Lưu giữ tinh hoa
PTĐT - Thời Trần là một trong những triều đại phát triển trong lịch sử phong kiến nước ta. Bên cạnh những thành tựu về kinh tế - xã hội, thời Trần còn để lại kho tàng văn hóa đặc sắc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, một số công trình kiến trúc và cổ vật mang đậm bản sắc văn hóa thời Trần vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn nguyên vẹn.
Chùa Phổ Quang tọa lạc ở xóm Chùa, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao. Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ XIV này là một trong những công trình kiến trúc hội tụ đầy đủ và bảo quản vẹn nguyên những nét độc đáo trong kiến trúc thời Trần. Chùa Phổ Quang có diện tích gần 4.000 m2 được xây dựng vào cuối thời vua Trần Huệ Tông 1373 - 1377. Kiến trúc theo kiểu chữ công, lợp ngói phượng đỏ. Chùa có hai cấp, cấp trên cao hơn cấp dưới khoảng 1m. Cấp trên có bảy tầng thờ. Tầng trên cùng bên phải là động Quan Âm, bên dưới là Kim đồng Ngọc nữ, ba tòa Tam thế, Long thân, Phật bà Quan Âm, Ngọc Hoàng và hai ông Thích ca, Thổ công...
Sư thầy Thích Nguyên Giác - Trụ trì Chùa Phổ Quang cho biết: “Chùa Phổ Quang là ngôi chùa cổ, trong dó thờ ba tôn giáo lớn, bao gồm Phật Giáo, Lão Giáo và Khổng Giáo. Vào thời Trần, sự thống nhất đoàn kết của dân tộc được đánh giá rất cao, tạo nên sức mạnh tập thể chống giặc ngoại xâm. Vậy nên, có thể nhận thấy nhiều nét nghệ thuật kiến trúc của cả ba tôn giáo ấy hiện hữu trong ngôi chùa cổ kính này”.Không chỉ chùa Phổ Quang, nhiều công trình kiến trúc trên địa bàn tỉnh vẫn còn lưu giữ được tinh hoa văn hóa thời Trần như chùa Hữu Đô (Đoan Hùng), tháp đất nung Xuân Áng (Hạ Hòa), chùa Thanh Xá (Thanh Ba). Những di tích từ thời Trần tồn tại trong dân gian từ bao đời nay vẫn đang được giữ gìn, phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ sau về lịch sử truyền thống của ông bà tổ tiên.Ngoài những công trình kiến trúc tồn tại trong dân gian còn có 120 hiện vật thời Trần được bảo tồn, lưu giữ ở Bảo tàng Hùng Vương. Hiện vật chủ yếu là bát, đĩa gốm, tháp đất nung... Nghệ thuật làm gốm thời Trần có sự kế thừa từ thời Lý nhưng được cách điệu với nhiều loại hình phong phú và mang đậm hơi thở thời đại. Hào khí Đông A đã thổi hồn, chắp cánh cho nghệ thuật làm gốm thời kỳ này. Đồ gốm mang phong cách chắc khỏe, cân đối, vững vàng với sự phát triển cực thịnh của gốm hoa nâu. Hoa văn trang trí không quá cầu kỳ thể hiện khí phách và tinh thần thượng võ của dân tộc như võ sĩ giao đấu, động vật (voi, hổ, sư tử), cây cối (hoa sen, tùng, cúc, trúc, mai..)
Đất Tổ là cái nôi của nền văn hóa nước ta. Nơi giao thoa, tụ hội của nhiều loại hình văn hóa khác nhau. Văn hóa thời Trần nói riêng và văn hóa của triều đại phong kiến nói chung hiện diện ở tỉnh Phú Thọ mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202102/luu-giu-tinh-hoa-175346