Lương y của bản

PTĐT - Trình độ y khoa, trang thiết bị kỹ thuật còn nhiều hạn chế nhưng từ hiệu quả công việc qua nhiều năm gắn bó với địa bàn vùng cao, các nhân viên y tế thôn bản...

Cán bộ trạm y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân bản Cọ Sơn 1 cách phòng, chống dịch bệnh.

Cán bộ trạm y tế tuyên truyền, hướng dẫn người dân bản Cọ Sơn 1 cách phòng, chống dịch bệnh.

PTĐT - Trình độ y khoa, trang thiết bị kỹ thuật còn nhiều hạn chế nhưng từ hiệu quả công việc qua nhiều năm gắn bó với địa bàn vùng cao, các nhân viên y tế thôn bản vẫn khắc sâu trong tâm trí người dân xã Thu Ngạc (huyện Tân Sơn) hình ảnh đẹp về những lương y luôn tận tâm, cần mẫn với tình cảm, tinh thần trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, nâng cao nhận thức người dân nơi đất khó.

Trong tiết nắng tháng 7 gay gắt, chúng tôi theo chân chị Đinh Thị Lơi - Nhân viên y tế bản Mang Hạ đến thăm khám tại các gia đình trong bản. Cũng như thường lệ, chị sắp xếp cẩn thận, ngay ngắn bông băng, gạc, thuốc sát trùng, không quên cầm theo tập tờ rơi tuyên truyền và cuốn sổ nhỏ để ghi chép. Điểm dừng chân đầu tiên là căn nhà sàn của chị Hà Thị Tình. Thăm nắm tình hình sức khỏe từng thành viên, chị Lơi thủ thỉ trò chuyện cùng chủ nhà, thông báo thời gian gần đây, do khí hậu thay đổi thất thường, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều trẻ em trong bản bị mắc bệnh chân tay miệng, một vài người dân bị tiêu chảy, chó cắn,… nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc với vật nuôi bẩn, thức ăn ôi thiu cùng môi trường sống không đảm bảo vệ sinh. Vậy nên, gia đình phải đặc biệt chú ý lựa chọn thực phẩm sạch “ăn chín, uống sôi”, vệ sinh nhà cửa, chuồng trại thường xuyên...
Cứ thoăn thoắt từ nhà này sang nhà khác, chị Lơi cần mẫn thăm hỏi từng người, phổ biến chi tiết tình hình bệnh dịch, hướng dẫn cụ thể những khu vực ẩm thấp cần được xử lý trong nhà, sử dụng dung dịch vệ sinh chuồng trại, các loại thuốc dự phòng, liều lượng sử dụng,... Nhìn bà con niềm nở đón tiếp chị như người thân trong nhà, chăm chú lắng nghe, nhiều người cẩn thận lấy giấy bút ghi chép lại, chúng tôi hiểu, những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo, lấm tấm trên khuôn mặt đỏ bừng vì nắng nóng của người nữ y tế thôn bản đã được đền đáp. Chuyến thăm khám, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh mùa hè của chị đã đạt kết quả khả quan. Cách trung tâm xã cả chục cây số đường rừng, hai xóm bản Cọ Sơn 1, Cọ Sơn 2 vốn là một khu dân cư tách ra nằm lọt thỏm trong thung lũng, bao quanh bởi những dãy núi cao vút tầm mắt. Dân bản tuyệt đại đa số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống bằng các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy. Từ ngày có đường giao thông, điện lưới Quốc gia, cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện, nâng cao, nhận thức về việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhân viên y tế bản cùng cán bộ Trạm y tế xã Thu Ngạc đến tận hộ gia đình thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và tuyên truyền kiến thức phòng, chống dịch bệnh, xây dựng môi trường sống hợp vệ sinh.

Nhân viên y tế bản cùng cán bộ Trạm y tế xã Thu Ngạc đến tận hộ gia đình thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và tuyên truyền kiến thức phòng, chống dịch bệnh, xây dựng môi trường sống hợp vệ sinh.

Anh Hà Văn Đại- nhân viên y tế thôn bản đã gắn bó hơn nửa quãng đời với vùng đất Cọ Sơn chia sẻ: “Trước đây, người dân ít có cơ hội được tiếp xúc với ti vi, báo, đài,…việc giáo dục sức khỏe hay chữa bệnh chỉ mang tính tự phát. Họ sử dụng nước sinh hoạt từ khe suối, chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn,… Nhiều gia đình còn mê tín dị đoan, cho rằng bị bệnh là do “ma bắt”, tin lời thầy cúng đuổi ma, bán trâu, bán bò, dốc hết tiền bạc vào cúng bái, rồi đến khi tiền mất, tật mang, nghèo lại càng thêm nghèo”. Cách xa với trạm y tế xã nên việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe người dân Cọ Sơn luôn được chính quyền xã và đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế đặc biệt quan tâm chú trọng. Bất kể thời điểm nào, có thông báo người bị ốm, người bị tai nạn, nhân viên y tế bản luôn có mặt kịp thời để sơ cứu, túc trực theo dõi diễn biến bệnh nhân trước khi bác sĩ ở trạm đến thăm khám, điều trị.Anh Đại bộc bạch: “Nhiều lúc tôi không dám đi đâu xa vì sợ người dân cần mình gấp”. Để từng bước thay đổi nhận thức của người dân, nhân viên y tế bản đã tận dụng mọi khoảng thời gian tiếp cận, tuyên truyền phổ biến kiến thức bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại các buổi họp thôn, sử dụng loa phát thanh bằng cả tiếng Mường và tiếng Kinh, phát tờ rơi đến từng gia đình hướng dẫn người dân đọc và hiểu về các loại bệnh phổ biến, khi mắc bệnh phải thông báo ngay với nhân viên y tế bản, thường xuyên xuống trạm y tế xã kiểm tra sức khỏe định kỳ, vệ sinh, di dời chuồng nuôi gia súc, gia cầm tránh để vi khuẩn lây bệnh đến người...Một trong những khó khăn, thiệt thòi lớn nhất của người vùng cao là việc tiếp cận cũng như chất lượng các dịch vụ y tế. Và những nhân viên y tế thôn bản cần mẫn, tận tâm đã và đang hàng ngày, hàng giờ thu hẹp khoảng cách trong vai trò là “cánh tay nối dài” của ngành y tế. Anh Đinh Công Hạ - Trạm trưởng Trạm y tế xã Thu Ngạc khẳng định: “Trạm y tế Thu Ngạc hiện có 20 y, bác sĩ. Trong đó có 5 cán bộ y tế trạm và 15 cán bộ y tế thôn bản. Thời gian qua, đội ngũ y tế thôn bản có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyên truyền, vận động người dân phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế,… Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, hằng tháng, Trạm tổ chức 2 buổi tập huấn cho cán bộ y tế thôn bản trong công tác tuyên truyền, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cập nhật những thông tin bệnh dịch mới...”.Vẫn biết công tác chăm sóc sức khỏe vùng cao còn nhiều khó khăn, bất cập. Tuy nhiên, những việc làm thiết thực, hiệu quả thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm của nhân viên y tế thôn bản thời gian qua sẽ mãi được bà con dân bản khắc ghi, trân quý. Có chứng kiến nụ cười rạng rỡ, tình cảm nồng hậu bà con dành cho những y tế thôn bản như chị Lơi, anh Đại mới thấy đây chính là phần thưởng vô giá mà không phải ai cũng có được...

Bích Ngọc

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201907/luong-y-cua-ban-165674