Lưu ý để tránh tai nạn thương tâm do áo đi mưa

Không ít vụ tai nạn giao thông do áo mưa đã xảy ra, trong đó có vụ dẫn đến cái chết của người điều khiển phương tiện...

Tai nạn do áo mưa cuốn vào bánh xe máy.

Tai nạn do áo mưa cuốn vào bánh xe máy.

Gần đây nhất là sự việc xảy ra ngày 10/10 tại xã Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) khiến 1 chiếc xe bị cháy trơ khung, người điều khiển phương tiện bị thương.

Cụ thể, khoảng 8h15, khi chị N.T.L (trú huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) mặc áo mưa điều khiển xe máy tay ga chạy trên quốc lộ 48 đến đoạn dốc Bù Bài (xã Châu Hạnh) thì bị ngã xe máy, lửa bốc cháy dữ dội. Theo nạn nhân, chị mang áo mưa tham gia giao thông thì bị áo mưa cuốn vào bánh xe dẫn đến bị ngã.

Khoảng 15h40 ngày 7/6/2019 một người đàn ông đi trên đường Ngô Gia Tự (Long Biên, Hà Nội) bị ngã đập mặt xuống đường và văng ra xa hàng chục mét do bị tà của áo mưa cuốn vào bánh xe phía trước. Vụ tai nạn khiến người đàn ông chấn thương nặng.

Người đàn ông bị ngã văng ra đường ở Hà Nội do áo mưa cuốn vào bánh xe.

Người đàn ông bị ngã văng ra đường ở Hà Nội do áo mưa cuốn vào bánh xe.

Không may mắn như 2 người trên, một người đàn ông (76 tuổi, tỉnh Lâm Đồng) đã tử vong. Ông chạy xe máy từ chợ Đà Lạt về trang trại của gia đình trong lúc mưa lớn. Đang đổ đèo Mimosa, tà áo mưa cánh dơi của ông cuốn vào bánh sau xe. Chiếc xe mất thăng bằng rồi đổ ra đường, nạn nhân tử vong.

Theo Công an TP Đà Lạt, ông V tử vong do bị áo mưa siết chặt cổ. Lúc xảy ra tai nạn, đoạn đường ít người qua lại nên nạn nhân không được cấp cứu kịp thời.

Tại TP HCM, một người mẹ đón con 4 tuổi đi học về lúc trời mưa, bị tà áo mưa quấn vào bánh xe máy, mất tay lái, hai mẹ con ngã văng ra đường. Cùng thời điểm, một chiếc xe tải từ sau chạy đến, không kịp thắng đã cán lên người bé trai khiến em thiệt mạng.

Vậy người tham gia giao thông cần lưu ý gì khi mặc áo đi mưa? Theo cảnh sát giao thông Hà Nội, để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, việc lựa chọn những chiếc áo mưa phù hợp rất quan trọng. Nên chọn những bộ gọn gàng, không làm che gương hoặc không che đèn xi nhan. Người điều khiển phương tiện không nên cho áo mưa phủ qua tay lái vì có thể gây vướng víu, gặp gió to rất dễ gặp sự cố.

Khi áo mưa phủ lên đầu xe cũng sẽ che đi gương chiếu hậu, khiến người lái không thể quan sát phía sau. Không nên ngồi đè lên vạt sau của áo mưa vì khi gió thổi, vạt áo mưa dễ quấn vào bánh xe sau gây ngã và ảnh hưởng đến người đang tham gia giao thông khác.

Người lái xe nên mặc áo mưa rời, hay còn gọi là áo mưa bộ giúp điều khiển xe dễ dàng, tầm quan sát không bị hạn chế và không gây cản gió khi xe di chuyển.

Trong trường hợp cha mẹ đèo con nên cho trẻ mặc áo mưa riêng và thắt dây an toàn, không nên cho trẻ ngồi trước hay sau rồi che chung áo mưa với người lớn. Bởi nếu ngồi trước, trùm áo mưa lên tay lái, áo mưa sẽ che mặt khi có gió, còn nếu ngồi sau, sẽ dễ vướng vào phương tiện khác đang cùng lưu thông.

Ngoài ra, khi tham gia giao thông dưới thời tiết mưa, bão, người điều khiển phương tiện nên đi chậm, chú ý giữ khoảng cách an toàn với xe trước và sau với tốc độ vừa phải, để đảm bảo làm chủ tay lái và an toàn tuyệt đối.

M.Nguyệt (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/luu-y-de-tranh-tai-nan-thuong-tam-do-ao-di-mua-post416569.html