'Luồng xanh' vận tải: Tiếp sức kịp thời cho doanh nghiệp
Trong những ngày giãn cách xã hội, chủ trương mở 'luồng xanh' đã giúp các DN duy trì lưu thông, phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu. Chủ trương này là nguồn lực hỗ trợ rất lớn cho cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh, DN vận tải lẫn người dân vượt qua đại dịch Covid-19.
Nỗ lực của toàn hệ thống
Cuối tháng 7 vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước, nhiều biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt đã được áp dụng tại hầu khắp các tỉnh, TP. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và vận tải nói chung gặp rất nhiều khó khăn do phải tạm ngưng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu để đứt gãy chuỗi cung ứng, các đơn vị sản xuất sẽ bị dồn đến bờ vực sụp đổ, người dân cũng sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu thốn hàng hóa, nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, DN vận tải cũng sẽ phải “treo” phương tiện do không có đầu vào, không lưu thông được giữa các địa phương.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, ban, ngành liên quan đã đề ra chủ trương rất kịp thời, đó là mở “luồng xanh” vận tải, ưu tiên cho việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa. Từ ngày 24/7, Bộ GTVT, Sở GTVT các địa phương đã tiếp nhận đăng ký “luồng xanh”. Hàng trăm ngàn phương tiện đã được cấp mã nhận diện, nhiều DN, cá nhân hoạt động vận tải hàng hóa được hướng dẫn khi gặp vướng mắc trong thủ tục.
Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho đến cuối tháng 8 vừa qua đã có trên 380.000 xe được cấp mã nhận diện “luồng xanh”. Trong quá trình cấp cũng như kiểm tra trên đường, nhiều thủ tục đã được giảm thiểu để tạo thuận lợi tối đa cho DN. Đặc biệt, việc cấp mã “luồng xanh” có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn, người có nhu cầu không phải đến các đơn vị quản lý xếp hàng dài, tập trung đông, đảm bảo giãn cách xã hội. Tại các chốt kiểm soát giao thông đều có làn đường dành riêng cho xe “luồng xanh”, hạn chế xảy ra ùn ứ xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ.
Quá trình áp dụng quy định về thực hiện “luồng xanh” vận tải cũng phát sinh không ít khó khăn do cách vận dụng của các địa phương khác nhau hoặc do nghẽn mạng, xét cấp không kịp lượng đăng ký quá lớn, thậm chí có cả hiện tượng tiêu cực, trục lợi. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã bám sát tình hình, kịp thời có các hướng dẫn, yêu cầu thống nhất quy định, thủ tục cấp “luồng xanh” trên cả nước. Bộ Công an cũng đã điều tra, phát hiện, khởi tố các cá nhân trục lợi từ việc cấp mã nhận diện.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết thêm: “Để đáp ứng tối đa nhu cầu của DN, cá nhân kinh doanh vận tải, Sở đã huy động hơn 40 nhân sự, làm việc suốt ngày đêm để tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ đăng ký “luồng xanh” vận tải”.
Ứng cứu kịp thời
TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân phân tích, việc mở “luồng xanh” vận tải hàng hóa là chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cả nền sản xuất, hệ thống vận tải lẫn người dân cực kỳ bối rối. “Mở “luồng xanh” lưu thông hàng hóa là mở một huyết mạch giúp duy trì sức sống cho cơ thể của nền kinh tế. Quyết sách độc đáo đó đã được các DN và người dân đánh giá rất cao” - TS Đặng Minh Tân nói.
Lãnh đạo Công ty TNHH Vận tải Minh Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Nhờ có “luồng xanh” mà đơn vị chúng tôi đã hoàn thành được các hợp đồng dở dang, duy trì được phần nào hoạt động cũng như thu nhập cho người lao động. Có thể nói “luồng xanh” là cứu cánh cho cả đơn vị sản xuất hàng hóa, DN vận tải lẫn người dân, người lao động”.
Tuy nhiên, từ những bất cập trong việc tổ chức, quản lý vận tải khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thời gian qua, có thể thấy nền kinh tế nói chung và hệ thống GTVT nói riêng còn đang thiếu những biện pháp dự phòng, kịch bản cụ thể ứng phó với tình huống khẩn cấp, đột xuất trên quy mô toàn quốc. TS Đặng Minh Tân nhận định: “Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ban, ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm từ thực tiễn, xây dựng hệ thống chính sách, cơ chế nhằm áp dụng trong mọi tình huống, chủ động hơn biện pháp để vừa ứng phó, kiểm soát rủi ro, vừa duy trì hoạt động kinh tế - xã hội”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chủ trương thực hiện “luồng xanh” vận tải cần được tổng kết, hoàn thiện hơn nữa, đưa vào danh mục các biện pháp khẩn cấp để áp dụng nếu trong tương lai gặp những vấn đề tương tự như dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, việc mới chỉ áp dụng “luồng xanh” trong vận tải hàng hóa cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu lưu thông, vận chuyển của người dân trong thời kỳ giãn cách xã hội. Dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, nhưng các biện pháp ứng phó vẫn rất cần phải hoàn thiện hơn để chuẩn bị cho những tình huống xấu, những rủi ro khác có thể xảy ra.
Ban đầu đúng là có một số khó khăn trong việc đăng ký và cấp mã nhận diện xe “luồng xanh”. Tuy nhiên, đó là điều tất yếu khi một chủ trương mới hoàn toàn được gấp rút xây dựng và áp dụng trong thực tế. Điều quan trọng là những vướng mắc đã được điều chỉnh kịp thời, tạo điều kiện cho xe vận tải hàng hóa lưu thông thông suốt giữa các địa phương.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/luong-xanh-van-tai-tiep-suc-kip-thoi-cho-doanh-nghiep-437794.html