Lưu ý khi lập di chúc
* Bạn đọc hỏi: ông Đặng Ngọc Vũ, trú Q. Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi có 3 chị em, ba tôi đã mất trước giải phóng, mẹ tôi mất cách đây 2 năm. Trước khi mất, mẹ tôi có lập di chúc (DC) để lại tài sản (TS) là nhà và đất có diện tích 246m2 do mẹ tôi đứng tên làm chủ sở hữu. DC có nội dung: “Sau khi chết, khối TS trên sẽ giao cho con trai quản lý và sử dụng, không được bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp dưới bất kỳ hình thức nào”. Vừa qua, một trong hai người chị của tôi đã yêu cầu tôi bán căn nhà này để chia. Tôi không đồng ý vì DC mẹ tôi đã để lại cho tôi. Vậy, tôi muốn hỏi: với nội dung DC như vậy, TS trên có phải là của tôi hay không và chị tôi có quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế không?
* Ths.LS Lê Ngô Hoài Phong (Trưởng CN Cty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng) trả lời: Về nguyên tắc pháp lý, DC là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển dịch TS của mình cho người khác sau khi chết. Điều này có nghĩa, người lập DC phải xác định được ai là chủ sở hữu của khối TS sau khi họ qua đời. Nếu không xác định được, việc phân chia di sản thừa kế phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Do đó, việc mẹ ông Vũ lập DC cho ông quản lý và sử dụng TS nhưng lại không cho phép ông “bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp dưới bất kỳ hình thức nào” thể hiện rằng: mẹ ông không muốn chuyển dịch quyền sở hữu TS sang cho ông sau khi bà mất. Vì vậy, trong trường hợp này, ông sẽ không được công nhận là chủ sở hữu TS trên.
Cụ thể hơn, nếu ông dùng DC với nội dung như vậy để làm thủ tục mở di sản thừa kế tại công chứng, ông sẽ bị từ chối. Và, như một sự kéo theo đương nhiên, trong trường hợp những người đồng thừa kế (3 chị em của ông) không có sự đồng thuận về việc phân chia di sản, một trong hai người chị của ông có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật. Qua nội dung yêu cầu tư vấn của ông Vũ, tôi cũng xin lưu ý với bạn đọc rằng, một trong những mục đích quan trọng của việc lập DC là hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tranh chấp của những người đồng thừa kế. Do vậy, nếu lập DC với mội dung khó hiểu, không rõ ràng trong việc xác định ai là chủ sở hữu TS sau khi người để lại di sản qua đời sẽ vô hình chung gây nên tranh chấp của con cái, đồng thừa kế về sau.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của CN Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_207943_luu-y-khi-lap-di-chuc.aspx