LVMH, Amazon, Alibaba tham gia chống dịch Covid-19 như thế nào?
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều hãng bán lẻ hàng đầu thế giới vẫn ủng hộ hàng triệu USD và thậm chí tham gia sản xuất trang thiết bị y tế giúp chính phủ dập dịch.
LVMH: Hồi tháng 1, đế chế hàng xa xỉ Pháp LVMH, được biết đến với nhiều thương hiệu như Louis Vuitton, Christian Dior, quyên góp 16 triệu nhân dân tệ (2,2 triệu USD) cho Hội chữ thập đỏ Trung Quốc để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh bùng phát tại nước này. Hai tháng sau đó, khi dịch bệnh lan sang châu Âu và trang thiết bị y tế rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng, LVMH đã sử dụng các nhà máy nước hoa và mỹ phẩm của mình để sản xuất nước rửa tay diệt khuẩn và ủng hộ miễn phí cho các cơ sở y tế Pháp. Tập đoàn này cũng tài trợ cho đơn hàng mua hàng chục triệu khẩu trang từ Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Inditex: Hãng bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới Inditex, công ty mẹ của thương hiệu Zara, mới đây cho biết đang xem xét chuyển đổi các nhà máy vải sang sản xuất quần áo bảo hộ y tế. Tập đoàn này cũng đã đề nghị hỗ trợ chính phủ Tây Ban Nha với mạng lưới nhà cung cấp và vận tải của mình, nhằm giúp vận chuyển các mặt hàng quan trọng như khẩu trang, găng tay, kính và mũ bảo hộ tới các bệnh viện trên khắp cả nước. Ảnh: Getty Images.
L'Oreál: Hãng mỹ phẩm Pháp L'Oreál tuần trước đã công bố sáng kiến nhằm hỗ trợ các cơ sở y tế tại Pháp và châu Âu, cũng như những nơi cần hỗ trợ nhất trong đại dịch Covid-19. Sáng kiến này bao gồm việc sản xuất nước rửa tay khử khuẩn tại các nhà máy của L'Oreál và cung cấp miễn phí cho các bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế và hiệu thuốc; quyên góp tiền cho các tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất; và gia hạn nợ cho các đối tác - tiệm làm tóc hay cửa hàng nước hoa nhỏ - nhằm bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều công ty mỹ phẩm hàng đầu khác cũng đưa ra những cam kết tương tự với việc sản xuất nước rửa tay hoặc cung cấp sản phẩm khử khuẩn miễn phí. Ảnh: Getty Images.
Moncler, Richemont, Kering, Hermès, Prada và Versace: Các thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu này đã tuyên bố ủng hộ hàng triệu USD cho công tác nghiên cứu virus corona chủng mới gây ra dịch bệnh Covid-19, cũng như ủng hộ tiền cho các tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Trong đó, thương hiệu Moncler của Italy đã quyên góp 10,9 triệu USD để xây dựng một bệnh viện mới tại thành phố Milan. Còn Prada ủng hộ các bộ thiết bị chăm sóc và phục hồi tích cực cho ba bệnh viện lớn tại Milan, đồng thời sản xuất và phân phối khẩu trang cũng như đồ bảo hộ cho các bệnh viện trên khắp Italy. Ảnh: Getty Images.
H&M: H&M, một trong những hãng bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, đang tận dụng chuỗi cung ứng toàn cầu của mình để sản xuất và phân phối trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế tại các bệnh viện. Công ty này cũng ủng hộ 500.000 USD cho Quỹ Đoàn kết Đối phó Dịch Covid-19. Đây là quỹ do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sáng lập nhằm huy động tài trợ nhằm phục vụ cho công tác ứng phó với đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.
Alibaba: Tỷ phú Jack Ma, người đồng sáng lập của đế chế thương mại điện tử Alibaba, đã quyên tặng 500.000 khẩu trang và 1 triệu bộ xét nghiệm Covid-19 cho Mỹ, cũng như hàng triệu khẩu trang cho khu vực châu Á và Mỹ Latinh. Ông cũng tuyên bố tài trợ khoảng 16,5 triệu USD cho công tác nghiên cứu và phát triển vác-xin chống Covid-19 cho nhiều tổ chức khác nhau. Ảnh: Getty Images.
Walmart: Hãng bán lẻ lớn nhất thế giới đã hợp tác với chính phủ liên bang Mỹ để lập các cơ sở xét nghiệm virus corona tại bãi đỗ xe ở một số cửa hàng. Đến nay đã có hai cơ sở như thế này được thành lập tại Chicago và dự kiến có thêm nhiều cơ sở khác trong thời gian tới. Hãng bán lẻ Mỹ cũng ủng hộ 25 triệu USD cho các tổ chức đang nghiên cứu về Covid-19, cũng như các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất. Ảnh: Walmart.
Amazon: Hãng bán lẻ trực tuyến Amazon đã ủng hộ 7 triệu USD cho những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất tại Washington DC và Seattle qua các tổ chức phi lợi nhuận. Công ty này cũng đang hợp tác với một nhóm các nhà nghiên cứu y tế, được tài trợ bởi quỹ Gates Foundation, để vận chuyển và phân phối bộ xét nghiệm tại nhà cho cư dân tại Seattle. Ngoài ra, Amazon cũng hỗ trợ 20 triệu USD tín dụng và kỹ thuật cho khách hàng sử dụng dịch vụ Amazon Web Services, cũng như các công ty nhỏ và viện nghiên cứu - những tổ chức dùng dịch vụ điện toán đám mây để ứng phó với cuộc khủng hoảng. Ảnh: Getty Images.
Kroger: Hãng bán lẻ Mỹ đã ủng hộ 3 triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận cho các những người dân dễ bị tổn thương nhiều nhất nhằm giúp họ tiếp cận với nguồn thực phẩm. Ảnh: Reuters.
Target: Hãng bán lẻ Mỹ Target cũng quyên góp 10 triệu USD nhằm giúp các tổ chức trong nước và toàn cầu ứng phó với đại dịch. Ảnh: AP.
Theo Business Insider