Lưu ý về đồng hồ cơ cho người mới chơi
Những người mới 'nhập môn' đồng hồ cơ dễ phí tiền vào những sản phẩm kém chất lượng nếu không được hướng dẫn cẩn thận.
Hiện nay, việc xem giờ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ vào điện thoại thông minh. Dù vậy, nhiều người vẫn lựa chọn đồng hồ đeo tay, đặc biệt là những thiết kế thuần cơ khí (mechanical watch). Nguyên nhân là món phụ kiện này còn có khả năng thể hiện gu thẩm mỹ và thậm chí địa vị cá nhân.
Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ càng, người mới gia nhập giới đồng hồ dễ phí tiền vào sản phẩm kém chất lượng. Dưới đây, FashionBeans tổng hợp những lưu ý hữu ích trước khi mọi người quyết định đầu tư vào những cỗ máy thời gian cơ học.
Đồng hồ cơ là gì?
Mechanical watch là thuật ngữ dùng để chỉ những chiếc đồng hồ không hoạt động bằng thạch anh (quartz) hay bộ chuyển động chạy bằng pin.
Bên cạnh đó, mẫu đồng hồ này còn được chia thành hai loại là “automatic” (lên dây cót tự động) - thiết kế với rotor quay khi cổ tay di chuyển - và “hand-wound” (lên dây cót bằng tay) - người dùng tự quay dây cót để đồng hồ chạy.
Người dùng nên ưu tiên kiểu đồng hồ cơ thuận tiện cho bản thân. Nếu chỉ đơn thuần muốn một sản phẩm tự hoạt động tốt, mọi người có thể xem xét loại automatic. Trong khi đó, những ai ưa chuộng vật dụng gắn bó chặt chẽ với cổ tay mình nên thử mẫu lên dây cót bằng tay.
Giá cả của đồng hồ cơ cũng sẽ khác nhau tùy thuộc nhiều yếu tố từ bộ máy hoạt động, vật liệu đến thương hiệu đứng sau.
Thông thường, chúng ta sẽ phải chi khoảng 27.000 bảng Anh để sở hữu một sản phẩm lên dây cót thủ công của A. Lange & Sohne, thương hiệu đồng hồ Đức nổi tiếng. Trong khi đó, đồng hồ Tissot automatic chỉ có giá khoảng 300 bảng Anh.
“Tôi sẽ thường hỏi xem người mua nghĩ một chiếc đồng hồ cơ có giá bắt đầu từ bao nhiêu. Căn cứ vào đó, tôi có thể hướng dẫn và đề xuất họ sản phẩm phù hợp. Thực tế, đồng hồ cơ không được xem là quá đắt khi cân nhắc đến việc chúng ta sẽ đeo nó hàng ngày”, theo Mark Toulson, trưởng bộ phận mua đồng hồ tại Watches of Switzerland, nhà bán lẻ đồng hồ Thụy Sĩ của Anh.
Lưu ý thời gian hoạt động tốt
Những người mới tìm hiểu về đồng hồ cơ không nhất thiết phải săn đón những thiết kế với đa dạng complication (khái niệm chỉ chung tất cả chức năng bổ sung cho đồng hồ ngoài chỉ giờ, phút, giây cơ bản).
Một số complication tiêu biểu có thể kể đến như: lịch vạn niên (perpetual calendar), lịch tuần trăng (moon phase) hay điểm chuông theo phút (minute repeater).
Ở mức “nhập môn”, điều mọi người cần chú ý hơn là khả năng dự trữ năng lượng hay khoảng thời gian đồng hồ cơ có thể chạy tốt khi được lên dây cót hoàn toàn. Điều này cho phép người đeo biết được đồng hồ có thể chạy chính xác cho đến khi yếu đi trong bao lâu. Thông thường, 40 giờ là con số phổ biến.
Bên cạnh đó, một vài thương hiệu sẽ cung cấp thước đo năng lượng dự trữ ngay trên mặt số. Tuy nhiên, người dùng vẫn nên hỏi kỹ càng người bán vì không phải đồng hồ nào cũng được cấp thông tin chu đáo. Nếu dư giả, chúng ta có thể xem xét đồng hồ cơ bấm giờ (chronograph) với bộ chuyển động Valjoux 7750. Sản phẩm chất lượng tốt mà giá thành không quá đắt đỏ.
Bộ chuyển động có gì?
Địa điểm sản xuất bộ chuyển động quyết định khá nhiều giá cả của đồng hồ. Thông thường, vì chi phí lao động và vật liệu, bộ máy chế tác tại Thụy Sĩ đắt và chính xác hơn những loại được làm tại Nhật Bản.
Dưới đây, FashionBeans giới thiệu thông tin về một số bộ chuyển động tiêu biểu cho những người mới chơi đồng hồ cơ.
ETA
ETA 2824 là một trong những bộ chuyển động hàng đầu trong giới đồng hồ.
Sáng chế này thuộc về ETA, công ty chế tạo các loại máy đồng hồ trực thuộc Tập đoàn Swatch Group.
Mọi người có thể tìm thấy bóng dáng của chúng trong hầu hết sản phẩm từ nhiều thương hiệu khác nhau từ Hamilton Khaki đến Tudor Pelagos cũ kỹ.
Được sản xuất từ năm 1982, bộ máy này nổi tiếng hoạt động chính xác và mạnh mẽ. Bên cạnh đó, vì được sử dụng rộng rãi, bất kỳ trục trặc nào của ETA 2824 cũng có thể dễ dàng sửa chữa.
ETA 2892 cũng là bộ máy tinh tế đáng xem xét. Đây là cỗ máy cơ khí cơ bản thích hợp cho những thương hiệu không có khả năng tự sản xuất các bộ chuyển động nội bộ (in-house). Ngoài ra, chúng còn được dùng làm nền tảng cho những cơ chế phức tạp hơn như chronograph (đếm giờ).
Nếu tìm kiếm đồng hồ chronograph tầm trung, mọi người rất có thể bắt gặp Valjoux 7750, bộ máy đồng thời thuộc công ty ETA. Chúng ta sẽ còn thấy dấu ấn của bộ chuyển động này ở những thiết kế thuộc hãng TAG Heuer, Omega hay IWC.
Các thương hiệu khác
Một đối thủ cạnh tranh đáng gờm cũng ở Thụy sĩ của ETA là Sellita. Sellita từng hoạt động như một nhà xưởng gia công lắp ráp các bộ máy có nguồn gốc chính thống của ETA 2824.
Tuy nhiên, khi ETA tuyên bố sẽ không cung cấp những bộ chuyển động chưa hoàn thiện nữa, Sellita quyết định đầu tư và trình làng sản phẩm tương tự để bán.
Soprod, nhà sản xuất bộ máy và bộ phận đồng hồ của Thụy Sĩ, cũng là một cái tên tiêu biểu. Hãng cung cấp thiết bị cho một số hãng nổi tiếng như Sinn hay Baume & Mercier.
Hướng về phương Đông, hai bộ chuyển động hàng đầu đến từ hai thương hiệu Seiko và Citizen. Những chiếc đồng hồ sở hữu bộ máy từ các hãng này thường sẽ rẻ hơn. Nguyên nhân là chúng chủ yếu được sản xuất trên dây chuyền robot tự động thay vì lắp ráp thủ công như của Thụy Sĩ. Thêm vào đó, độ chính xác của chúng cũng thấp hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/luu-y-ve-dong-ho-co-cho-nguoi-moi-choi-post1422419.html