Lương tăng rồi, giá thì sao?

Dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn, song để tiến tới hiện thực hóa mục tiêu lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, Chính phủ đã quyết định việc tăng lương theo lộ trình từ ngày 1/7 vừa qua. Người lao động mừng vì lương tăng, song cũng mong muốn Nhà nước có chính sách vĩ mô đủ mạnh để 'ghìm cương' giá!

Tôi có anh bạn đang làm quản lý ở một cơ quan hành chính sự nghiệp có thu, thuộc diện viên chức loại A3 (nhóm A3.1) đang hưởng hệ số lương 7,64 (bậc 5), nếu tính cả phụ cấp chức vụ, từ 1/7 lương mỗi tháng cũng khoảng gần 19 triệu đồng. Vì bố mẹ đã qua đời, con cái qua tuổi phụ thuộc, với mức lương này, anh thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Anh nói, dù thuộc diện nộp thuế thu nhập, song cùng với lương của vợ, tính ra tổng số lương của hai vợ chồng khoảng 35 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, sau khi trừ thuế, với giá cả hiện tại cũng như rất nhiều thứ phải chi tiêu (hiếu, hỷ, ốm đau…), lương của vợ chồng anh cũng chỉ đủ trang trải trong tháng. Đấy là hệ số lương anh cao, vì chỉ còn 5 năm nữa nghỉ hưu, mà lại còn phụ cấp chức vụ, còn nếu như những công chức, viên chức khác, lương cũng chỉ dao động 4,5 - 11 triệu đồng/tháng.

Vì vậy, một số người cho rằng, để lương tối thiểu (công chức, viên chức), lương cơ sở (công nhân lao động theo vùng) đáp ứng được nhu cầu sống tối thiếu, đầu tiên Bộ Tài chính cần tham mưu Chính phủ trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân lên mức 20 triệu đồng, thay vì mức 11 triệu đồng/tháng như hiện tại. Đồng thời, nâng tỷ lệ miễn trừ gia cảnh lên mức cao hơn. Tiếp đó, dùng công cụ thuế để quản lý nhà đất, các mặt hàng có giá trị liên quan đến thu nhập.

Còn trước mắt, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ những lĩnh vực lợi dụng việc điều chỉnh lương cơ sở để tăng giá hòng “tát nước theo mưa”. Trường hợp nào tăng giá bất hợp lý, chính quyền phải vào cuộc xử lý thật nghiêm. Đơn cử, như giá trông giữ xe tháng tại các khu chung cư, không có lý do gì “đổ lỗi” cho giá lương tăng, nên phải điều chỉnh giá trông giữ xe. Đặc biệt, phải quản lý chặt các sản phẩm, hàng hóa, mặt hàng thiết yếu như giá nhà, giá xe, giá điện, nước và một số mặt hàng trọng yếu…
Lương tăng để đáp ứng nhu cầu cuộc sống tốt hơn, nên không có lý do gì lại tăng giá các mặt hàng thiết yếu (trừ những mặt hàng hệ số phụ thuộc đầu vào khá cao). Có như thế, tăng lương mới thực sự ý nghĩa.

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/luong-tang-roi-gia-thi-sao-173412.html