Lưu ý: Muốn xây nhà trên đất nông nghiệp năm 2021, đừng quên điều quan trọng này
Nhu cầu xây dựng nhà ở ngày lớn, vì thế trong quá trình sử dụng đất nhiều người đã tiến hành xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. Vậy theo quy định của pháp luật có được xây dựng nhà trên đất nông nghiệp không?
Đất nông nghiệp là gì?
Đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng... Là tư liệu sản xuất chủ yếu vừa là tài liệu lao động vừa là đối tượng lao động, đặc biệt không thể thay thế của ngành nông - lâm nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 10, Luật đất đai năm 2013 quy định:
- Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
+ Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
+ Đất trồng cây lâu năm;
+ Đất rừng sản xuất;
+ Đất rừng phòng hộ;
+ Đất rừng đặc dụng;
+ Đất nuôi trồng thủy sản;
+ Đất làm muối;
+ Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.
- Điều kiện xây dựng nhà ở trên đất:
Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014 thì điều kiện để cá nhân được xây dựng nhà trên đất như sau:
-Đất ở hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân hoặc do thuê, mượn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác để xây dựng nhà ở.
- Đất ở được Nhà nước giao để xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật đất đai.
- Đất ở được Nhà nước bồi thường khi bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Có được xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp không?
- Theo quy định tại Điều 170 Luật đất đai 2013 về nghĩa vụ của người sử dụng đất
+ Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan
- Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật đất đai 2013 thì một trong các nguyên tắc khi sử dụng đất đó là
+ Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
- Mặt khác cũng theo quy định tại khoản 4, Điều 6 Luật Nhà ở 2014 về các hành vi bị nghiêm cấm
+ Xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở; xây dựng không đúng tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn diện tích đối với từng loại nhà ở mà Nhà nước có quy định về tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn diện tích nhà ở. Áp dụng cách tính sai diện tích sử dụng nhà ở đã được luật quy định trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở.
- Mục đích sử dụng đất được ghi rõ tại trang 2 của giấy chứng nhận theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT.
Như vậy, người sử dụng đất phải sử dụng đúng mục đích ghi trong giấy chứng nhận, quyền sử dụng đất vì thế người sử dụng đất không được phép xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. Trong trường hợp muốn xây dựng nhà ở phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được xây dựng nhà ở khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở?
Như đã nói ở trên, đất nông nghiệp chỉ được sử dụng vào việc sản xuất nông nghiệp, việc xây nhà ở trên đất này là vi phạm pháp luật.
Trường hợp người sử dụng đất chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp và muốn xây dựng nhà để ở trên diện tích đất này thì trước tiên phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở (hay còn gọi là đất thổ cư).
Theo đó, theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 thì nếu người sử dụng đất muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở thì phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích theo quy định của pháp luật.
Thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện như sau:
Người sử dụng đất nộp hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở đến cơ quan tài nguyên và môi trường (nơi có đất) để được giải quyết theo thẩm quyền.
Hồ sơ xin phép bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
- Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất;
- Giấy chứng nhận đến cơ quan tài nguyên và môi trường.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tài nguyên và môi trường sẽ tiến hành thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất ở sau khi được chuyển mục đích sử dụng.
Sau khi đã chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, thì người sử dụng đất có thể tiến hành xây dựng nhà ở trên diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng.
Lưu ý: Trường hợp xây dựng nhà ở trên diện tích đất thuộc khu vực đô thị hoặc thuộc khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa thì người sử dụng đất phải xin giấy phép giây dựng trước khi khởi công xây dựng (theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014).