Lưu giữ lá cờ đầu tiên tại cột cờ A Pa Chải sau 56 ngày treo

Lễ hạ cờ được tổ chức tại cột cờ A Pa Chải, xã Sín Thầu, đánh dấu ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nghi thức chào cờ.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nghi thức chào cờ.

Ngày 1/7, tại cột cờ A Pa Chải, ngã ba biên giới thiêng liêng của Tổ quốc thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tổ chức lễ hạ Quốc kỳ, lưu giữ lá cờ đầu tiên từng được treo tại đây.

 Cấp ủy, chính quyền mới xã Sìn Thầu cùng lực lượng vũ trang và Nhân dân thực hiện nghi thức chào cờ.

Cấp ủy, chính quyền mới xã Sìn Thầu cùng lực lượng vũ trang và Nhân dân thực hiện nghi thức chào cờ.

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra đúng ngày xã Sín Thầu chính thức chuyển sang vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại tá Nguyễn Văn Bội, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã tham dự và trực tiếp chỉ đạo buổi lễ hạ cờ cũ, thượng cờ mới tại cột cờ.

 Cột cờ A Pa Chải.

Cột cờ A Pa Chải.

Cột cờ A Pa Chải được khánh thành vào ngày 7/5/2025 tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), đúng dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Công trình được xây dựng trên đỉnh núi thuộc dãy Khoang La San, cách “mốc 0” – điểm ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc – khoảng 1.387m.

Cột cờ có chiều cao 45,19m, thiết kế hình bát giác, lá cờ rộng 37,5m2 (7,5 × 5m), mang biểu tượng của mốc lịch sử 7/5/1954.

Trên đỉnh cột có phù điêu “Bác Hồ với các dân tộc Tây Bắc”, phần chân cột trang trí năm cụm phù điêu thể hiện đặc trưng văn hóa Tây Bắc như: Truyền thuyết, lễ hội, nghề truyền thống, dân ca – dân vũ và tình đoàn kết dân tộc.

 Chuẩn bị lễ hạ Quốc kỳ.

Chuẩn bị lễ hạ Quốc kỳ.

Đường lên cột cờ có 519 bậc đá, tượng trưng cho 19 dân tộc sinh sống tại Điện Biên. Công trình được xây dựng từ tháng 11/2023, với tổng vốn đầu tư 31 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm chủ đầu tư.

 Thực hiện nghi thức hạ Quốc kỳ.

Thực hiện nghi thức hạ Quốc kỳ.

Sau khi bàn giao, Đồn Biên phòng A Pa Chải tiếp nhận, tổ chức nghi lễ, bảo vệ và phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, giữ gìn vệ sinh, an ninh và khai thác du lịch.

Đây không chỉ là biểu tượng chủ quyền nơi cực Tây Tổ quốc, mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế – xã hội vùng biên giới.

 Đảng ủy, HĐND, UBND xã Sín Thầu phát động lễ trồng hơn 1.000 cây xanh quanh khu vực chân cột cờ.

Đảng ủy, HĐND, UBND xã Sín Thầu phát động lễ trồng hơn 1.000 cây xanh quanh khu vực chân cột cờ.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Bội, lá cờ đầu tiên được treo tại cột cờ A Pa Chải sẽ được trình ký các cơ quan liên quan và đưa về trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Việc lưu giữ được thực hiện sau đúng 56 ngày treo, tượng trưng cho 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng của quân dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Ngọc Diệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luu-giu-la-co-dau-tien-tai-cot-co-a-pa-chai-sau-56-ngay-treo-post737978.html