Lượng virus SARS-CoV-2 ở ca không triệu chứng như ca có triệu chứng

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Incheon, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

* Kiểm tra thân nhiệt không phải là công cụ hiệu quả để chặn COVID-19

Theo một nghiên cứu của Hàn Quốc mới được công bố, lượng virus tìm thấy trong dịch mũi, họng và phổi của những người nhiễm virus SARS-CoV-2 là ngang nhau dù họ có triệu chứng hay không có triệu chứng.

Nghiên cứu, công bố trên chuyên san JAMA Internal Medicine, cũng cấp thêm những bằng chứng quan trọng cho giả thuyết rằng những người bệnh COVID-19 không triệu chứng cũng có thể là nguồn lây lan virus.

Tới nay, giới chuyên gia vẫn tin rằng chính việc tiếp xúc với những người bệnh không triệu chứng là nguyên nhân dẫn tới những ca bệnh không rõ nguồn gốc.

Đội nghiên cứu do chuyên gia Seungjae Lee, từ Trường dược thuộc đại học Soonchunhyang đã phân tích các mẫu gạc lấy dịch xét nghiệm, thu thập trong giai đoạn từ 6-26/3, của 303 người được cách ly tại trung tâm Cheonan.

Nhóm này có độ tuổi từ 22-36, trong đó 2/3 là nữ giới. Trong số nay, 193 người nhiễm bệnh có triệu chứng và 110 người không có triệu chứng.

Trong số những người ban đầu được kết luận là không có triệu chứng thì có 89 người không phát triệu chứng trong toàn bộ quá trình mắc bệnh. Tất cả đều được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ từ ngày thứ 8 được cách ly.

Các kết quả đều cho thấy các chỉ số về lượng vật liệu gene của virus được phát hiện ở các đường hô hấp trên hay các đường hô hấp dưới là tương đương. Ở những người không phát triệu chứng, khoảng thời gian trung bình kể từ khi được phát hiện dương tính với virus cho tới khi âm tính trở lại là 17 ngày trong khi ở nhóm có triệu chứng là 19,5 ngày.

Các tác giả cho rằng những kết quả trên cung cấp những bằng chứng sinh học phần nào ủng hộ các báo cáo về tình trạng lây nhiễm không triệu chứng. Tuy nhiên, các giả lưu ý, nghiên cứu trên mới chỉ xem xét đến sự tồn tại các vật liệu gene của virus trong dịch xét nghiệm, không xem xét những yếu tố có thể giúp khẳng định sự lây lan của virus.

* Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, một số chuyên gia Canada cho rằng việc kiểm tra thân nhiệt, mặc dù được nhiều nước áp dụng rộng rãi, nhưng không phải là công cụ sàng lọc hiệu quả đối với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Colin Furness, chuyên gia nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto, nhận định biện pháp sàng lọc này hoàn toàn không hiệu quả, khi người mang virus SARS-CoV-2 có thể truyền bệnh trước khi có triệu chứng.

Ngoài ra, những người bị ốm vì các bệnh khác (không phải vì COVID-19) cũng có thân nhiệt tăng. Nếu người bệnh muốn lên máy bay, họ có thể dùng 1 liều thuốc hạ sốt Tylenon và dễ dàng “lọt qua” cửa kiểm tra thân nhiệt.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) của Mỹ cũng khuyến nghị rằng ngay cả khi các thiết bị đo nhiệt độ được sử dụng đúng, việc đánh giá thân nhiệt có thể chỉ có tác động hạn chế đối với việc giảm nguy cơ lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Theo thông báo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Marc Garneau, bắt đầu từ cuối tháng 6 vừa qua, toàn bộ hành khách đáp các chuyến bay quốc tế đến Canada phải được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên máy bay.

Việc kiểm tra thân nhiệt đối với hành khách đi các chuyến bay nội địa tại Canada hoặc những hành khách khởi hành từ Canada đến các nước khác được triển khai tại 4 sân bay lớn nhất Canada vào cuối tháng 7 vừa qua, sau đó sẽ được mở rộng triển khai tại 11 sân bay lớn nhất Canada vào cuối tháng 9 này.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đánh giá biện pháp này là “một lớp bảo vệ” được tăng cường để làm chậm đà lây lan của dịch COVID-19. Theo trang worldometers.info, Canada đã ghi nhận 119.404 trường hợp nhiễm COVID-19, với 8.981 ca tử vong.

Tính đến thời điểm hiện nay, Canada đã xét nghiệm COVID-19 cho hơn 4,3 triệu người. Trong tuần qua, tính trung bình mỗi ngày có khoảng 48.360 người được xét nghiệm, với tỉ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 là 1%.

L.H (tổng hợp từ Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/243277/luong-virus-sars-cov-2-o-ca-khong-trieu-chung-nhu-ca-co-trieu-chung.html