Lưu luyến bến đò xưa
Ngày trước, dọc theo sông Trà Bồng thuộc địa phận thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) có nhiều bến đò phục vụ nhu cầu đi lại của người dân từ bờ bắc sang bờ nam, từ vùng khu Đông Bình Sơn lên giao thương hàng hóa như bến Thủ, bến Trường, bến Củi, bến Đụn... Những bến đò xưa một thuở tấp nập, giờ chỉ còn là hoài niệm.
Hình ảnh cây đa, bến nước, con đò đã trở nên quá quen thuộc trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Như một dấu ấn không thể phai nhòa theo năm tháng, để rồi mỗi khi xa xứ, người ta lại nhớ về quê hương với những hình ảnh thân thuộc, những điều dung dị và mộc mạc. Ông Nguyễn Tòa (83 tuổi), ở tổ dân phố An Châu, thị trấn Châu Ổ, cho biết: Từ lúc còn nhỏ, tôi nghe kể có một người tên Thủ sống cạnh bến đò, vậy nên gọi là bến Thủ. Đây là nơi tập hợp ghe bầu để trao đổi mua bán, bến đò lúc nào cũng tấp nập trên bến dưới thuyền...
Hình ảnh bến nước, con đò đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là một màu xanh mướt đủ các loại rau màu ven sông Trà Bồng. Ảnh: Nguyễn Nhã
Ông Huỳnh Chu (91 tuổi) ở tổ dân phố An Châu thì bảo rằng: "Nhớ nhất là những buổi đợi đò, hối hả chen chân để được về bên kia bến. Bến Thủ ngày xưa tấp nập người mua, kẻ bán, cũng nhờ có bến đò mà bao lớp trẻ được nuôi lớn, được học chữ...". Ngày trước, chiến tranh khiến giao thông đường bộ bị chia cắt, nên đường thủy như con đường huyết mạch. Các bậc cao niên vẫn nhớ như in hình ảnh bến đò xưa mỗi buổi sáng sớm xôn xao tiếng nói cười. Ở bến đò, các bà dọn sẵn hàng nước chè xanh, vài cái bánh tráng, chờ người ghé chân.
Cũng bên sông Trà Bồng, làng gốm Mỹ Thiện hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX. “Thời bấy giờ, làng nghề thịnh lắm. Người làng gốm thì già trẻ thay nhau cứ nhào đất tạo hình rồi đắp lò nung sản phẩm. Trong làng có con đường chạy thẳng ra bến Củi nằm bên sông Trà Bồng", ông Huỳnh Chu cho hay.
Theo các bậc cao niên, bến Củi được hình thành khi làng gốm hưng thịnh. Nơi đây tập kết củi của vùng thượng nguồn theo đường sông đưa về bán cho dân làng, phục vụ việc nung gốm. Sát triền sông chất đầy gỗ, củi đủ loại, kẻ bán người mua, nhộn nhịp cả ngày. Cũng bến sông ấy, người dân gánh sản phẩm ra để các thương thuyền chất đầy rồi xuôi dòng ra cửa biển Sa Cần đưa sản phẩm gốm Mỹ Thiện đến muôn nơi.
Nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, nhiều bến đò lần lượt ra đời. Gần trường học cũng có đò, đò ngay chợ, đò ngay làng nghề, đò cạnh khu dân cư... để thuận tiện cho việc đối lưu hàng hóa dưới biển trên nguồn. Chính nhu cầu giao thương, buôn bán giữa các vùng đã góp phần làm nên sự phát triển của văn hóa sông nước lúc bấy giờ.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, những bến đò trên sông Trà Bồng giờ chỉ còn là dĩ vãng, thay vào đó là nhịp cầu nối liền hai bờ sông nước. Nhưng với các bậc cao niên, họ vẫn thường nhắc lại bến đò xưa như một hoài niệm đẹp.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202101/luu-luyen-ben-do-xua-3040634/