Lưu giữ và phát huy giá trị tư liệu giấy về ngày Tết Độc lập

Ngày Quốc khánh 2/9 được coi là Tết Độc lập, một mốc son hào hùng của dân tộc, đánh dấu sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Việc lưu giữ, phát huy các tư liệu giấy liên quan đến ngày Tết Độc lập thể hiện sự trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập và quyết tâm giữ vững, phát huy những thành quả cách mạng vĩ đại của quê hương, đất nước.

Tờ báo Độc Lập, số ra ngày mùng 4/9/1945.

Tờ báo Độc Lập, số ra ngày mùng 4/9/1945.

Bảo tàng Nam Định hiện còn lưu giữ một số tư liệu giấy độc đáo về ngày Tết Độc lập. Tiêu biểu tờ Nội san “Luyện tiến” của Cơ quan rèn luyện nội bộ (Ty Công an Nam Định) xuất bản số đặc biệt kỷ niệm Ngày lễ Quốc khánh ngày 2/9/1949. Nội san đăng những bài viết tuyên truyền các hoạt động của ngành Công an Nam Định. Trang nhất nội san có bài viết “Kỷ niệm ngày độc lập, chúng ta phải làm gì?”. Ngày 2/9/1961, Báo Sông Đào - cơ quan của Đảng bộ Lao động Việt Nam tỉnh Nam Định (tiền thân của Báo Nam Định ngày nay) xuất bản số đặc biệt chào mừng Lễ kỷ niệm lần thứ XVI Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh 2/9. Trang nhất tờ báo nổi bật bài xã luận “Nhân dân Nam Định giương cao ngọn cờ Tháng Tám tiến lên giành thắng lợi mới”; các tin nổi bật như: Thủ tướng Chính phủ khen ngợi tỉnh Nam Định đã cấy lúa vượt kế hoạch; cán bộ tỉnh nhà đã được Chính phủ tặng thưởng 3.552 Huân chương và Huy chương các loại; Nông trường Rạng Đông thực hiện khẩu hiệu “cướp nắng bù mưa, thu hoạch vụ cói mùa thắng lợi”… Bên cạnh đó, qua ấn phẩm của Báo Sông Đào, độc giả còn được ôn lại truyền thống cách mạng quê hương qua các bài viết: “Mấy nét về phong trào cách mạng ở Nam Định trước ngày Nhật đảo chính Pháp; Tổng khởi nghĩa năm 1945 tại Nam Định; Những mẩu chuyện đấu tranh của công nhân Nhà máy Dệt dưới thời Pháp thuộc; 15 năm trước, máu nông dân đã đổ trên đồn điền Xuân Thủy…”. Tài liệu học tập “Tình hình và nhiệm vụ hiện nay” do Ty Tuyên truyền và Văn nghệ Nam Định xuất bản năm 1953 là một trong những hiện vật giấy được bảo quản trong trạng thái nguyên vẹn. Trong đó, nổi bật là nội dung được trích trong “Báo cáo của BCH Đảng bộ Lao động Liên khu III nhân dịp ngày 19/8 và ngày 2/9/1953”. Qua tài liệu, độc giả lĩnh hội 2 nội dung kiến thức gồm: tình hình và nhiệm vụ năm 1953; các câu hỏi gợi ý về các vấn đề liên quan đến quân địch và những hành động của cán bộ, bộ đội và du kích, nhân dân chống đối như thế nào để đối phó với âm mưu địch?. Một trong những tài liệu giấy được Bảo tàng trân trọng gìn giữ là bức thư năm 1975 của BCH Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho gửi BCH Đảng bộ tỉnh Nam Hà nhân dịp kỷ niệm ngày 19/8 và ngày 2/9. Bức thư đã ôn lại những kỷ niệm, đóng góp của quân dân Nam Hà cho Mỹ Tho cũng như thành tựu mà 2 tỉnh Mỹ Tho, Nam Hà đã đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có đoạn: “Thay mặt cho nhân dân Mỹ Tho, Đảng bộ Mỹ Tho gửi tới nhân dân Nam Hà lời biết ơn sâu sắc bởi sự cổ vũ, giúp đỡ trong 15 năm qua đã góp phần động viên để đồng bào Mỹ Tho vượt qua những khó khăn ác liệt cùng với quân dân miền Nam đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…”. Đồng chí Hoàng Văn Cương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện nay, các hiện vật giấy liên quan đến ngày Quốc khánh 2/9 được sắp xếp và lưu giữ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày, phát huy giá trị lịch sử các hiện vật để quảng bá tới khách tham quan bảo tàng. Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử quê hương qua các thời kỳ, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ.

Tờ báo Nhân Dân số ra ngày 2/9/1951.

Tờ báo Nhân Dân số ra ngày 2/9/1951.

Tờ báo Sông Đào, số ra ngày 2/9/1961.

Tờ báo Sông Đào, số ra ngày 2/9/1961.

Cùng với Bảo tàng tỉnh, một số nhà sưu tầm bằng tình yêu lịch sử, sở thích “gom nhặt” tri thức xưa đã cất công sưu tầm các hiện vật giấy có giá trị, trong đó tiêu biểu là nhà sưu tầm Phi Dũng. Ông sở hữu bộ sưu tập khoảng 400 nghìn tờ báo, trong đó có hơn 100 đầu báo phát hành trước năm 1954, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là Nhà sưu tầm báo giấy phát hành tại Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến nay với số lượng nhiều nhất. Trong số bộ sưu tập của ông, nhiều tờ báo liên quan đến ngày Quốc khánh 2/9 trở thành những tư liệu quý cho bạn đọc và các nhà nghiên cứu. Ngày 4/9/1945, tờ báo Độc Lập, cơ quan tuyên truyền, tranh đấu, nghị luận của Việt Nam Dân chủ Đảng trong Mặt trận Việt Minh xuất bản số báo nêu đậm nét sự kiện tổ chức sự kiện ngày 2/9/1945. Trong đó có bài viết: “Mồng 2/9: Ngày độc lập đã thu hút 50 vạn dân thành phố Hà Nội quanh vườn hoa Ba Đình”. Qua bài viết đã phản ánh không khí sôi nổi háo hức của các tầng lớp nhân dân, tường thuật chi tiết diễn biến của sự kiện lịch sử mùng 2/9. Ngày 7/9/1945, tờ Độc Lập tiếp tục xuất bản số báo đăng toàn văn “Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” kèm bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Số báo có mục “Kèn gọi lính” với tiêu đề “Nạn ngoại xâm đã đến, chúng ta hãy sẵn sàng đứng lên!”. Bài viết như lời hiệu triệu đồng bào đoàn kết đồng lòng đánh đuổi giặc Pháp, thổ phỉ biên cương, đặc biệt kêu gọi những người đã đi lầm đường quay trở lại con đường chính nghĩa phụng sự Tổ quốc, trong đó có đoạn: “…Giờ đây, chúng ta phải gạt bỏ những xung đột vì quyền lợi, tư tưởng, đặt sự tồn vong của Tổ quốc lên trên tất cả. Giờ này đây, chúng tôi tha thiết kêu gọi những đồng bào đã đi lầm đường hãy mạnh bạo quay lại con đường chính, con đường phụng sự Tổ quốc, chống ngoại xâm bằng chính xương máu của chúng ta. Giờ phút chiến đấu đã đến! Sẵn sàng!”. Ngày 20/8/1946, tờ báo Nỗ Lực xuất bản số báo đặc biệt nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 về Công thương Cứu quốc Nam Định trong đó giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 1 năm ngày lễ Quốc khánh tại Nam Định. Tờ báo Sự Thật, cơ quan tuyên truyền kháng chiến của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Đông Dương ngày 19/8/1949 xuất bản số báo kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9. Số báo đăng toàn văn Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Bên cạnh đó còn có bài viết “Kế hoạch trung du Bắc Bộ của địch” của đồng chí Trường Chinh. Báo Nhân Dân, số ra ngày 2/9/1951 với các tin tức về kỷ niệm lần thứ 6 ngày Quốc khánh 2/9. Trong đó, trang nhất nổi bật bức tranh vẽ chuỗi hoạt động phản ánh không khí sôi nổi của nhân dân mít tinh với ảnh Bác Hồ và cờ đỏ sao vàng cùng khẩu hiệu Hồ Chủ tịch muôn năm, độc lập…; vẽ các hoạt động thi đua sản xuất vũ khí và vật phẩm; hoàn thành vụ mùa thắng lợi; thi đua diệt giặc lập công… Đặc biệt, trong bộ sưu tập báo của Nhà sưu tầm Phi Dũng còn có ấn phẩm Hình ảnh Việt Nam xuất bản tháng 12/1955. Ấn phẩm đưa đậm nét hình ảnh lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9/1955 tại Thủ đô Hà Nội. Trong đó trên lễ đài có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Trường Chinh…

Cán bộ Bảo tàng tỉnh kiểm tra hiện trạng tờ báo Sông Đào, số ra ngày 2/9/1961.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh kiểm tra hiện trạng tờ báo Sông Đào, số ra ngày 2/9/1961.

Bên cạnh lưu giữ những tờ báo liên quan đến ngày 2/9, nhà sưu tầm Phi Dũng còn có những bộ tem, con tem phát hành nhân dịp lễ Quốc khánh. Trong đó có bộ tem chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với 5 màu khác nhau do Bưu chính Việt Nam phát hành năm 1946 nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày Quốc khánh 2/9. Bộ tem kỷ niệm 60 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2005) với chủ đề Cộng đồng các dân tộc Việt Nam có 54 con tem giới thiệu trang phục của 54 dân tộc Việt Nam. Để lưu giữ và phát huy giá trị các hiện vật, nhiều năm qua, nhà sưu tầm Phi Dũng dành căn phòng rộng khoảng 50m2, lắp đặt máy điều hòa, thiết bị hút ẩm. Với những tờ báo đặc biệt quý hiếm, ông bảo quản bằng cách bọc từng tờ báo bằng giấy ni-lông, cuộn tròn rồi đặt cẩn thận trong tủ kính. Phòng sưu tầm, trưng bày của ông Dũng hàng ngày đều đón tiếp nhiều độc giả, nhà nghiên cứu đến tham quan, tìm hiểu kiến thức lịch sử qua từng trang báo. Bên cạnh đó, ông Dũng thường xuyên chia sẻ các tư liệu, các đầu báo đặc sắc trên mạng xã hội để những người chưa có điều kiện đến tham quan trực tiếp dễ dàng tiếp cận, tương tác.

Các hiện vật tư liệu giấy về ngày Tết Độc lập được Bảo tàng tỉnh và các cá nhân trên địa bàn tỉnh sưu tầm, lưu giữ có giá trị lịch sử to lớn, góp phần giáo dục lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202408/luu-giu-va-phat-huy-gia-tri-tu-lieu-giay-ve-ngay-tet-doc-lap-b54701d/