Lương y Vũ Đình Chung và tấm lòng thiện nguyện

Gần 20 năm gắn bó với nghề y, trong đó có 10 năm khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cựu chiến binh (CCB), người nghèo, người có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, CCB-lương y Vũ Đình Chung, ở tổ dân phố 7, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'leo là tấm gương 'Thầy thuốc như mẹ hiền', góp phần tô thắm thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.

Từ lâu, chúng tôi đã từng nghe các CCB và cả những thầy thuốc ở tỉnh Đắk Lắk nói về lương y Vũ Đình Chung là người có chuyên môn tốt, giàu lòng nhân ái. Được gặp gỡ và trò chuyện với người cựu quân nhân của Trung đoàn Ra-đa 295, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân), chúng tôi hiểu thêm về hành trình lập thân, lập nghiệp của ông trên quê hương mới Tây Nguyên...

Lương y Vũ Đình Chung sinh năm 1964 ở xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và cũng là vùng quê có nghề bốc thuốc Bắc. Ông nội và bố đẻ đều hành nghề bốc thuốc chữa bệnh, cứu người nên ngay từ nhỏ, cậu thiếu niên Vũ Đình Chung đã võ vẽ nghề bốc thuốc. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp THPT, Vũ Đình Chung xung phong khám tuyển và trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, trở thành quân nhân của Trung đoàn Ra-đa 295.

Cuối tháng 8-1986, sau khi các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Nam Định trải qua trận bão lịch sử-cơn bão số 5, có tên quốc tế Wayne-8614, quân nhân Vũ Đình Chung hoàn thành nghĩa vụ, xuất ngũ trở về địa phương kịp giúp gia đình khắc phục hậu quả bão lũ. Cùng năm đó, Vũ Đình Chung lập gia đình, kế tục nghề nông của mẹ và việc phụ bốc thuốc của bố.

Đến năm 1990, khi biết tin gia đình người anh ruột có cuộc sống khá tốt trên vùng quê mới Đắk Lắk, CCB Vũ Đình Chung quyết định cùng vợ, con vào huyện Ea H’leo lập nghiệp. Thời điểm những năm đầu thập niên 1990, vùng đất Ea H’leo cũng như cả Tây Nguyên còn hoang sơ, lạc hậu. Đã vậy, các thế lực thù địch vẫn còn âm ỉ hoạt động quấy nhiễu, phá hoại. Công việc làm nông như gia đình CCB Vũ Đình Chung và bà con nông dân trên địa bàn chủ yếu là trồng đậu, bắp và cây ngắn ngày để có cái ăn trước mắt với hy vọng cuộc sống sẽ hết cảnh lam lũ, đói nghèo.

 Lương y Vũ Đình Chung khám, tư vấn điều trị bệnh cho cựu chiến binh Vũ Minh Hán.

Lương y Vũ Đình Chung khám, tư vấn điều trị bệnh cho cựu chiến binh Vũ Minh Hán.

Đầu năm 2000, khi kinh tế gia đình đã đủ ăn, để tiếp nối nghề bốc thuốc Bắc của ông cha, CCB Vũ Đình Chung đăng ký tham gia lớp đào tạo lương y, khóa 2000-2003; sau đó học tiếp lớp Đông y chuyên sâu, khóa 2003-2006, do Trung ương Hội Đông y Việt Nam tổ chức tại tỉnh Nam Định. Sau khi tốt nghiệp, lương y Vũ Đình Chung được Sở Y tế tỉnh Nam Định cấp giấy phép hành nghề Đông y và trở thành hội viên Hội Đông y Việt Nam.

Với những kinh nghiệm từ nghề bốc thuốc Bắc do cha ông truyền lại cộng với kiến thức học được trong quá trình tham gia các khóa đào tạo, CCB Vũ Đình Chung đã mở phòng khám ngay tại gia đình, ở tổ dân phố 7, thị trấn Ea Drăng. Từ năm 2006 đến nay, ông đã trực tiếp khám, điều trị bệnh cho hàng chục nghìn bệnh nhân trên địa bàn Tây Nguyên, chủ yếu bằng phương pháp bắt mạch, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, mát-xa và kê đơn bốc thuốc Đông y.

Bình quân mỗi ngày, phòng khám của lương y Vũ Đình Chung tiếp nhận, khám bệnh, tư vấn và chữa bệnh, bốc thuốc cho 10-15 lượt bệnh nhân. Để công việc khám, chữa bệnh đạt chất lượng, lương y Vũ Đình Chung đã mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị y cụ hiện đại, như máy châm cứu, máy mát-xa; ghế và giường chuyên dụng; đầu tư tủ thuốc Đông y với đầy đủ vị thuốc cho các bài thuốc gia truyền.

Không chỉ chú trọng việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại phòng khám của gia đình, lương y Vũ Đình Chung còn tích cực tham gia, đóng góp nhiều việc làm thiết thực trong xây dựng phong trào của Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk, liên tục được Hội Đông y tỉnh khen thưởng là hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức hội.

Trao đổi với chúng tôi, lương y Vũ Đình Chung tâm sự: “Với tôi, tất cả mọi người khi đã bị bệnh tật thì đều khó khăn và cần sự giúp đỡ. Sự giúp đỡ cần thiết nhất với họ chính là nghĩa cử của người thầy thuốc mà bệnh nhân tìm đến nhờ cậy. Chính vì vậy, trong hành nghề, ngay từ ngày đầu, bản thân tôi đã không thu tiền công khám, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt. Tức là miễn phí tất cả những gì mà công sức mình bỏ ra, bệnh nhân chỉ phải trả tiền mua thuốc Đông y, bởi tôi muốn san sẻ phần nào khó khăn cho người bệnh, tiếp sức cho họ chiến thắng bệnh tật!”.

Để duy trì việc khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí tặng đồng bào, từ năm 2015, sau khi bàn bạc và được vợ con ủng hộ nhiệt tình, lương y Vũ Đình Chung quyết định hằng tháng dành ra 3 ngày là 10, 11, 12 để khám, chữa bệnh, bốc thuốc miễn phí tại phòng khám cho tất cả người bệnh, bởi ông luôn nghĩ đến lời dạy của Bác Hồ: “Lương y phải như từ mẫu”.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, với trình độ chuyên môn cũng như phẩm chất của người thầy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh Đông y của CCB Vũ Đình Chung được nhiều bệnh nhân tin tưởng tìm đến ngày một nhiều, nhất là trong 3 ngày ông dành ra để khám, điều trị, bốc thuốc miễn phí. Con số tổng hợp cho thấy, bình quân mỗi ngày như vậy, lương y Vũ Đình Chung khám, điều trị và bốc thuốc miễn phí có 15 bệnh nhân. Nhẩm tính theo khung biểu giá khám, chữa bệnh và giá thuốc Đông y hiện nay: Khám bệnh 50.000 đồng/lần; xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, hoặc mát-xa 70.000 đồng/lần; thuốc Đông y 100.000 đồng/thang, thì mỗi bệnh nhân được ông khám, bấm huyệt, châm cứu, mát-xa, bốc 3 thang thuốc Đông y miễn phí sẽ có tổng giá trị 420.000 đồng. Như vậy, mỗi ngày làm thiện nguyện, lương y Vũ Đình Chung hỗ trợ 15 bệnh nhân, có tổng số tiền 6,3 triệu đồng; mỗi tháng 3 ngày sẽ là 18,9 triệu đồng; bình quân một năm là 226,8 triệu đồng.

Trong khoảng thời gian 10 năm, với mỗi tháng dành ra 3 ngày khám bệnh, bốc thuốc miễn phí, lương y Vũ Đình Chung đã hỗ trợ bệnh nhân khoảng gần 2,3 tỷ đồng. Theo tổng hợp từ việc đăng ký khám, chữa bệnh và theo dõi diễn tiến bệnh tình của bệnh nhân khám tại phòng khám của lương y Vũ Đình Chung, cho thấy phần lớn bệnh nhân tìm đến khám, điều trị, bốc thuốc miễn phí là người DTTS, người nghèo, đối tượng neo đơn và CCB trên địa bàn huyện Ea H’leo. Hôm chúng tôi có mặt tại phòng khám, cuộc trao đổi với lương y Vũ Đình Chung liên tục bị ngắt quãng, bởi ông có nhiều bệnh nhân tìm đến thăm khám. Trong số đó có CCB Vũ Minh Hán, trú tại thôn 2, xã Ea Khanh, huyện Ea H’leo, nguyên là sĩ quan của Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3).

Năm nay, CCB Vũ Minh Hán tròn 80 tuổi. Được biết, năm 2023, CCB Vũ Minh Hán phát hiện có hai u ác tính ở thanh quản và thực quản, phải xạ trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Sau mỗi đợt xạ trị, CCB Vũ Minh Hán lại tìm đến phòng khám của lương y Vũ Đình Chung để được hỗ trợ xoa bóp, bấm huyệt và bốc thêm thuốc Đông y. CCB Vũ Minh Hán tâm sự: "Biết gia đình mình thuộc diện hộ nghèo, lương y Vũ Đình Chung quan tâm lắm, liên tục gọi điện thăm hỏi tình hình bệnh tật. Ngoài việc thăm khám, bốc thuốc miễn phí, lương y còn thường xuyên hỗ trợ vợ chồng tôi về gạo ăn cùng những nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Từ khi gặp được lương y Vũ Đình Chung, mặc dù biết mình đang mang hai u ác tính, nhưng tư tưởng không bị suy sụp, tinh thần thoải mái, bệnh tình theo đó cũng chuyển biến theo hướng tích cực".

Cũng với niềm tin tưởng tuyệt đối vào tay nghề của lương y Vũ Đình Chung mà CCB Nguyễn Kim Tiến ở thôn Ea Sia, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo tìm đến để được chữa trị chứng đau đầu, mất ngủ và thoái hóa cột sống. CCB Nguyễn Kim Tiến hết lời ca ngợi nghĩa cử của lương y Vũ Đình Chung: "Lương y không chỉ thực hiện lời dạy của Bác Hồ-“Lương y phải như từ mẫu”, mà còn tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, được thể hiện bằng hành động cụ thể như: Khám, điều trị bệnh miễn phí; nhiệt tình tư vấn và động viên bệnh nhân. Đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn, lương y còn sẵn lòng giúp đỡ về tiền bạc, vật chất và thuốc Đông y...

Nói về việc làm thiện nguyện của lương y Vũ Đình Chung, đồng chí Hoàng Văn Độ, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Ea Drăng kể: Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, từ năm 2017 đến 2019, ngoài 3 ngày khám, điều trị, bốc thuốc miễn phí định kỳ trong tháng, lương y Vũ Đình Chung còn đăng ký với Hội CCB thị trấn Ea Drăng tổ chức các đợt khám bệnh tập trung và miễn phí cho hội viên CCB trên địa bàn tại từng thôn, buôn, tổ dân phố. Mỗi đợt khám kéo dài 2-3 ngày, cho từ 100 đến 130 CCB. Ngoài ra, lương y Vũ Đình Chung còn hướng dẫn người bệnh phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, đo huyết áp để có thể tự theo dõi, điều trị bệnh tại nhà. Ông cũng tích cực tham gia giảng dạy tại các lớp tập huấn cho hội viên Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk về chuyên môn và cả đạo đức nghề nghiệp.

Lên thị trấn Ea Drăng, chúng tôi được người dân ca ngợi về tổ ấm của gia đình CCB Vũ Đình Chung. Tuy mải miết khám, chữa bệnh giúp dân, nhưng vợ chồng ông chăm lo cho 3 con học hành chu đáo. Nay, hai người con lớn đã trưởng thành, có việc làm ổn định và có nơi ở riêng. Người con trai út Vũ Kiên nối nghiệp cha, đang theo học năm thứ 5, Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Thành Đông, cơ sở tại TP Hồ Chí Minh.

Ước nguyện của lương y Vũ Đình Chung là khi con trai Vũ Kiên tốt nghiệp ra trường, ông sẽ giao lại công việc tại phòng khám cho con quản lý, còn bản thân sẽ dành phần lớn thời gian đi khám bệnh miễn phí, trong đó vẫn có 3 ngày cố định hằng tháng khám, điều trị, bốc thuốc Đông y miễn phí tại phòng khám. CCB-lương y Vũ Đình Chung là hội viên CCB gương mẫu và hội viên Hội Đông y có thành tích xuất sắc. Theo thời gian, những bằng khen, giấy khen ngày một nhiều thêm bởi những cống hiến của ông đối với cộng đồng và những người nghèo.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/luong-y-vu-dinh-chung-va-tam-long-thien-nguyen-779721