Lượng tiền người dân gửi vào ngân hàng tăng kỷ lục
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dữ liệu về tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế vào hệ thống các ngân hàng thương mại tính đến cuối quý 3 vừa qua. Lượng tiền cá nhân gửi tăng tới 6,5% so với đầu năm, tiền các tổ chức gửi vào tăng 3,43%.
Khi lãi suất ngân hàng duy trì mức thấp, các bình luận thường thấy là dù lãi suất thấp, lượng tiền gửi vẫn tăng. Điều đó cho thấy người dân và doanh nghiệp không còn tha thiết với đầu tư, quyết gửi vào ngân hàng, lấy lãi, dù ít ỏi.
Khi lãi suất bắt đầu tăng hơn, những bình luận lại trở thành: Lãi suất tăng, tiền gửi đạt kỷ lục.
Dữ liệu cho thấy hầu như mỗi tháng, số tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng thêm, trừ vài tháng đặc biệt.
Thực ra, việc tăng tiền gửi đó không nói lên điều gì, không cho thấy hành vi của người dân phản ứng với lãi suất. Do đó, không có việc vì lãi suất tăng mà tiền gửi tăng, hay là dù lãi suất thấp mà tiền gửi vẫn tăng.
Ví dụ bạn không có tiền, bạn vay của ngân hàng 1 tỷ đồng để đầu tư bất động sản, cụ thể là mua một miếng đất. Người bán đất cho bạn là X, họ thu 1 tỷ về, họ lại gửi ở ngân hàng. Như vậy, ngân hàng ghi nhận tiền gửi 1 tỷ đồng.
Như vậy, dù hành vi của X là như thế nào, giữ nguyên tiền ở ngân hàng, hay đi đầu tư tiếp, thì tiền gửi ngân hàng vẫn là 1 tỷ đồng. Như vậy, từ 1 tỷ của bạn đi vay ngân hàng, một ngân hàng khác đã có khoản tiền gửi tương đương. Rõ ràng các chủ thể kinh tế như bạn hay X, đều không có ý định tiết kiệm tiền lấy lãi. Nói cách khác, dù lãi suất như thế nào, thì số tiền đó cũng chảy trong hệ thống ngân hàng là chính. Rất ít tiền chảy ra ngoài hệ thống.
Khi nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư, vòng quay của tiền sẽ nhanh hơn. Thời gian giữa các quyết định đầu tư, mua bán của bạn hay của X sẽ rút ngắn lại.
Những phân tích nói trên không chỉ là câu chuyện số má bởi chúng ta thường nhìn vào dữ liệu đó để đánh giá môi trường kinh doanh, cơ hội kinh doanh và ra quyết định đầu tư. Nếu đọc sai thông điệp từ giá trị tiền gửi của người dân, thì nhận định nhầm lẫn là khó tránh khỏi.
Với thông tin lượng tiền gửi của người dân, cần đánh giá riêng lẻ cho từng ngân hàng, để đo lường sức hấp dẫn của các ngân hàng, hay đánh giá tỷ lệ CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn). Từ đó ra quyết định mua/bán với cổ phiếu từng ngân hàng.