Lượng thí sinh xét tuyển bằng chứng chỉ SAT vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tăng gần 2,5 lần
Lượng thí sinh xét tuyển bằng chứng chỉ SAT vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tăng gần 2,5 lần so với năm 2023.
Năm 2023, số thí sinh đăng ký xét tuyển bằng chứng chỉ SAT tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ khoảng hơn 600. Tuy nhiên, năm 2024, số thí sinh nộp đăng ký xét tuyển bằng chứng chỉ SAT tăng xấp xỉ 2,5 lần so với năm 2023. Với 1.500 thí sinh nộp hồ sơ nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ có khoảng 5% tổng chỉ tiêu, điểm chuẩn SAT vào trường cũng tăng mạnh.
Điểm trúng tuyển ngành thấp nhất năm nay là 1.310, năm ngoái là 1.200. Có 9 ngành lấy điểm SAT từ 1.500 trở lên. Năm ngoái, chỉ có duy nhất 1 ngành lấy điểm chuẩn 1.500 là ngành Kinh doanh quốc tế.
Nhiều ngành tăng điểm chuẩn từ 40-90 điểm như Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Phân tích kinh doanh (BA), Kinh tế quốc tế, Kiểm toán, Marketing… Trong 66 ngành, chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ có 7 ngành lấy điểm chuẩn SAT ở mốc 1.300-1.400 gồm: Kinh tế nông nghiệp, Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản lý đất đai, Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh, Quản trị chất lượng và đổi mới, Quản lý công và chính sách, POHE - Quản lý thị trường.
Tại Đại học Bách Khoa, số hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng chứng chỉ SAT kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ IELTS cũng tăng mạnh khiến điểm chuẩn theo phương thức này tăng "phi mã".
Năm ngoái, để trúng tuyển vào hai ngành IT1 (Khoa học máy tính) và IT-E10 (Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo) của Đại học Bách Khoa bằng SAT, thí sinh cần đạt 1.500 điểm - mức điểm thuộc top 1% thế giới.
Tuy nhiên năm nay, Đại học Bách Khoa cho phép thí sinh cộng điểm thưởng chứng chỉ ngoại ngữ vào điểm SAT. Do đó, điểm chuẩn hai ngành nói trên tăng lên 1.630, tức thí sinh phải đạt tối thiểu 1.550 điểm SAT kết hợp IELTS tối thiểu 7.0 (được quy đổi sang điểm 80 để cộng vào điểm SAT) mới trúng tuyển.
Với các ngành Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ thông tin Việt Nhật, Công nghệ thông tin global ICT và An toàn không gian số, điểm trúng tuyển là 1.580. Với mức điểm này, thí sinh cần đạt tối thiểu SAT 1.500 kết hợp IELTS 7.0.
Để được nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức này, thí sinh cần có điểm trung bình chung học tập từng năm lớp 10, 11, 12 từ 8,0 trở lên.
Ngoài ra, phần toán của bài thi SAT không được dưới 600 điểm ở tất cả các ngành/chương trình. Trong đó, có 7 ngành yêu cầu điểm toán từ 750 trở lên.
Còn Trường Đại học Thương Mại cho biết, không có thí sinh nào trúng tuyển bằng phương thức SAT/ACT vào trường, một phần do số thí sinh dự tuyển không đáng kể.
SAT (viết tắt của Scholastic Aptitude Test) là một trong những kỳ thi chuẩn hóa phổ biến, được các trường đại học Mỹ và một số các quốc gia khác sử dụng kết quả để xét tuyển sinh viên. SAT là một bài thi chuẩn hóa được tổ chức bởi College Board với hai mục tiêu chính: kiểm tra những gì học sinh đã học ở cấp ba, và kiểm tra độ sẵn sàng của học sinh cho Đại học.
Từ năm 2024, tất cả các quốc gia trên thế giới đều sử dụng chung bài thi SAT trên máy tính. Thời gian thi SAT ngắn hơn, thay vì thi ba giờ như hình thức cũ, kỳ thi SAT sẽ chỉ kéo dài trong hơn hai giờ. SAT bao gồm hai phần: đọc - viết và Toán. Mỗi phần sẽ được chia ra làm hai module và độ khó của module sau sẽ phụ thuộc vào kết quả bài làm ở module trước của thí sinh.
Tỷ lệ thí sinh sử dụng chứng chỉ SAT để xét tuyển vào đại học ngày càng tăng. Việc các trường ngày càng chuộng xét tuyển SAT cũng là một trong những nguyên nhân khiến các thí sinh đổ xô đi học lấy chứng chỉ, thậm chí nó còn được thần thánh hóa ví như "tấm vé vàng" vào đại học.