Lưu giữ kỷ vật chiến tranh nơi miền 'đất lửa'
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh nở rộ phong trào sưu tầm các kỷ vật thời chiến. Song, nói về sự kỳ công cũng như số lượng các kỷ vật được sưu tầm thì phải nhắc đến 2 người đàn ông nơi miền 'đất lửa' này. Họ đã dày công sưu tầm hàng nghìn kỷ vật chiến tranh trong suốt hàng chục năm trời để trưng bày với mong muốn tôn vinh giá trị lịch sử của dân tộc và lan tỏa thông điệp hòa bình đến với bạn bè muôn phương.
Đam mê sưu tập kỷ vật thời chiến
Trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh, có một ngôi nhà nhỏ nằm đối diện phía cổng vào Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn trưng bày vô số vỏ quả bom, đạn cỡ lớn. Điểm đến đặc sắc này là của ông Trần Văn Chức (sinh năm 1969) trú thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh.
Ngay từ con đường nhỏ dẫn lối vào nhà bom, chúng tôi đã ấn tượng ngay với 2 trụ cổng cao vút được dựng nên từ vỏ của 4 quả bom, đạn. Bước qua cánh cổng là ngôi nhà ba gian mái lợp lá cọ. Phía trước ngôi nhà ghi dòng chữ: “Ký ức Trường Sơn”. Đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm vỏ quả bom, đạn được dựng làm cột nhà và hàng rào bao quanh. Bên trong nhà bom nổi bật lên 4 cột chính đều được làm từ vỏ những quả bom lớn, 2 người ôm mới xuể. Gian chính giữa treo dòng chữ: “Nhà bom lưu giữ kỷ vật chiến tranh, tôn vinh giá trị lịch sử dân tộc” như gửi gắm tâm tư, ước muốn của chủ nhân ngôi nhà.
Tiếp chuyện khách, ông Chức tự nhận mình là “lão nông” đam mê sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Bởi tính đến nay đã hơn 30 năm ông dành thời gian cho việc tìm mua vỏ bom, đạn. “Xuất phát từ đâu mà ông có ý định sưu tầm vỏ bom, đạn và những kỷ vật chiến tranh để dựng nên ngôi nhà này?” - tôi hỏi.
Ông Chức đáp: “Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trên vùng “đất lửa” Vĩnh Linh - nơi địa đầu vĩ tuyến 17 nên thấu hiểu những hậu quả chiến tranh để lại. Trong gia đình tôi có 6 người mất vì bom đạn. Ký ức đó vẫn theo tôi đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, hiện nay các kỷ vật thời chiến ngày càng ít dần. Nếu không sưu tầm, bảo tồn và gìn giữ cẩn thận thì sẽ đến một ngày, thế hệ trẻ không biết được thuở trước ông cha ta đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù như thế nào để bảo vệ nền hòa bình, độc lập cho Tổ quốc. Vì thế, tôi nghĩ đến việc tìm tòi, lưu giữ kỷ vật chiến tranh”.
Để hiện thực hóa ý tưởng, ở nơi đâu có vỏ bom, đạn, pháo, các kỷ vật chiến tranh như mũ cối, bi đông đựng nước, thùng đạn... là ông tìm đến xin, mua rồi vận chuyển về.
Qua nhiều năm gom góp, đến nay ông Chức có khoảng 300 vỏ quả bom, đạn cùng hàng nghìn kỷ vật thời chiến. Ông Chức tiết lộ đã chi ra khoảng 300 triệu đồng để mua số kỷ vật ấy. Số tiền lớn nhất mà ông bỏ ra 1 lần để mua vỏ 1 quả bom là 15 triệu đồng.
Cách nhà bom của ông Chức khoảng 25 km về phía Đông là nhà trưng bày kỷ vật chiến tranh của ông Ngô Duy Duyệt (sinh năm 1974) ở thôn Hà Lợi Trung, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, nằm cạnh tuyến đường ven biển nối Cửa Tùng - Cửa Việt. Nhà trưng bày kỷ vật chiến tranh của ông Duyệt được xây dựng từ đầu năm 2022 nhưng những kỷ vật bên trong thì được ông tìm kiếm, cất giữ từ năm 2000.
Bên trong ngôi nhà nhỏ, chúng tôi choáng ngợp trước vô số những vỏ bom, đạn và kỷ vật thời chiến được trưng bày trên bàn, tủ, kệ, tường và cả dưới nền đất. Mời khách ngồi trên bộ bàn ghế được chế tác từ vật liệu thời chiến, ông Duyệt trải lòng về quá trình sưu tập kỷ vật chiến tranh của mình. “Năm 2000, lúc đó tôi đang là thợ làm lốp xe ô tô ở TP. Đông Hà.
Trong quá trình làm việc, tôi có dịp nhìn thấy một số kỷ vật thời chiến. Quá thích thú, tôi dành thời gian tìm hiểu và dần nghiện sưu tầm vỏ bom, đạn, tư trang của bộ đội khi nào không hay”, ông Duyệt kể.
Vì niềm đam mê có phần khác người ấy mà ông Duyệt bị nhiều người gièm pha là “điên”, “khùng”. Bởi có bao nhiêu công sức, tiền bạc ông đều dành để tìm mua những thứ mà người khác xem là “rác”.
Chỉ cần hay tin nơi nào có kỷ vật chiến tranh là ông liền tìm đến để hỏi xin hoặc mua, dù là 1 chiếc bi đông cũ hay là vỏ 1 quả bom. “Nhiều lần, tôi khăn gói đi tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc băng rừng, lội suốt hơn 1 tuần ở nước Lào để tìm mua vỏ một quả bom”, ông Duyệt kể.
Có khi thấy kỷ vật muốn mua nhưng lại hết tiền, thế là ông Duyệt vay mượn để mua về. Trong bộ sưu tập của ông, nhiều món đồ khá đắt tiền. Đơn cử như cặp đạn rốc két có giá 30 triệu đồng. Tính từ năm 2000 đến nay, ông đã chi hàng trăm triệu đồng để có bộ sưu tập quý giá này.
Tôn vinh giá trị lịch sử của dân tộc
Trong bộ sưu tập đồ sộ của ông Duyệt, ngoài những kỷ vật của bộ đội Việt Nam còn có cả những vật dụng của lính Mỹ. Điểm qua một lượt, có thể kể đến 5 loại bom cỡ lớn với hơn 30 quả như: MK981, MK82, LU117, AN.M66A2 (nặng gần 1 tấn), bom mẹ (máng bom bi); 2 loại đạn, pháo với hơn 50 quả; 4 quả rốc két...
Ngoài ra, còn có hàng nghìn kỷ vật khác được sản xuất trước năm 1972 như: bi đông đựng nước; mặt nạ chống độc; thùng đựng đạn; tư trang thiết yếu của bộ đội Việt Nam; mũ cối, ba lô, xẻng quân dụng; cồng chiêng; máy ảnh; ra đi ô; áo giáp chống đạn của lính Mỹ; đồng hồ; giường xếp của lính Mỹ; tăng võng; đồ dùng y tế; tiền xu, tiền giấy của trên 100 quốc gia trên thế giới... “Gia tài” của ông Duyệt phong phú đến nỗi, có những món đồ đến nay ông cũng chưa biết rõ tên gọi của nó.
Đối với ông Duyệt, mỗi kỷ vật đều mang dấu tích của lịch sử nên ông rất trân quý. Đã từng có người ra giá mua hết bộ sưu tập của ông với giá 1,8 tỉ đồng nhưng ông từ chối.
Điều khiến ông thấy vui và hạnh phúc là tại nhà trưng bày này, ông gặp gỡ nhiều cựu chiến binh, người dân, học sinh, khách du lịch tìm đến để tìm hiểu, tham quan, chia sẻ niềm đam mê sưu tầm kỷ vật chiến tranh.
Ông sẵn sàng dành hàng giờ để thuyết minh về những kỷ vật trong nhà trưng bày, giúp du khách hiểu thêm giá trị lịch sử của quê hương, dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trong căn nhà bom, bên cạnh những quả bom cỡ lớn như: M117, AN.M66A1, AN.M65, AN.M64, MK81, MK82, MK84, những kỷ vật thời chiến khác cũng được ông Chức trưng bày. Từ cối xay lúa, xe đạp Phượng Hoàng, các loại ba lô, áo trấn thủ, mũ cối, máy điện đàm… của bộ đội ta đến các vỏ đạn pháo, mìn, bom, cây nhiệt đới, thùng đựng đạn, vật tư y tế… của quân đội Mỹ. Ngoài ra, ông còn treo nhiều bức ảnh khổ lớn lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Không chỉ lưu giữ kỷ vật thời chiến, trên diện tích đất rộng rãi quanh nhà bom, ông Chức còn thuê người xây dựng mô hình một con suối nhỏ, hầm chữ A, hào giao thông, bếp Hoàng Cầm, hố bom và trồng nhiều cây đoác.
“Dự kiến, những hạng mục này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước ngày 27/7 tới đây. Đến với nhà bom, sau khi tham quan, chiêm ngắm những kỷ vật chiến tranh, các cựu chiến binh và khách du lịch sẽ được trải nghiệm thực tế ngồi dưới hầm chữ A, đi dưới giao thông hào, lấy nước suối để nấu cơm từ bếp Hoàng Cầm.
Sau đó, cùng nhau ngồi dưới tán cây để ăn cơm trắng với rau rừng, uống rượu đoác... Những trải nghiệm này sẽ giúp các cựu binh hồi tưởng về một thời hoa lửa, còn thế hệ trẻ sẽ hình dung được thuở kháng chiến, ông cha ta đã sống và chiến đấu ra sao. Qua đó, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của lịch sử dân tộc ta”, ông Chức cho hay.