Lương thấp, giảng viên phải đi buôn đất, bán hàng online để tăng thu nhập

Một số trường đại học lo ngại trước tình trạng lương thấp, không đủ sống, nhiều giảng viên dành nhiều tâm huyết hơn cho nghề tay trái sẽ khiến chất lượng giáo dục và đào tạo bị ảnh hưởng.

Nhiều giảng viên bỏ nghề vì lương thấp, áp lực lớn

Tiến sĩ Trần Trọng Đạo - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang chia sẻ về thực trạng đời sống và lương thấp của giảng viên đại học tại Chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023". Ảnh: HC

Tiến sĩ Trần Trọng Đạo - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang chia sẻ về thực trạng đời sống và lương thấp của giảng viên đại học tại Chương trình "Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023". Ảnh: HC

Tại buổi đối thoại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Trần Trọng Đạo - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang đã nêu thực trạng đời sống và vấn đề lương thấp của đội ngũ giảng viên đại học.

Theo Tiến sĩ Trần Trọng Đạo, thu nhập thấp và đời sống khó khăn khiến viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục phải đối mặt với nhiều áp lực.

"Vì vấn đề thu nhập đã dẫn đến hệ quả là không ít viên chức, người lao động công tác tại trường đại học xin thôi việc, thậm chí có cả những người có trình độ cao cũng xin chuyển công tác để ra làm ngoài tại các doanh nghiệp. Hay những người học ở nước ngoài xong lại không muốn về trường làm việc", Tiến sĩ Trần Trọng Đạo chia sẻ.

Lương thấp và không đủ sống, giảng viên phải dành nhiều tâm huyết hơn cho nghề tay trái

Điều lo lắng hơn là những người đang tiếp tục công tác trong ngành Giáo dục nhưng lại dành thời gian, trí tuệ và tâm huyết để làm việc khác ngoài công việc giảng dạy như buôn bán bất động sản và bán hàng online.

Kết quả là công việc chính đem lại thu nhập phụ, trong khi công việc phụ đem lại thu nhập chính cho nhiều viên chức và người lao động trong ngành Giáo dục.

"Trong khi việc chính cần nhiều thời gian, tâm huyết để đầu tư nhưng nhiều viên chức không làm được. Hệ quả tất yếu là ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo", Tiến sĩ Trần Trọng Đạo khẳng định.

Giải pháp cải thiện mức lương và đời sống cho giảng viên

Từ thực trạng trên, đại diện Trường Đại học Nha Trang đề xuất tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hai giải pháp về chính sách tiền lương và chính sách vay ưu đãi tín dụng dành cho những người công tác trong lĩnh vực giáo dục.

Về đề xuất cần có bảng lương riêng cho nhà giáo, Tiến sĩ Trần Trọng Đạo thừa nhận đây là điều rất khó vì nguồn lực của Nhà nước có hạn, trong khi mức lương giảng viên cần phải tương quan với các ngành nghề khác.

"Nhưng giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, do đó vẫn nên được ưu tiên", Tiến sĩ Trần Trọng Đạo đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Đạo cũng kiến nghị cần có chính sách vay vốn ưu đãi đối với giáo viên, được thực hiện thông qua hệ thống các ngân hàng.

"Nhà nước có thể cho viên chức vay vốn mua đất, làm nhà, đi học, thậm chí cho vay để mua xe hơi hoặc làm nhiều việc khác. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết nhu cầu đời sống cơ bản của giảng viên. Nếu giáo viên phải vay lãi suất cao trong khi lương thấp sẽ không thể giải quyết được cơ bản đời sống viên chức trong bối cảnh hiện nay", Tiến sĩ Trần Trọng Đạo nói.

Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Trọng Đạo cũng cho hay: "Hiện nhiều viên chức trẻ trong ngành Giáo dục phải đi vay ngân hàng với lãi suất rất cao".

Trả lời đại diện Trường Đại học Nha Trang, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết cả hai đề xuất đều cần thời gian và là "câu chuyện của tương lai".

"Về mong muốn thì ai cũng mong các giảng viên có một mức thu nhập sống được và sống đàng hoàng. Chủ trương tiến tới ngành Giáo dục được hưởng mức lương cao nhất trong bảng lương viên chức khối đơn vị sự nghiệp công lập. Định hướng là vậy nhưng còn phải làm việc nhiều nữa.

Với đại học tự chủ, nguồn lực khá lên, có thể có thu nhập tăng thêm cho giảng viên đỡ phần khó khăn.

Với vấn đề cho vay tín dụng ưu đãi dành cho viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục, phải làm việc với ngân hàng, xem ra vẫn phiền phức", ông Nguyễn Kim Sơn hồi đáp.

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/luong-thap-giang-vien-phai-di-buon-dat-ban-hang-online-de-tang-thu-nhap-179230816142738779.htm