Lưu giữ nét đẹp văn hóa ngày tết
Trong các lễ, tết, Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết Cổ truyền có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam. Ðón tết, vui tết, ăn tết đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc với những giá trị được vun đắp, gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Giữ nếp tết xưa
Giữa tiết trời se lạnh hiếm hoi của miền Nam vào những ngày cuối năm, xốc lại chiếc áo khoác mỏng, anh Nguyễn Minh Chí (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) nhanh chân giao hết đơn hàng trong ngày. Hơn 10 năm nay, mặc dù bôn ba mưu sinh ở nhiều nơi nhưng năm nào anh cũng cố gắng thu xếp về quê Kiên Giang để đón tết cùng gia đình.
Anh Minh Chí quan niệm, dù đi xa tận đâu, giàu sang hay nghèo khó thì tết đến phải quay về sum họp bên gia đình, vừa tỏ lòng hiếu thảo, vừa nhắc nhở con cháu giữ nếp nhà. “Chiều cuối năm, còn gì vui sướng hơn khi được quây quần cùng người thân bên mâm cơm và ôn lại những chuyện vui, buồn của năm qua. Với tôi, hạnh phúc bắt nguồn từ những điều bình dị như thế ấy” - anh Minh Chí tâm sự.
Cũng như anh Minh Chí, mỗi dịp tết đến, xuân về, dù bận bịu, khó khăn đến mấy, mọi người đều cố gắng trở về sum họp bên gia đình, cùng chuẩn bị một cái tết đủ đầy, tươm tất. Người lớn tất bật dọn dẹp, sắm sửa, trẻ con háo hức vui đùa. 23 tháng Chạp được xem là “dấu mốc” tết sắp đến khi nhà nhà chuẩn bị mâm cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc đã xảy ra với gia đình trong năm qua. Mâm cúng tiễn ông Công, ông Táo thường được chuẩn bị chu đáo, trong đó không thể thiếu cá chép để làm “phương tiện” đưa ông Táo về trời.
25 tháng Chạp, mọi người cùng đi tảo mộ, quét dọn, trang hoàng lại phần mộ ông bà, tổ tiên. Đây là phong tục thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên vào dịp cuối năm. Sau 25 tháng Chạp, nhà nhà lại tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón tết. Phong tục “tống cựu nghênh tân” này với mong muốn xua đi những điều xui rủi của năm cũ, cầu mong một năm mới sung túc, đủ đầy. Đầm ấm nhất có lẽ vẫn là những phút giây cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên chiều 30 tết và cùng canh nồi bánh tét đêm giao thừa với những câu chuyện hàn huyên về một năm vất vả. Mùi lá chuối, mùi nếp theo làn khói bếp phảng phất, không khí tết đã đến mọi nhà.
Nhiều năm nay, gia đình chị Lê Thị Thiên Kim (phường 4, TP.Tân An) duy trì gói bánh tét vào dịp tết. Nhanh tay buộc bó dây lạt ngay ngắn rồi đem cất ở góc bếp, chị Thiên Kim chia sẻ: “Mớ dây lạt này, tôi để dành gói bánh tét ngày tết. Ngày nay, nhiều người bận rộn với công việc nên thường mua bánh tét được gói sẵn. Tuy gói bánh tét phải chuẩn bị nguyên, vật liệu khá vất vả nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng duy trì nhiều năm nay để con cháu biết được phong tục tết xưa của ông bà và tạo bầu không khí vui tươi, đầm ấm vào những ngày cuối năm”.
Hồn Việt trong phong tục ngày Tết
Phong tục tết xưa mang đậm dấu ấn về tinh thần, giá trị văn hóa, là nếp nhà mà cha ông ta gìn giữ từ bao đời nay. Ngày nay, những phong tục như xông đất, xin lộc, đi lễ chùa,... cũng không khác trước là bao. Ngày đầu năm, nhiều gia đình chọn người xông đất hợp tuổi với gia chủ, tốt tính, khỏe mạnh, gia đình hòa thuận, thành đạt,... Những năm trở lại đây, các bà, các mẹ, chị em thường lựa chọn áo dài để du xuân, chúc tết và lưu giữ lại những bức ảnh đẹp trong năm mới. Mặc áo dài mỗi dịp xuân về cũng là cách nhắc nhở nhau nhớ về nguồn cội, tinh hoa văn hóa qua trang phục truyền thống và cùng nhau gìn giữ di sản Việt.
Trong ký ức của chị Phan Nguyễn Ngọc Thi (xã Phước Vân, huyện Cần Đước), những ngày còn thơ bé, từ sau thời khắc giao thừa hoặc sớm mùng 1 tết, xúng xính trong chiếc áo dài mới, chị theo mẹ đi lễ chùa. Mỗi phong tục như xông đất, đi lễ chùa cầu may, xin lộc, chúc tết, mừng tuổi,... đều mang ý nghĩa riêng với niềm hy vọng may mắn, an lành trong năm mới cho mọi người, mọi nhà. Tục khai bút đầu xuân, xin chữ cũng là một nét đẹp được lưu giữ để nhắc nhở mỗi người trọng chữ, trọng thầy và giáo dục về tinh thần hiếu học. Chị Ngọc Thi thường dạy các con về những nét đẹp văn hóa của tết truyền thống với hy vọng sẽ có “truyền nhân” gìn giữ nếp xưa cho gia đình trong những mùa tết sau này.
Mỗi khi tết đến, xuân về, bất cứ ai cũng nhớ “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Theo tục lệ cũ, vào mùng 1 tết, người Việt sẽ đi chúc tết ông bà, cha mẹ, họ hàng bên nội; mùng 2 chúc tết bên ngoại và mùng 3 chúc tết thầy, cô giáo. Từ ngày mùng 4, mọi người bắt đầu đi chúc tết bạn bè, đồng nghiệp hoặc đi chơi xuân.
Là thời khắc được mong đợi nhất trong năm, Tết Nguyên đán không chỉ đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn lưu giữ những phong tục, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Cùng với sự phát triển của xã hội, tết nay cũng có nhiều thay đổi so với tết xưa. Tuy nhiên, những phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn được lưu giữ, lan tỏa qua các thế hệ bởi trong tâm thức mỗi người dân, Tết Nguyên đán luôn có ý nghĩa thật đặc biệt./.
Là thời khắc được mong đợi nhất trong năm, Tết Nguyên đán không chỉ đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn lưu giữ những phong tục, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/luu-giu-net-dep-van-hoa-ngay-tet-a148122.html