Lưu luyến chợ tình Thác Lười
Đầu xuân, khi hoa mận nở trắng sườn đồi, không khí mùa xuân vẫn lan tỏa cũng là lúc phiên chợ tình Thác Lười ở xã vùng cao Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) quay trở lại. Những bóng áo chàm nô nức xuống núi; câu hát sli, lượn, sloong hao ngân nga khắp núi rừng báo hiệu mùa hội mới lại về, để thương, để nhớ, để luyến lưu qua những ánh mắt, nụ cười...
Nét văn hóa đặc sắc
Nhiều năm qua, cứ đến ngày 12 tháng Giêng, bà Vi Thị Bình ở bản Bắc Hoa lại cùng chúng bạn và hàng vạn người dân các xã: Tân Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Sa Lý, Phong Minh, Phong Vân, (Lục Ngạn); Quan Sơn, Hữu Kiên... huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống rủ nhau đến chợ Thác Lười (nay là chợ Tân Sơn) dự hội hát sloong hao. Như thể bà con chờ cả năm để đến ngày hội hát, bởi từ người già đến em bé đều háo hức về hội góp vui.
Chợ phiên Tân Sơn có từ lâu đời, là nơi tụ họp, trao đổi mua bán hàng hóa của người dân quanh vùng. Chợ họp 5 ngày một lần vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Trong đó, có một phiên chợ đặc biệt hơn cả đó là phiên họp vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm. Đây chính là phiên “chợ tình Thác Lười” hình thành từ cả trăm năm trước, mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây. Bà Bình chia sẻ, đối với bà con trong vùng, đi chợ phiên ngày 12 tháng Giêng cũng chính là đi hội. Họ đến đây không chỉ để mua hàng hóa, bán nông sản do mình làm ra mà còn để giao lưu, gặp gỡ bạn cũ bên bàn trà hay những chén rượu xuân thơm lừng hương men lá. Đặc biệt, họ còn tụ thành từng nhóm, từng đôi cùng hát đối, tỏ tình, giao duyên qua những điệu sloong hao mộc mạc.
Ai đã từng dự chợ tình Tân Sơn đều không thể quên. Bởi vào ngày này, trên các sườn đồi, bãi nương, gốc vải, bờ suối đều vang lên âm thanh da diết của những tiếng kèn môi gọi bạn, những câu sli, lượn, sloong hao (của đồng bào dân tộc Tày, Nùng)… Những chàng trai, cô gái, ai cũng mặc bộ trang phục đẹp nhất đến chợ. Họ hát đối với nhau ở bất kỳ địa điểm nào có thể hát. Ban đầu họ hát với theo từng tốp để làm quen, sau hát riêng thành từng cặp. Nội dung lời hát giao duyên của những đôi trai gái thông thường đều bộc lộ một tình yêu trong sáng, một khát vọng muốn được xây đắp tình yêu cùng với người bạn hát. Cứ như vậy họ hát cả ngày đêm và cũng trong hoàn cảnh như vậy mà có biết bao đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng.
"Phiên chợ tình Thác Lười không chỉ dành cho các đôi nam nữ hát đối đáp tìm người yêu mà còn để những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Điều đặc biệt của phiên chợ là những người đã có gia đình có thể hát, ngồi tâm tình trò chuyện với người yêu cũ của mình" - Anh Vi Văn Trên, cán bộ xã Tân Sơn.
Anh Vi Văn Trên, cán bộ Văn hóa xã Tân Sơn cho biết, những làn điệu sli, lượn, sloong hao mộc mạc, trữ tình là cội nguồn truyền thống văn hóa đặc sắc của vùng quê Lục Ngạn. Hát sloong hao có nhiều loại: Sloong hao gặp gỡ, sloong hao vào bản, vào nhà… tuy nhiên, ngày nay chỉ còn sloong hao giao duyên. “Phiên chợ tình Thác Lười không chỉ dành cho các đôi nam nữ hát đối đáp tìm người yêu mà còn để những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Điều đặc biệt của phiên chợ là những người đã có gia đình có thể hát, ngồi tâm tình trò chuyện với người yêu cũ của mình. Họ dùng những câu hát sloong hao để hỏi thăm về cuộc sống, gia đình, động viên nhau. Những đôi nào yêu nhau mà không lấy được nhau, khi gặp lại ở chợ tình, lời hát càng thắm thiết. Những lời trách hờn, kỷ niệm xưa cũ và cả những tiếc nuối khi còn yêu nhau có thể bộc lộ qua những câu hát mà không ai bị ghen tuông, ngăn cấm. Cả vợ chồng đều có thể đi hát như vậy. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng những điều riêng tư của nhau, nhưng họ không vì người tình xưa mà phá hỏng hạnh phúc hiện tại, đó là giá trị nhân văn cao đẹp còn lưu giữ đến ngày nay”, anh Trên nói.
Gìn giữ, lan tỏa nét đẹp truyền thống
Ông Lăng Quốc Kỳ, dân tộc Nùng ở thôn Bắc Hoa, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát dân ca dân tộc Nùng xã Tân Sơn kể, ông hát sloong hao khi còn rất trẻ, trong những lần theo các anh, chị trong bản đi hát hội đầu xuân. Những làn điệu dân ca của dân tộc cứ thế bền chặt trong đời sống sinh hoạt của người Nùng nơi đây. Để rồi, với tình yêu sloong hao, người Nùng thường rủ nhau đi hát giao duyên trong những ngày xuân và đầu năm mới hay vào những phiên chợ Thác Lười (từ 11-14 tháng Giêng hằng năm và có khi kéo dài đến tận tháng 2 âm lịch). Cứ như thế, dần trở thành hội hát từ khi nào không hay.
"Ngày nay, việc đi hát tự do từ bản này đến bản khác không còn nữa mà thay vào đó, các cấp chính quyền, địa phương đã tổ chức thành ngày hội, chúng tôi rất phấn khởi, vì không chỉ được giao lưu, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Nùng xã Tân Sơn và các xã vùng cao Lục Ngạn mà còn là dịp khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cho thế hệ mai sau", ông Kỳ nói. Bằng tình yêu thiết tha với văn hóa dân tộc, ông Kỳ và một số người yêu mến sloong hao đã thành lập CLB với hơn 20 thành viên để cùng nhau gìn giữ và phát triển vốn văn hóa cổ của dân tộc mình.
Tháng Giêng này, sau 3 năm tạm hoãn do dịch Covid-19, hội hát sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao Tân Sơn lại được tổ chức. Đây là một trong những hoạt động văn hóa thiết thực của huyện Lục Ngạn hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang. Do vậy, hội hát năm nay có nhiều nội dung cuốn hút du khách về với vùng cao Tân Sơn. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 1 đến hết ngày 4/2 (tức từ ngày 11-14 tháng Giêng) tại xã Tân Sơn và xã Phong Vân. Lễ khai mạc diễn ra vào ngày 2/2 tại bản cổ Bắc Hoa.
Hội hát có quy mô mở, gồm nhiều hoạt động, như: Giao lưu CLB hát dân ca các dân tộc với hình thức hát đối đáp, giao duyên. Chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước đổi mới; những điểm sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập và công tác; các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn, nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Tại đây cũng trưng bày, giới thiệu và cung ứng các sản phẩm đặc trưng của địa phương và thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian hấp dẫn. Bên cạnh đó, huyện Lục Ngạn còn phối hợp với ngành chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về du lịch mùa xuân, các sản phẩm du lịch và tiềm năng phát triển du lịch của địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Năm, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, chương trình hội hát sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao Lục Ngạn là điểm nhấn văn hóa - du lịch của địa phương. Hội hát không chỉ là hoạt động khởi đầu một năm mới mà còn khởi đầu cho mùa du lịch mới của huyện, của tỉnh. Bắt đầu bằng những tour tuyến, kết nối đưa du khách đến thăm chợ tình Thác Lười, bản cổ Bắc Hoa, hồ Cấm Sơn, các vườn hoa mơ, hoa mận... và kết nối với không gian “Văn hóa - Du lịch Tây Yên Tử” của tỉnh Bắc Giang.
Thế Đại - Quang Huấn
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phong-su/398813/luu-luyen-cho-tinh-thac-luoi.html