Lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Xem phần lễ rước kiệu, cúng thần linh, thổ địa, trình diễn trang phục, nhạc cụ dân tộc, hòa vào các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực đặc trưng… Đó là những tiểu mục được mặc định trong mỗi lễ hội, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Theo đó, lễ hội được xem như là nơi lưu giữ, phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vùng miền.
Có dịp tham dự Lễ hội Khai hạ Mường Bi, chúng tôi được nghe âm thanh trong trẻo như tiếng gió vi vu, man man mác. Khi giai điệu ngọt ngào kết thúc, khán giả đặt câu hỏi: Đây là nhạc cụ gì, được chế tác ra sao, thường được thể hiện trong những dịp nào, được sử dụng được cho những loại nhạc nào? Nâng niu nhạc cụ nhỏ nhắn trên tay, chàng trai trẻ Đinh Văn Doanh, người vừa thể hiện những giai điệu ngọt ngào chia sẻ: "Đây là sáo ôi, một nhạc cụ của đồng bào Mường được chế tác từ thân cây nứa. Tương truyền xưa kia, đức Vua Dần là người cai quản vùng Mường lấy nàng Ngần, nàng Ngà về làm vợ. Một lần vua Dần làm 2 người vợ phật ý, nên cả 2 nàng bỏ về nhà mẹ đẻ. Ít lâu sau, Vua Dần đi đón vợ về nhưng cả 2 nàng Ngần, Ngà đều từ chối khéo và không trở về. Tâm trạng buồn rầu, khi trở về qua bụi nứa, Vua Dần chặt một cây ngồi làm sáo để thổi. Tiếng sáo ngân lên thiết tha, réo rắt, thể hiện tâm trạng muộn phiền, nỗi day dứt nhớ mong của người chồng dành cho vợ. Sáo ôi thường được các nghệ nhân dân tộc Mường sử dụng vào những đêm trăng thanh gió mát, tiếng sáo bên cửa vang lên lúc trầm, lúc bổng, khi như thủ thỉ tâm tình, giãi bày nỗi niềm với người thương, có lúc lại thong thả khoan thai đợi mùa về…”. Hay, độc đáo như vậy, nhưng sáo ôi và làn điệu sáo ôi gần như bị thất truyền trong nhịp sống hiện đại. Và đó là lý do chàng trai trẻ Đinh Văn Doanh đem tiếng sao ôi đến với Lễ hội Khai hạ Mường Bi để đông đảo người dân, du khách cùng thưởng thức. Với anh, đó là một cách thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư khóa XI về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, ngành VH-TT&DL đã tham mưu cho tỉnh tăng cường việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh và Bộ VH-TT&DL, cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động về văn hóa; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được tăng cường. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm địa điểm tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân, trong đó có trên 40 lễ hội mang tính đặc trưng của dân tộc, vùng miền mới được phục dựng, đang được bảo tồn như: lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội Mường Động (Kim Bôi), lễ hội Mường Thàng (Cao Phong), lễ hội Xên Bản, Xên Mường của dân tộc Thái (Mai Châu), lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông (Mai Châu), lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày (Đà Bắc), lễ hội đền Chúa Thác Bờ (Đà Bắc - Cao Phong), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội chùa Hang (Yên Thủy)…
Có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, công tác quản lý Nhà nước về di tích được quan tâm đầu tư để tu bổ, tôn tạo. Đến nay, toàn tỉnh có 19/68 di tích được xếp hạng gắn công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị với hoạt động tổ chức lễ hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Kỳ vọng đặt ra là: Việc tổ chức lễ hội đảm bảo trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân. Trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc trong tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán…, việc thu hút người dân đến với các lễ hội được xem như một phương pháp tối ưu để lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.