Lưu thông liên tỉnh miền Đông Nam Bộ: Nơi thuận lợi, chỗ còn tắc
Mặc dù ngày 12/10/2021 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT hướng dẫn về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, quy định tạm thời 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19'. Thế nhưng, đến hiện nay giữa các tỉnh, thành trong cả nước vẫn chưa đồng bộ trong phương án nhằm kết nối giao thông đi lại giữa các tỉnh với nhau. Phóng viên đã ghi nhận tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ về tình trạng này.
Đồng Nai: Chưa cho phép người lao động đi xe máy vào tỉnh
Ngày 16/10, ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, ở quy mô cấp tỉnh, tỉnh Đồng Nai xếp cấp độ 1 (bình thường mới).
Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh này đã xếp loại "bình thường mới" nhưng chưa thực sự an toàn. Từ nay đến cuối tháng 10/2021, các địa phương, Sở, ngành cần dồn sức để hỗ trợ những huyện, xã, phường còn ở cấp độ 2, 3 trở về trạng thái "bình thường mới". Bên cạnh đó, vấn đề giao thông phải thông suốt để đảm bảo phục hồi sản xuất, đi lại của người dân.
Trao đổi với với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị chiều 16/10, bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết, hiện nay tỉnh vẫn chưa cho phép người lao động từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… đi mô tô, xe gắn máy vào địa bàn tỉnh. Trước đó, ngày 14/10, tỉnh Đồng Nai có văn bản thống nhất chấp thuận cho người lao động đi lại giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh này bằng ô tô cá nhân.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Người dân được di chuyển liên tỉnh
Ngày 16/10, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát y tế và người dân được phép vào tỉnh này. Vì vậy số lượng người đi và đến tỉnh này bắt đầu tăng lên. Lưu lượng xe qua 3 trạm thu phí trên Quốc lộ 51 vào sáng 16/10 tăng khoảng 30% so với những ngày trước đó.
Trước đó, tối 15/10 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản áp dụng tạm thời một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 16/10, người dân từ các tỉnh, thành khác được phép vào tỉnh này, trừ các trường hợp đi/đến các địa bàn có dịch ở cấp độ 3, 4.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển hoạt động các chốt kiểm soát tại cấp xã, huyện thành các tổ tuần tra lưu động để giám sát, hướng dẫn và kiểm tra việc đi lại, lưu trú, theo dõi sức khỏe của người dân, nhất là từ các địa phương khác đến.
Công an vẫn sẽ duy trì các chốt kiểm soát ra vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng việc hoạt động nhằm hướng dẫn người dân qua chốt thực hiện khai báo y tế và di chuyển (qua phần mần VNIED hoặc bản giấy). Người dân không cần xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 khi qua chốt.
Với người từ các địa phương, khu vực có dịch ở cấp độ 4, cấp độ 3 - tương ứng với màu đỏ và màu cam tới tỉnh, nếu đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng thì thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì báo cho cơ quan y tế.
Bình Dương: Khó khăn hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh
Ngày 16/10, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Sở GTVT Bình Dương cho biết, đã tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn các hoạt động, trong đó có cả việc vận tải hành khách theo quy định của Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, hiện nay Bình Dương đang rất cần mở lại các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh để đón công nhân quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành vẫn chưa thống nhất việc đi lại và quy định về giấy xét nghiệm đã làm cho việc hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh khó khăn hơn.
Ghi nhận tại chốt kiểm soát giáp ranh Bình Dương - TP Hồ Chí Minh, những người dân đi xe máy qua lại giữa hai địa phương này đã bị lực lượng chức năng tại đây thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm đối với người đi xe máy. Nhiều người từ TP Hồ Chí Minh qua Bình Dương không có giấy xét nghiệm âm tính đã phải quay lại TP Hồ Chí Minh để test nhanh và lấy giấy xét nghiệm mới được qua chốt.
Bình Thuận: Ngày 18/10 sẽ bỏ các chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1
Ông Nguyễn Đức Hải Tùng - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trong điều kiện TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương đều mở cho xe cá nhân đi lại thì lượng người đi xe ô tô đến Bình Thuận trong vài ngày tới sẽ tăng. Vì vậy, việc duy trì các chốt kiểm dịch trên Quốc lộ 1 như hiện sẽ không còn phù hợp, cần có giải pháp kiểm soát dịch linh hoạt hơn.
"Công an tỉnh Bình Thuận sẽ có phương án cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt sớm nhất, theo hướng không còn duy trì chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên Quốc lộ 1 như hiện nay. Thay vào đó, Công an tỉnh Bình Thuận sẽ giao lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát lưu động và có hướng dẫn cho người tham gia giao thông đậu, đỗ xe vào những nơi được quy định trên tuyến Quốc lộ 1 để kiểm soát dịch bệnh" - ông Tùng cho biết thêm.
Cũng liên quan vấn đề trên, ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, tất cả các chốt kiểm soát bên ngoài vào tỉnh Bình Thuận sẽ không còn phù hợp, phải bỏ.
"Yêu cầu các địa phương khẩn trương góp ý bản dự thảo cho Ban chỉ đạo Covid-19 của tỉnh để tổng hợp, chỉnh sửa, trong đó có việc bãi bỏ các chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 1 và dự kiến sẽ áp dụng thống nhất trên toàn tỉnh vào ngày 18/10/2021" - ông Lê Tuấn Phong yêu cầu.