Lương tâm người viết...
Lương tâm có thể được hiểu là lòng lương thiện, khả năng điều chỉnh bản thân mình về phía tốt lành. Con người sinh ra vốn đã mang sẵn mầm thiện - ác, như là căn tính giống loài. Tuy vậy, người ta có thể trở nên thế nào, lại nhờ vào khả năng tu dưỡng, rèn luyện, lựa chọn.
Cổ nhân nói, nhân chi sơ tính bản thiện, rồi lại nói, nhân chi sơ tính bản ác. Bác Hồ cũng từng nhấn mạnh điều đó theo hướng chủ động, tích cực hơn: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên".
Trong cái nhìn lý tưởng, sự tốt đẹp, lương thiện nên là phẩm tính chủ đạo, cần có giữa cuộc đời, và với mỗi người. Nhà văn, trong tư cách người viết, hướng đến cộng đồng, văn hóa, xã hội, lại càng cần tạo lập và duy trì đức tính này, bởi khi tham gia vào việc sáng tạo nghệ thuật, nghĩa là nhà văn đã đảm nhận sứ mệnh của một người gieo trồng, vun đắp, tưới tẩm các giá trị nhân văn, thiện mĩ. Nhà văn không phải là kẻ (chỉ) sống cho riêng mình.
Lương tâm của người viết, trước hết là lương tâm với chính mình. Tại sao lại có thể nói như vậy? Bởi lẽ, trong phận sự một con người, một bản thể, từ khát vọng của bản thân, việc được sống là chính mình, thỏa mãn những nhu cầu đích đáng của cá nhân cần phải được xem là thứ đạo đức đầu tiên. Trong truyền thống văn chương trung đại, khi cái tôi bị khuất chìm sau những ràng buộc to lớn của giáo điều xã hội, con người không được sống là chính mình. Những cựa quậy, bung phá của Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ… có thể là cái gai trong mắt những thế lực duy trì lễ giáo.
Nhưng, hãy nghĩ mà xem, phận nữ nhi thường tình, nếu chỉ ngoan ngoãn khép mình vào tam tòng, tứ đức, cùng các khuôn mẫu định phận, sẽ chẳng có một Hồ Xuân Hương sắc sảo, đáo để, mạnh bạo khiến các bậc tu mi nam tử cũng phải kiêng nể: "Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/ Lại đây cho chị dạy làm thơ; Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài; Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu"…
Con người tài tử trong văn chương trung đại chính là mô hình được nảy sinh từ hạt mầm cá nhân, vốn luôn bị chèn ép, rấp kín. Thế nên, khi nó được thoát ra, đã tạo nên những mảnh ghép, những sắc thái đa dạng, khuấy động vẻ bình lặng "ngàn năm không di dịch" (Hoài Thanh) của văn hóa Nho giáo trong xã hội phương Đông. Sắc thái ấy có dịp được phát huy, trở thành tâm điểm của đời sống văn hóa - văn học giai đoạn cận - hiện đại.
Văn hóa phương Tây với đặc tính xem trọng con người cá nhân đã kích hoạt mầm sống cá thể, ẩn tàng trong lòng xã hội trung đại. Thơ mới, văn chương Tự Lực văn đoàn là những thành tựu cho thấy con người nói chung và nhà văn nói riêng, cần phải được sống là chính mình, sống cho mình, trong các khả năng và khát vọng mãnh liệt nhất: "Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực/ Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài/ Những cánh tay, hãy quấn riết đôi vai/ Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt/ Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt/ Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng/ Trong say sưa anh sẽ bảo em rằng/ Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm" ("Xa cách" - Xuân Diệu); "Thế nghĩa là cô là tất cả/ Cô là tất cả của riêng tôi" ("Ghen" - Nguyễn Bính)…
Con người cá thể trong văn chương cận - hiện đại tiến thêm một bước lớn để hoàn thiện chiều kích sâu thẳm của mình trong xã hội đương đại. Con người cá nhân bản thể đương đại, mang khát vọng là chính mình ngày càng mãnh liệt. Lúc này, viết như là thực hành sống. Nhà văn viết để được là mình, chính trong quá trình viết mà họ hiện diện, kiến tạo nên bản thân mình. Bởi vậy, có thể nhận ra sắc thái đa dạng, phức tạp của nhân dạng, cá tính đương đại (trên cả bình diện sinh học và văn hóa). Đặt một góc nhìn từ văn chương, lương tâm của người viết lúc này là nỗ lực sống thành thật đến tận cùng với mình.
Hữu Thỉnh, từ những năm đầu sau giải phóng, với trường ca "Đường tới thành phố", đã bày tỏ những âu lo trước cuộc đời người phụ nữ: "Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc/…/ Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền". Trong tư cách người viết, Hữu Thỉnh thành thật với suy cảm của mình về thân phận con người.
Ngay sau đó và kéo dài đến hiện thời, những tâm sự cá nhân trong thơ Dư Thị Hoàn, Ý Nhi, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Vi Thùy Linh,… trong văn xuôi của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư… cũng cho thấy nỗ lực viết bằng chính trải nghiệm bản thể, thông qua đó để phô bày thế giới riêng khác của mình: "Trong cơn mơ đói và buồn/ Các cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua/ Như dao sắc phất vào tôi ứa máu/ Tôi nấc lên câu hỏi như người sặc khói/ Rằng nếu tôi lấy họ/ Tôi sẽ ngủ với họ thế nào/…/ Các cô gái buôn chuyến đang ngoẹo đầu ngủ/ Tóc tai áo quần sặc mùi cá khô/ Giấc mơ sẽ thế nào trong giấc ngủ thế kia/… Rằng nếu tôi lấy họ/ Tôi sẽ ngủ với họ như thế nào" ("Câu hỏi cuối ngày" - Nguyễn Quang Thiều); "Những đường cong khỏa vào sóng chữ/ Em say nắng mất rồi, em say thêm nữa nhé/ Mặc cho búp hôn thụ phấn thân người" ("Say nắng" - Vi Thùy Linh),… Luận điểm cần chú trọng tại diễn giải này chính là, nếu người viết không được sống với chính mình, điều đó đồng nghĩa với việc họ không tồn tại, mất hiện hữu. Dĩ nhiên, hành động viết - sáng tạo nghệ thuật theo nghĩa thuần túy nhất sẽ không diễn ra.
Nhưng, con người luôn sống trong một môi trường, một cộng đồng - văn hóa - xã hội - lịch sử nhất định. Dẫu bối cảnh toàn cầu hóa có xóa nhòa đi nhiều đường biên hữu hình hoặc vô hình, cá nhân vẫn không thể tách rời những mối liên hệ với các hiện diện xung quanh, cấu thành nên đời sống của chính họ. Đây là bình diện thứ hai, đánh thức lương tâm người viết. Viết lúc này là hành vi kiến tạo các giá trị văn hóa, nhân văn, thiện mĩ, hướng tới cộng đồng. Điều này có những điểm sẽ trùng lên giá trị cá nhân, nhưng cũng có những điểm giao tranh, mâu thuẫn. Thế nên, lương tâm cần phải được hiện diện như là người phán xử, lựa chọn.
Văn chương nghệ thuật, đi ra từ cuộc đời, rồi lại trở về cuộc đời để bồi đắp các giá trị cao cả mà loài người ước mơ, hướng tới. Là một nhà văn, anh không thể quăng ra giữa đời một quả bom hủy diệt nhân tính, cái đẹp và những giá trị tốt lành. Nếu thế, sản phẩm của anh chỉ là một thứ tai họa mà loài người nên loại bỏ. Đành rằng, nhà văn không né tránh cái xấu, cái ác, cái tăm tối, tiêu cực; nhưng dẫu viết thế nào; cay đắng, phẫn uất ra sao, trên hành trình của sự viết vẫn thấp thoáng những chỉ dấu đưa con người về phía ánh sáng, niềm tin, sự sống.
Chẳng phải Nguyễn Huy Thiệp là một kiểu viết như vậy hay sao? Văn chương của ông lạnh lùng, tàn nhẫn, nghiệt ngã, nhưng đằng sau đó, lại là một trái tim hiền hậu dành cho cái tốt đẹp, cái thiện lành. Người phụ nữ và thiên nhiên bao dung rộng lượng, quê làng và những ký ức huyền thoại chính là hoạt lực bảo trì thế giới hư hỏng mà Nguyễn Huy Thiệp trưng ra ở mặt tiền truyện kể. Lương tâm Nguyễn Huy Thiệp dựa vào chữ "Đạo". Sống và viết có "Đạo" chính là tâm niệm bền bỉ mà ông theo đuổi, dẫu hình thức của sống - viết, nơi ông, nhiều khi khiến những kẻ cạn lòng nghi hoặc.
Người viết có lương tâm chuyên môn nghề nghiệp là không thỏa hiệp với sự dễ dãi, hời hợt, nông cạn hay cũ kĩ. Điều này, xem ra khó. Bởi lẽ, mỗi người viết là một thế giới, ở đó không ai có đủ tư cách thay mặt họ. Dẫu như thế, cũng cần tham chiếu một khía cạnh khác của lương tâm, làm nên đức hạnh của nhà văn: lương tâm đối với văn chương. Có thể hiểu lương tâm nghề nghiệp như là trách nhiệm hướng tới việc thực hành sáng tạo các giá trị nhân văn - thẩm mĩ trong tác phẩm. Bản thân sự sáng tạo đã mang lương tâm khi nó đòi hỏi cái mới, cái độc đáo, riêng biệt mang giá trị.
Nhà văn không thể ở mãi trong một mô hình mĩ học, khi nó đã cũ mòn, sáo rỗng và chai bạc ý nghĩa, giá trị. Phải liên tục "vong thân" để kiếm tìm những giá trị mới, đó là lương tâm của sáng tạo. Trong tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, ít người để ý đến một mạch tự sự, tưởng như mờ nhạt, mà kỳ thực lại gửi gắm lương tâm nghề nghiệp của tác giả. Đó là "Nỗi buồn tiểu thuyết" hay rộng hơn là "Nỗi buồn nghệ thuật". Những cũ mòn, sáo rỗng, kiểu cách, được kích hoạt thêm bởi những kẻ hợm hĩnh, bất tài mà kiêu ngạo đã mang đến thứ nghệ thuật tệ hại. Bảo Ninh thực hành một lối viết khác, như là sự phản biện và phô bày quan niệm của mình về tiểu thuyết. Có lẽ vì thế, "Nỗi buồn chiến tranh" được Diêm Liên Khoa (một tác giả nổi tiếng của văn học đương đại Trung Quốc) đánh giá là tác phẩm thể hiện tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông.
Nhà văn - người viết là người cất lên tiếng nói không chỉ của riêng mình, mà còn gửi gắm thông điệp của các hệ giá trị cá nhân - cộng đồng - thời đại và nghệ thuật. Chính vì vậy, hành vi viết, dẫu tự do đến mức nào, cuối cùng vẫn phải hướng con người đến ánh sáng của lương tri, của cái đẹp và lòng nhân ái, lương thiện. Theo nghĩa đó, lương tâm nhà văn vừa là sản phẩm của quá trình tu dưỡng rèn luyện, lựa chọn; vừa là hệ điều hành cốt lõi, giám sát hành trình sáng tạo của nhà văn.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/luong-tam-nguoi-viet--i710996/