Lưu giữ văn hóa Thái cổ Mường Vạt
Mường Vạt là tên gọi cổ của vùng đất Yên Châu khi mới hình thành, là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Thái đen với nhiều phong tục, tập quán gắn liền với mẹ đất, mẹ nước, mẹ cây, là nơi 'Con gái biết thêu thùa dệt vải, biết nấu các món ăn của dân tộc mình; con trai giỏi đan lát, biết làm pí pặp, khèn bè'.
Theo những người cao niên ở huyện Yên Châu: Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái đen là mặc áo cóm bó sát người, váy đen dài chấm gót, đầu đội khăn piêu. Khi cưới chồng, luôn phải chuẩn bị đủ khăn piêu, khăn mặt, đệm, chăn để biếu gia đình và họ hàng nhà chồng. Hằng năm, đồng bào dân tộc Thái thường tổ chức các lễ hội: Mừng cơm mới, xên bản, xên mường, mừng nhà mới, cầu mưa. Trong kho tàng văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái đen ở Mường Vạt có nhiều làn điệu dân ca khác nhau, như: Ru con, hát đối đáp, hát cộng đồng xã hội chung, có điệu múa nắm tay xòe vòng mang đậm âm hưởng của núi rừng, phác họa sinh động đời sống sinh hoạt văn minh lúa nước...
Bà Lò Thị Viển, bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, chia sẻ: Trước đây, khi bước chân lên nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái, gia đình nào có nhiều khăn piêu, chăn đệm được làm thủ công thì biết ngay con gái nhà đó chăm chỉ, khéo léo. Bây giờ, nhiều gia đình không còn yêu cầu các cô gái phải tự tay làm sản phẩm thủ công nữa, trong khi các loại vải được sản xuất đa dạng, hình thức đẹp, giá lại rẻ nên được bà con mua về làm trang phục, đồ dùng. Các đám cưới trước kia luôn rộn ràng bởi tiếng cồng chiêng, những điệu múa xòe truyền thống, còn giờ đây, phần lớn các bạn trẻ lại thích những vũ điệu nhạc sàn.
Trước nguy cơ nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái bị mai một, tháng 11/2019, bà Lò Thị Xuân ở Boong Xang, xã Chiềng Pằn cùng những người am hiểu về văn hóa Thái trên địa bàn các xã Chiềng Pằn, Chiềng Đông, Viêng Lán và thị trấn Yên Châu thành lập nhóm “Yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt”. 48 thành viên của nhóm không chỉ là những người có khả năng sử dụng, biểu diễn các loại nhạc cụ, trình diễn các làn điệu dân ca, kể các câu truyện cổ, trường ca của người Thái, mà còn rất tâm huyết, trách nhiệm trong bảo tồn văn hóa dân tộc. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái được các thành viên sưu tầm, phục dựng, biểu diễn... Đến năm 2021, nhóm chuyển đổi thành Câu lạc bộ với 61 thành viên tham gia, truyền dạy thêm nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái với các sản phẩm, như: Khăn piêu, váy, áo cóm, gối, chăn...
Ông Quàng Văn Cường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Châu, cho biết: Hằng năm, huyện tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi vòng xòe đầu xuân; phát động cán bộ, công chức, viên chức, học sinh mặc trang phục dân tộc đến công sở, trường học; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn các xã, thị trấn và phổ biến các điệu xòe Thái cho nhân dân, góp phần gìn giữ những nét đẹp, văn hóa truyền thống của dân tộc Thái Yên Châu xưa.
Hiện, trong cộng đồng dân tộc Thái còn nhiều người tâm huyết, yêu văn hóa của dân tộc mình, như: Ông Lường Văn Chựa (Chiềng Pằn) sưu tầm, truyền dạy chữ Thái; bà Lò Thị Xuân (Chiềng Pằn) bảo tồn, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm; bà Lường Thị Bưởng (Chiềng Đông) truyền dạy các làn điệu dân ca truyền thống; ông Lò Văn Phòng (Chiềng Sàng) đam mê, miệt mài nghiên cứu, chế tác trống, chiêng... Đây chính là những người truyền lửa, gìn giữ, bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc cho thế hệ sau.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/luu-giu-van-hoa-thai-co-muong-vat-45344