Lượng sức học để tránh áp lực

Sau khi hoàn thành chương trình trung học cơ sở (THCS), phần lớn phụ huynh đều mong muốn con mình sẽ tiếp tục học lên lớp 10 trung học phổ thông (THPT). Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận của các trường THPT luôn vượt quá nhu cầu thực tế, nhất là tại địa bàn thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom.

Học sinh học văn hóa kết hợp với học nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Ảnh:C.Nghĩa

Học sinh học văn hóa kết hợp với học nghề tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. Ảnh:C.Nghĩa

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết: “Hệ thống giáo dục của Đồng Nai luôn đảm bảo cơ hội tiếp tục học tập lên của học sinh sau bậc THCS nhưng sẽ có sự phân luồng dựa trên năng lực học tập của học sinh bằng nhiều giải pháp, trong đó có thi tuyển và xét tuyển”.

Còn e ngại khi học nghề

Dù lực học của con chỉ ở mức trung bình, thế nhưng chị Nguyễn Thị Kim Anh, một phụ huynh ngụ phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa), vẫn muốn cho con thi tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập dù nếu trúng tuyển, khoảng cách từ nhà chị đến trường là hơn 10km.

Khi được hỏi tại sao không lựa cho con vào học hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) vừa phù hợp với năng lực học tập của con vừa thuận tiện đi lại hơn, chị Kim Anh cho biết: “Tôi đã được nghe giáo viên chủ nhiệm của con tư vấn nhiều lần về lựa chọn vừa học văn hóa ở trung tâm GDTX, vừa học nghề. Nhưng quan điểm của tôi là chỉ những học sinh “hết đường” mới phải vào học hệ GDTX, còn tôi sẽ quyết tâm cho con học hệ THPT, không được trường công thì cũng phải học trường tư để sau này còn thi vào đại học”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng trường nghề để phân luồng học sinh hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, Đồng Nai sẽ phân luồng học sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt 50%.

Hiệu trưởng Trường THCS Quyết Thắng Mai Thị Hà (phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa) cho biết, hàng năm, nhà trường đều dành một số tiết để tư vấn cho học sinh và phụ huynh về phân luồng học sinh sau THCS, trong đó có tư vấn khá rõ sau khi học hết THCS các em có nhiều lựa chọn, trong đó có lựa chọn tiếp tục học lên bậc THPT và học hệ GDTX kết hợp với học nghề. Tuy nhiên, thực tế đa số phụ huynh vẫn lựa chọn cho con học tiếp lên hệ THPT, không thi được trường công thì cũng cố gắng học trường tư, dù học phí có trường khá cao.

Em Lê Phúc Bảo Lâm, học sinh vừa hoàn thành chương trình THCS tại Trường THCS Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) cho hay, em đang cố gắng luyện thi vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Trãi dù biết rằng lực học của mình khó cạnh tranh nổi với các thí sinh khác có học lực khá, giỏi. Lâm chia sẻ: “Em cố gắng thi vào lớp 10 do cha mẹ “bắt” thi. Nếu không đậu, em sẽ đi học văn hóa ở trung tâm GDTX kết hợp với học nghề ở một trường cao đẳng”.

Lượng sức, vẫn có nhiều cơ hội

Kể từ năm học 2022-2023 trở đi, học sinh học học hệ GDTX đã được tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 giống như với hệ THPT. Tuy nhiên, học sinh hệ GDTX sẽ không phải học quá nhiều môn như với học sinh THPT, do chương trình đã được cắt giảm cho phù hợp với năng lực của học sinh.

Ngay cả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, số môn thí sinh hệ GDTX thi cũng ít hơn so với thí sinh THPT. Cụ thể, học sinh THPT sẽ phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn tổ hợp 3 môn thì thí sinh hệ GDTX chỉ phải thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn cùng 1 bài thi tổ hợp tự chọn 2 môn. Trong trường hợp thí sinh hệ GDTX có năng lực ngoại ngữ tốt vẫn có thể đăng ký thi thêm môn này để lấy điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Võ Ngọc Thạch chia sẻ, cơ hội vào đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp THPT giữa học sinh hệ THPT và GDTX là như nhau ở cả trường công lập và tư thục. Điều quyết định đến tấm vé vào đại học vẫn là ý chí của các em trong thời gian học phổ thông dẫn đến kết quả thi và tốt nghiệp ra sao.

Ông Thạch cho rằng: “Nếu học ở mức trung bình, yếu mà vẫn cố gắng vào học THPT thì vẫn có thể vào được nhưng quá trình học sẽ rất vất vả để “chạy” theo những học sinh có lực học khá, giỏi. Đó là chưa kể có trường hợp không “chạy” theo được đành bỏ ngang, rất uổng phí thời gian”.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 Nguyễn Khánh Cường cho biết, nhiều em mới chỉ học lớp 9 vào trường vừa học văn hóa hệ GDTX và học nghề tại trường. Sau 3 năm nỗ lực, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề, khi đó đủ 19 tuổi và có thể gia nhập thị trường lao động ngay. Trong khi đó, những học sinh khác phải mất thêm 3, thậm chí 4-5 năm học nữa mới có được tấm bằng đại học nhưng cơ hội việc làm chưa chắc đã tốt hơn.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202406/luong-suc-hoc-de-tranh-ap-luc-7493501/