Tiết lộ gây sốc về sân khấu Bóng phù hoa của Phương Mỹ Chi

Phương Mỹ Chi đang là cái tên 'phủ sóng' mạng xã hội.

Sau khi khiến khán giả quốc tế lẫn Việt Nam "sởn da gà" với màn trình diễn Bóng Phù Hoa trên sân khấu Sing! Asia 2025, Phương Mỹ Chi và nhà sản xuất âm nhạc DTAP tiếp tục thu hút sự chú ý khi tung video hậu trường ghi lại quá trình dàn dựng tiết mục này.

Từ những chỉ đạo âm nhạc khắt khe đến các chi tiết đậm chất văn hóa - tâm linh được cài cắm khéo léo, Bóng Phù Hoa không chỉ là một ca khúc mà còn là một bản diễn xướng đa tầng lớp, kết tinh giữa truyền thống và tinh thần thể nghiệm.

Theo chia sẻ từ DTAP, để tạo cao trào và gây bất ngờ cho người xem quốc tế, nhóm đã tư vấn cho Phương Mỹ Chi nâng tông phần hát giả thanh lên cao hơn bản phối gốc - một thử thách không hề dễ dàng. Tuy vậy, trong quá trình thu âm được ghi lại, giọng ca sinh năm 2003 khiến người xem khâm phục khi thể hiện đoạn hát ở quãng cao chót vót một cách mượt mà, đầy kiểm soát.

Ngoài ra, DTAP còn tiết lộ loạt chi tiết đặc biệt trong bản phối Bóng Phù Hoa đang "gây bão" mạng xã hội. Theo đó, một trong những "vũ khí bí mật" của Bóng Phù Hoa chính là giọng tụng kinh gây rùng mình từng khiến khán giả thắc mắc về thân phận người thể hiện. Giờ đây, DTAP xác nhận đó chính là Thịnh Kainz - thành viên nhóm.

"Ngay từ phần mở đầu, chúng tôi muốn tạo cảm giác rùng mình cho người nghe. Do đó, việc đưa đoạn tụng kinh vào đầu bài là một lựa chọn có chủ đích", DTAP nói.

Theo DTAP chia sẻ, phần tụng kinh được xây dựng trên nền đàn cò (đàn nhị) theo phong cách đờn ca tài tử Nam Bộ - một lựa chọn gợi cảm xúc bản địa sâu sắc. Lời tung: "Sự đời nước mắt soi gương/ Còn thương phải nói hết thương tỏ lời" mang thông điệp giải oan, liên kết trực tiếp đến số phận bi kịch của nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương".

Bên cạnh đó, đoạn giang tấu trong Bóng Phù Hoa cũng được xử lý đầy chủ ý. Theo DTAP, phần này được kết hợp giữa tiếng sáo và tiếng gõ chén - âm thanh dân gian thường gắn liền với nghi thức cầu hồn. "Trong quan niệm dân gian Việt Nam, tiếng gõ chén là âm thanh thu hút linh hồn. Vì thế, chúng tôi sử dụng nó như một lớp nghĩa tượng trưng để gọi về những oan hồn, những tiếng nói chưa từng được giải bày", DTAP chia sẻ.

Việc đưa yếu tố này vào Bóng Phù Hoa không chỉ táo bạo, mà còn cho thấy nỗ lực tái hiện cảm thức linh thiêng trong một tác phẩm âm nhạc hiện đại. Với những lớp lang như vậy, Bóng Phù Hoa không còn là một tiết mục biểu diễn đơn thuần. Đó là một nghi lễ sân khấu - nơi giọng hát, giai điệu, không khí và hình ảnh cùng nhau gợi mở một thế giới khác: nơi nỗi oan được cất lời, linh hồn được dẫn lối, và âm nhạc trở thành phương tiện để xoa dịu, thanh tẩy, giải thoát.

Sự kết hợp giữa Phương Mỹ Chi - người có nền tảng âm nhạc vững chắc và DTAP - nhóm producer dám thử nghiệm đang mở ra một hướng đi mới cho nhạc Việt: làm mới di sản chứ không chỉ "giữ gìn truyền thống". Họ cho thấy, nhạc dân gian hoàn toàn có thể sống động, đương đại, thậm chí cool theo cách riêng, miễn là có sự đầu tư nghiêm túc về tư duy thẩm mỹ và chiều sâu văn hóa.

Từ Bóng Phù Hoa, có thể thấy rõ rằng âm nhạc Việt không thiếu tài năng, không thiếu bản sắc -điều quan trọng là có ai dám kể lại những câu chuyện cũ bằng ngôn ngữ mới, để thế giới phải lắng nghe.

Hoài Thương

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/am-nhac/tiet-lo-gay-soc-ve-san-khau-bong-phu-hoa-cua-phuong-my-chi-202507011605363727.html