn loạn: người và máy cùng hoạt động hết công suất để giao hàng kịp thời gian.
Hàng loạt tác giả mới, tác phẩm mới được chuyển đến các hiệu sách, giới thiệu đến bạn đọc. Nghe có vẻ hứng khởi, nhưng “mùa văn học” cũng tồn tại mặt tối. Đó là tình trạng nhiều sách tồn kho bị trả về, sau đó bị nghiền nát trong một cỗ máy lớn, ồn ào và bạo lực. Dĩ nhiên, đây là một chủ đề mà chẳng nhà xuất bản nào thích bàn tới.
Trong thời đại chuyển đổi xã hội khi mà cả thế giới đang tìm cách sử dụng tài nguyên hợp lý hơn để bảo vệ môi trường, việc trung bình mỗi năm có 42.229 tấn sách được trả về nhà phân phối là một vết nhơ. Pascal Lenoir - Chủ tịch ủy ban môi trường của SNE (Hội Xuất bản quốc gia Pháp) kiêm giám đốc sản xuất tại Nhà xuất bản Gallimard - nhận xét: “Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải tránh lãng phí quá nhiều giấy, vì điều này làm lãng phí năng lượng, thứ mà vốn đang ngày một cạn kiệt”.
Logic sản xuất thừa của ngành xuất bản Pháp
Trong kho hàng, những cuốn sách bán ế sẽ được tập hợp lại rồi đưa vào băng chuyền cơ học. Sẽ có người kiểm tra lại lần cuối bằng cách đưa sách qua máy quét mã vạch. Số phận của những cuốn sách ấy sẽ được quyết định chỉ trong vài giây quét mã, xem liệu chúng còn cơ hội bày bán được nữa không hay sẽ được đem đi “tái chế”.
Theo một khảo sát của SNE vào tháng 10/2021, 5,4% sách tồn kho bị trả lại để tái nhập kho, trong khi 13,2% - tương đương 26.300 tấn - bị đem đi nghiền thành giấy tái chế, bìa đóng gói hoặc thậm chí… giấy vệ sinh.
Ông Gaëtan Ruffault, Giám đốc chịu trách nhiệm vấn đề xã hội và môi trường của Nhà xuất bản Hachette Livre, chia sẻ: "Để hạn chế hiện tượng này, chúng tôi đã đưa ra một số sáng kiến nhằm tối ưu hóa khả năng tái chế của sách, như là thiết kế sách một cách sinh thái hơn”.
“Dĩ nhiên, mọi thứ đều tái chế được, nhưng vẫn có những giá trị bị phá hủy. Để sản xuất sách, chúng ta đốn hạ cây, để trồng cây, chúng ta sử dụng rất nhiều nước…”, ông Thomas Bout, Giám đốc Nhà xuất bản Rue de l’Echiquier cho biết. Theo Cục Quản lý tài nguyên nước Quốc tế, để làm ra 1 kg giấy cần đến 500 lít nước.
Tại Nhà xuất bản Gallimard, người ta đem phần lớn sách bìa mềm tồn kho đi nghiền tái chế. Ông Pascal Lenoir lập luận: “Tiền lưu trữ sách cũ sẽ tốn kém hơn việc sản xuất sách mới”.
Về phía Nhà xuất bản Hachette, ước tính rằng 50% sách bán ế sẽ bị đem vào máy nghiền. Ngành xuất bản được xây dựng dựa trên logic sản xuất thừa, sản xuất số lượng lớn với hai mục tiêu: tăng độ phủ sóng và giảm chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị.
Trong năm 2021, 554 triệu cuốn sách đã được sản xuất theo logic này. Một số lượng khổng lồ tương tự trong nhiều năm, duy có năm 2020 trở thành một ngoại lệ: do đại dịch Covid-19 mà ngành chỉ in ra hơn 400 triệu cuốn.
Để tránh tình trạng sách bị trả về kho quá nhiều, các nhà xuất bản yêu cầu bên phân phối tự chọn số lượng bản in. Ông Jean-Charles Grunstein, Giám đốc thương mại chuyên dòng sách văn học của Nhà xuất bản Gallimard, nhận xét đây là một ý tưởng tuyệt vời, có tính thực tiễn.
Sự thừa mứa không còn là logic
Nghiền và tái chế sách tồn kho một cách có tính toán có thể chừa chỗ cho những hiện tượng bán chạy bất ngờ về sau. “Lưu giữ sách tồn kho đôi khi cũng tiện vì khi cần thì người ta không phải in lại nữa”, ông Jean-Charles Grunstein giải thích.
Tại Nhà xuất bản Gallimard, hiện tượng bán chạy bất ngờ thường là các tác phẩm đoạt giải, đơn cử như Giải Goncourt 2020 cho tiểu thuyết L’Anomalie của Hervé Le Tellier: ban đầu, không ai nghĩ tác phẩm này có thể vượt ngưỡng 1 triệu bản bán ra. Sau khi cuốn sách đoạt giải Goncourt, một cơn sốt dấy lên. Để đáp ứng nguồn cầu tăng đột biến, nhà phân phối buộc phải khẩn trương tái bản L’Anomalie.
Sự thừa mứa không còn là logic nữa: ngược lại, các nhà xuất bản mới tính toán số bản in hợp tình hợp lý hơn. Nhà xuất bản Panthera trong năm đầu tiên hoạt động chỉ cho phát hành 8 tựa sách và in giới hạn khoảng 1.500-2.500 bản mỗi tựa.
Trưởng phòng biên tập của Nhà xuất bản Panthera, bà Céline Lefeuvre, cho biết bà từng làm việc trong bộ phận phân phối của Nhà xuất bản Flammarion và ngay từ khi bắt đầu công việc, bà đã đau đáu, muốn giải quyết vấn nạn sản xuất thừa mứa rồi đem vào máy nghiền để tái chế của ngày. “Chúng ta đang nói về sự thừa mứa cả về lượng lẫn về chất. Thử hỏi có bao nhiêu tựa sách na ná nhau được bày bán tại hiệu sách?”, bà Lefeuvre nói với tờ Le Monde.
Còn có một giải pháp khác được Nhà xuất bản Rue de l’Echiquier áp dụng, bên cạnh việc hạn chế khối lượng biên tập, các đơn vị còn có thể đem tặng lại các sách tồn kho cho tổ chức từ thiện Emmaüs. Theo bà Isabelle Le Camus de Lagrevol, đại diện của Hiệp hội phân phối sách Pháp ngữ quốc tế Adiflor, đây là một giải pháp đang dần được nhiều đơn vị áp dụng. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn còn lâu mới trở thành thông lệ. Bà Isabelle Le Camus de Lagrevol cho biết: “Đối với các nhà xuất bản, ném sách tồn kho vào máy nghiền vẫn đơn giản hơn”.