Lương Sơn (Hòa Bình): Hoàn thiện quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu, cụm công nghiệp
Với vị trí tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận lợi, huyện Lương Sơn hội tụ nhiều tiềm năng để trở thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp trọng điểm của tỉnh Hòa Bình. Thời gian qua, UBND huyện đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của tỉnh, các nhà đầu tư thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Hoàn thiện quy hoạch các khu, cụm công nghiệp
Báo cáo của UBND huyện Lương Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 3 khu công nghiệp (KCN) và 2 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập. Trong đó, 3 KCN gồm KCN Lương Sơn, KCN Nam Lương Sơn và KCN Nhuận Trạch. 2 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp xóm Rụt, xã Tân Vinh và cụm công nghiệp Hòa Sơn.
Cụ thể, KCN Lương Sơn có tổng diện tích 83,08ha. Hiện có 43 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động trong KCN với tổng số trên 13.400 lao động; có 16 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây cũng là KCN duy nhất của huyện Lương Sơn đã hoàn thiện hạ tầng và đi vào hoạt động. Hàng năm, KCN có đóng góp quan trọng vào giá trị xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
KCN Nam Lương Sơn được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2495/QĐ-UBND ngày 30/12/2010 với tổng diện tích 204,2 ha, nằm trên địa bàn các thôn: Ao Kềnh, Quán Trắng, Lộc Môn, Bến Cuối, Xóm mái, Xóm Chũn, Xóm Lạt. Dự án có đường Hồ Chí Minh đi qua; trong khu vực quy hoạch dự án có Nhà máy Xi măng Trung Sơn có công suất hơn 3,3 triệu tấn/năm; Công ty Xi măng Vĩnh Sơn có công suất 2,9 triệu tấn/năm và Nhà máy kem Hồng Linh.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Anh - Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Lương Sơn, hiện nay, tổng diện tích đất đã giải phóng mặt bằng (GPMB) sạch trong khu vực quy hoạch KCN là 91,95ha. Đất đã GPMB xong, đang làm thủ tục giao là 11,32ha. Tổng diện tích đất đã đền bù sạch là 103,27ha. KCN vẫn còn gần 100ha chưa GPMB. Quá trình điểu chỉnh quy hoạch KCN Nam Lương Sơn còn gặp phải một số khó khăn như khu vực dự kiến quy hoạch có nhiều đất vườn, gần 1.000 ngôi mộ… Ban Quản lý KCN tỉnh đã nhiều lần tổ chức họp với các sở ngành, UBND huyện, xã Liên Sơn, nhưng vẫn chưa thống nhất do khó khăn trong công tác GPMB, bố trí tái định cư.
Cùng với 2 KCN trên, KCN Nhuận Trạch được quy hoạch diện tích 213,68ha tại xã Nhuận Trạch và xã Cư Yên. Dự án được triển khai từ ngày 8/7/2022. UBND huyện Lương Sơn đã, đang thực hiện công tác GPMB 111ha trên địa bàn xã Nhuận Trạch, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 diện tích 34,5ha, giai đoạn 2 diện tích 76,5ha. Hiện đã GPMB mặt bằng sạch được 87,01ha, chi trả cho 502 hộ với tổng số tiền 221,49 tỷ đồng. Đối với diện tích còn lại khoảng 102ha trên địa bàn xã Nhuận Trạch và xã Cư Yên, chủ đầu tư đang hoàn thiện bản đồ trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định để gửi Phòng Sở Tài nguyên và Môi trường huyện tham mưu UBND huyện ban hành thông báo thu hồi, kế hoạch thu hồi đất và quyết định giá đất cụ thể để triển khai thực hiện công tác GPMB.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Lương Sơn đã chỉ đạo các phòng, ban của huyện và UBND các xã rà soát, khảo sát tại một số xã có quỹ đất và khả năng thu hút đầu tư, thống nhất đề xuất bổ sung quy hoạch một số KCN của huyện để hoàn thiện Chiến lược phát triển các khu, cụm công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, đồng thời tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó đã đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch mới 2 KCN với tổng diện tích 652,85ha, gồm KCN Thanh Cao tại xã Thanh Cao 215,15ha và KCN Tân Vinh tại xã Tân Vinh 437,7ha, nâng tổng số quy hoạch các KCN trên địa bàn huyện lên 5 KCN, tổng diện tích 1.153,73ha.
Đồng thời, huyện rà soát, đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch mới 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 435,83ha. Huyện cũng đã rà soát hạ tầng cụm công nghiệp phù hợp định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, phối hợp triển khai các dự án, công trình trọng điểm như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), đường Xuân Mai - Lương Sơn, đường từ Quốc lộ 6 đến KCN Nhuận Trạch… nhằm tăng cường kết nối, thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ; quyết liệt chỉ đạo các giải pháp cải cách hành chính, hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh.
Gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Lương Sơn phấn đấu là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp của tỉnh Hòa Bình, có vai trò là đầu tàu kéo theo các vùng khác phát triển. Huyện đang trong quá trình phát triển khu, cụm công nghiệp, là điều kiện quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông lâm nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trong bối cảnh đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho rằng, huyện xác định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, trong đó chú trọng quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp tại các địa phương có điều kiện thuận lợi như: Xã Thanh Cao, xã Cao Dương có vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng năm và từng thời kỳ.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, chú trọng kêu gọi và tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư, trong đó ưu tiên các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn để hình thành khả năng cung ứng chuỗi sản phẩm công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ vào địa bàn huyện.
Mặt khác, huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong việc tư vấn, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; thực hiện tốt cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tăng cường công tác quảng bá, phân tích, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm chủ lực, nguồn lực và khả năng đáp ứng của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các nền tảng số; quảng bá hình ảnh của huyện để thu hút các dự án đầu tư.
Một giải pháp quan trọng khác, theo ông Nguyễn Anh Đức, huyện sẽ chú trọng thực hiện tốt, kịp thời quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; thực hiện đúng quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất và chính sách hỗ trợ tái định cư đối với người dân trong khu vực dự án, đảm bảo phù hợp, hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại các KCN, cụm công nghiệp. Tập trung tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp. Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật có khả năng kết nối thuận lợi các tuyến giao thông quan trọng trong vùng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cũng cho rằng, để phát triển bền vững các khu, cụm công nghiệp, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là rất quan trọng. Do đó, huyện xác định thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước; lao động trong các KCN, cụm công nghiệp; đào tạo nhân lực có trình độ tiếp cận và đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số của doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp, có trình độ, kỹ năng, kỷ luật lao động ngày càng cao. Đào tạo, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho các đối tượng là nhân sự quản lý doanh nghiệp công nghiệp, thương mại.
Thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2023, huyện Lương Sơn đã thu hút được 221 dự án đầu tư, trong đó có 23 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 304,018 nghìn USD; 198 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký trên 34.452 tỷ đồng.